Án mạng chấn động thế giới: "Góa phụ áo đen" không tha mạng cả mẹ ruột và chồng con
Sát nhân mang biệt danh "góa phụ áo đen" đã ra tay với 21 người gồm cả mẹ đẻ, chồng và con ruột, là một trong những vụ án chấn động thế giới.
Bên ngoài một ngôi nhà bình thường trong làng Durham, Tây Auckland nước Anh có vẻ yên tĩnh và không có gì khác biệt so với những ngôi nhà xung quanh đó. Nhưng bên trong ngôi nhà lại ẩn chứa cả một quá khứ kinh hoàng.
Số nhà cũ đã được thay đổi, có thể vì những người sinh sống ở đó không muốn tội ác xảy ra trong căn nhà cách đó hàng trăm năm trở thành cái dớp cho các thế hệ về sau. Trong tâm trí của những người dân tò mò nhất ở nơi đây, cũng chỉ còn vài người biết về Mary, hầu như những gì thuộc về kẻ giết người này đều bị xóa sạch trong lịch sử.
Đây từng là ngôi nhà của Mary Ann Cotton – kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của nước Anh. Đây là nơi bà đã gây ra tội ác với nạn nhân cuối cùng, và cũng là nơi bà đã bị bắt, và sau đó bị hành quyết tại nhà tù Durham vào tháng 3/1873.
Rất ít người biết về kẻ giết người thường được gọi là “góa phụ đen” này. Bà là một người vợ, một góa phụ, một người mẹ, một người bạn và là một y tá nhưng lại giết ít nhất là 21 người.
Hai thập kỷ trước khi Jack Máy Xẻ tấn công các khu phố ở London, Mary Ann Cotton đã là một cỗ máy giết người, với danh sách nạn nhân dài dằng dặc, gồm có: 8 người con đẻ của bà, 7 người con riêng của chồng, mẹ đẻ của bà, ba người chồng, một tình nhân và một người bạn.
Mary Ann sinh năm 1832 tại Low Moorsley, một ngôi làng nhỏ gần thị trấn Hetton-le-Hole. 20 năm sau, bà kết hôn với một công nhân mỏ than là William Mowbray. Đến năm 1860, vợ chồng Marry Ann chuyển tới vùng Đông Bắc, và cũng tại nơi đây, chuỗi thảm sát bắt đầu.
Chân dung sát thủ "góa phụ áo đen" gây nên án mạng chấn động thế giới. Ảnh: North News and Pictures
Mowbray cũng thuộc tầng lớp lao động như cha của Mary Ann. Cặp vợ chồng trẻ sống tại Plymouth, Denver và có với nhau 5 người con. Tuy nhiên, 4 trong số đó đã qua đời vì căn bệnh thương hàn. Sau đó, hai người đã chuyển tới vùng Đông Bắc Anh, nơi họ có thêm với nhau ba người con nữa. Cô ta còn thậm chí không thể nhớ được mình đã có và mất bao nhiêu người con trong cuộc đời.
Gia đình Mary đã phải làm việc rất vất vả để kiếm đủ miếng ăn. William từng làm đốc công tại South Hetton Colliery và sau đó chuyển sang làm lính cứu hỏa. Vào đầu năm 1865, William qua đời đột ngột với các triệu chứng như các con mình. Mất chồng, góa phụ Mary Ann còn lại một người con và khoản tiền bảo hiểm đền bù bằng nửa số lương một năm của William.
Marry Ann đi bước nữa và kết hôn với George Ward vào năm sau đó. Tuy nhiên, cũng chỉ 13 tháng sau đó, George qua đời với căn bệnh liên quan tới đường ruột. Lại một lần nữa, góa phụ Mary Ann nhận được khoản tiền bảo hiểm kếch xù sau cái chết của chồng.
Người chồng tiếp theo của Mary Ann là James Robinson. Ông cũng đã có một đời vợ và vài người con riêng, trong đó có một đứa trẻ sơ sinh. Vào năm 1866, ông thuê Mary Ann làm người giúp việc trong nhà.
Không hiểu vì duyên cớ gì mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, đứa con chưa đầy một tuổi của ông cũng qua đời. Quá tuyệt vọng, ông tìm đến cô giúp việc trẻ trung để an ủi tinh thần và hai người đã trở thành một cặp đôi.
Mary Ann sống với James và cô con gái có với người chồng đầu tiên. Trước đây, cô bé sống với mẹ của Mary Ann. Vào cuối tháng 4/1867, cô con gái, cùng với hai người con khác của James đã qua đời không rõ nguyên cớ.
Dù phải chứng kiến nhiều cái chết liên tiếp như vậy, James vẫn quyết định cưới Mary Ann vào mùa hè năm đó. Người con đầu tiên của hai người chào đời vào tháng 11. Tuy nhiên, cô bé cũng ốm nặng và qua đời vào tháng 3 năm 1868. Người con trai thứ hai chào đời vào tháng 6/1869.
Sau một thời gian chung sống, James bắt đầu nghi ngờ vợ của mình. Khi ông phát hiện ra Mary Ann có những hành vi bạo hành với con riêng của mình, ông đã đuổi bà ra khỏi nhà và nhận quyền nuôi con. Có lẽ James không hề biết rằng, nhờ có vậy, ông đã cứu được mạng sống cho George cũng như chính mình.
Nhưng không lâu sau đó, Mary lại tìm được một người đàn ông khác nhờ có người bạn là Margaret Cotton giới thiệu cho người anh trai tên là Frederick. Margaret chăm sóc anh trai và hai người con của anh. Nhưng rồi, Margaret đã mất năm 1870 vì chứng đau dạ dày, và khu rửa than của anh em nhà Margaret rơi vào tay của Mary.\
Một trong những ngôi nhà mà Mary từng sống và diễn ra vụ giết người. Ảnh: Internet
Cuộc hôn nhân giữa Mary và Frederick đã mang lại cho họ cậu con trai tên là Robert, sinh năm 1871. Cuối tháng 12 năm đó, Frederick chết. Tất nhiên, khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông cùng với các con ông đều rơi vào tay Mary. Ngay sau đó, Nattrass – người tình lâu năm của Mary – chuyển đến sống cùng bà.
Tuy nhiên, Mary tìm được công việc làm y tá cho một viên chức tên là John Quick-Manning. Mary sau đó mang thai với ông này (con gái của hai người được sinh ra trong thời gian Mary ngồi tù chờ thi hành án). Nhưng Mary vẫn thấy phiền hà với lũ trẻ của bà trong cuộc hôn nhân thứ ba.
Một trong số các con riêng của chồng bà đã mất vào tháng 3/1872, cậu con trai riêng của bà cũng mất không lâu sau đó. Ngay sau khi xem xét lại di chúc theo nguyện vọng của Mary, người tình Nattrass cũng lâm bệnh và qua đời vào tháng tư cùng năm.
Cuộc sống khó khăn cùng với khối lượng công việc nặng nhọc, thiếu ăn, đã tiếp tay cho âm mưu đen tối của “góa phụ” giết người không ghê tay Mary Ann. Trong khi đó, Mary lại là một y tá, nên bà biết rõ cách thức dàn dựng mọi chuyện êm xuôi. Nhưng, cái kim trong bọc không giấu được mãi, cuối cùng, tội ác của Mary đã bị vạch trần.