Án mạng chấn động thế giới: 60 năm không tìm ra danh tính hung thủ và nạn nhân bé nhỏ khỏa thân
Đây là một vụ án kinh hoàng và bí ẩn tại Philadelphia (Mỹ) năm 1957. Đến nay, người ta vẫn chưa xác định được danh tính nạn nhân và cả hung thủ.
Trời mưa nặng hạt vào đêm trước và bầu trời vẫn xám xịt vào sáng hôm sau. Đó là ngày 11/11/1998. Một đám đông khoảng trăm người tập trung tại nghĩa trang Ivy Hill ở Philadelphia để dự lễ tang. Đúng lúc đó, mưa tạnh hẳn và bầu trời trở nên quang đãng.
Tang lễ bắt đầu lúc 11h khi người thổi kèn chơi bài "Về nhà" trong Bản giao hưởng Thế giới mới" của Antonin Dvořák. Những người hộ tang không phải là thân nhân hay bạn bè của người chết.
Một số là sĩ quan cảnh sát Philadelphia, một số là thành viên tổ chức Xã hội Vidocq. Chiếc quan tài màu trắng được hạ dần xuống lòng đất. Người hộ tang tên Sam Weistein, một thám tử về hưu, lặng lẽ gạt nước mắt. Weinstein từng ở trong một tình huống như vậy, khoảng 41 năm về trước.
Năm 1957, Fox Chase vẫn còn là một nơi hẻo lánh cách trung tâm Philadelphia hơn chục cây số. Tách biệt lại thưa dân, Fox Chase trở thành "bãi xả rác" của bọn tội phạm.
Đó là ngày 25/2, mùa xuân vẫn chưa tới và trời giá buốt suốt cả tuần. Vào buổi chiều, Frederick J. Benonis, một sinh viên 26 tuổi thuộc trường Đại học La Salle, đỗ xe trên đường Susquehanna ở Fox Chase.
Anh ra khỏi xe bước vào lùm cây rậm. Hai tuần trước đó, anh cũng dừng lại ở đây và đuổi một con thỏ chạy vào rừng, nơi anh thấy có hai cái bẫy và tháo chúng ra. Lần này, anh muốn xem tình hình thế nào.
Benonis phát hiện có một chiếc hộp các-tông lớn nằm trong bụi rậm. Lần trước tới đây anh không thấy nó. Tò mò, anh nhìn vào bên trong và thấy một con búp bê to. Nó rất thật, quá thật.
Benonis chạy nhanh trở lại xe và nổ máy. Anh không gọi cảnh sát; anh biết họ sẽ nghĩ gì. Họ đã có lần nói với anh về việc anh hay theo dõi mấy cô gái trẻ ở khu bên kia đường.
Sáng hôm sau, Benonis lái xe tới trường. Anh bật đài nghe tin tức. Một bé gái 4 tuổi tên Mary Jane Barker bị mất tích khỏi nhà ở Bellmawr, New Jersey, cách đó chưa đầy 40km. Có phải xác Mary trong chiếc hộp không? Đó có phải là những gì anh thấy? Anh phải nói với ai đó. Cuối cùng anh đã kể với hai luật sư và một linh mục. Họ bảo anh hãy gọi cho cảnh sát.
Trung úy Charles Gargani đang trực thì nhận được điện thoại của Benonis. Anh yêu cầu các sĩ quan kiểm tra chiếc hộp bên đường Susquehanna. Ngay sau đó, cảnh sát tuần tra Elmer Palmer tới hiện trường và tìm thấy chiếc hộp, hy vọng bên trong chỉ là con búp bê. Nhưng anh thấy đầu và vai nhô ra khỏi hộp, phần còn lại được quấn trong chăn. Không phải búp bê!
Chiếc hộp nơi phát hiện xác cậu bé
Thám tử Sam Weinstein có mặt ngay sau đó để kiểm tra chiếc hộp. Ông không lạ gì xác chết vì từng phục vụ quân ngũ trong Thế chiến II. Nhưng lần này khác, đó là một đứa trẻ, một bé trai, không phải Mary Jane Barker. Weinstein không bao giờ quên được cảm giác của ông khi ấy và tự hứa sẽ không bao giờ từ bỏ vụ án này.
Trên thực tế, Mary Jane được tìm thấy một tuần sau đó. Bé vào một ngôi nhà trống ở gần nhà nhưng bị kẹt không ra được và chết vì đói.
Khám nghiệm cho thấy cậu bé khoảng 4-6 tuổi, bị bầm tím nhiều vết ở mặt, chân và dạ dày. Tóc nạn nhân nham nhở, một số sợi tóc vẫn còn dính trên người chứng tỏ bé bị cắt tóc trong lúc không mặc quần áo. Bên cạnh đó, các nhà điều tra cũng tìm thấy một số manh mối khác.
Chiếc hộp là của cửa hàng J. C. Penney cách hiện trường khoảng 24km, được bán với giá 7,95 USD trong khoảng thời gian từ 3/9/1956 đến 16/2/1957 nhưng không thể biết ai đã mua nó. Cũng có thể chiếc hộp không liên quan tới cậu bé hoặc kẻ giết người, chỉ đơn giản là vì nó tiện dụng.
Chiếc chăn quấn cậu bé rất đặc biệt, kiểu cách của Ấn Độ với đủ các màu sắc. Kiểm tra cho thấy nó được sản xuất hoặc ở Bắc Carolina hoặc ở Quebec. Tuy nhiên, có tới khoảng một triệu rưỡi chiếc chăn loại này được bán trên khắp cả nước.
Các thám tử đã mang ảnh đứa bé tới 143 cửa hiệu trong và xung quanh khu vực nhưng không ai nhận ra nạn nhân. Thời gian tử vong cũng không xác định được do thời tiết quá lạnh giá. Bé trai có thể chết trước đó vài ngày hoặc vài tuần.
Đến nay, ảnh của cậu bé vẫn xuất hiện trên các báo buổi sáng. Hàng nghìn tấm poster cũng được dán ở các bưu điện, cửa hàng rượu hoặc những nơi mọi người hay tụ tập.
Một người đã báo với cảnh sát rằng anh đang lái xe dọc đường Verree ngày 24/2 thì nhìn thấy một phụ nữ trung tuổi cùng một cậu bé khoảng 12 tuổi đỗ xe bên lề đường Susquehanna, gần nơi xác đứa trẻ được tìm thấy.
Thấy họ đang lôi thứ gì đó ra khỏi xe, anh đã đỗ lại và hỏi họ có cần giúp không, nhưng cả hai lầm lì không nói gì. Cách họ đứng khiến anh nghi ngờ họ đang cố giấu biển số xe. Cảnh sát không tìm được người phụ nữ hay cậu bé này.
Ban đầu, nghĩ giống bao vụ giết người khác, cảnh sát Philadelphia khẳng định: "Chúng tôi sẽ sớm tìm ra danh tính của nạn nhân trong nay mai thôi". Thế nhưng, chẳng bao lâu sau thì họ nhận ra vụ án này không hề đơn giản.
Hàng trăm, hàng nghìn poster in ảnh và những bản mô tả đặc điểm nhận dạng của đứa trẻ được phát đi, dán trắng các ngả đường, con phố cũng như ở các siêu thị, công sở khắp Philadelphia. Tuy nhiên, vẫn không ai biết đứa trẻ là ai.
Tất cả những vật chứng cảnh sát Philadelphia tìm thấy chỉ gồm có: chiếc hộp chứa thi thể nạn nhân, một chiếc chăn cũ bị xé làm đôi, một chiếc mũ màu xanh. Kiên trì lần theo tung tích từng chứng cứ, năm lần bảy lượt gửi các vật chứng đến phòng thí nghiệm của FBI để giám định nhưng vẫn chẳng dẫn tới kết quả gì.
Trong suốt 60 năm qua, có rất nhiều giả thuyết, manh mối được đặt ra về cái chết bí ẩn của thằng bé nhưng tất cả đều bị bác bỏ vì không có đủ bằng chứng. Sau khi xảy ra vụ án, có rất nhiều gia đình mất con tìm đến cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không chứng minh được những người này có liên quan tới đứa trẻ.
Vào năm 2002, một người phụ nữ có tiền sử bệnh tâm thần tuyên bố rằng gia đình cô đã "mua" cậu bé từ một gia đình khác. Bà này còn khẳng định cậu bé đã bị lạm dụng tình dục và bị ngược đãi trong suốt 2 năm trước khi bị giết.
Bà còn nhấn mạnh rằng chính cha mẹ mình đã đánh cậu bé sau khi em nôn trong bồn tắm và cậu bé đáng thương tử vong sau khi bị đập mạnh xuống sàn nhà. Tuy nhiên khi cảnh sát đến gia đình người phụ nữ này điều tra thì không có kết quả gì.
Năm 2004, 47 năm sau khi vụ án xảy ra, Tom Augustine, một trong những thám tử từng tham gia "giải mã" chiếc hộp bí ẩn tại Philadelphia, nhận được liên lạc của vợ chồng ông bà Clairmants, sinh sống tại bang Florida.
Ngôi mộ của cậu bé phải đề tên vô danh
Cặp vợ chồng này nằng nặc khẳng định, nạn nhân trong chiếc hộp là con trai mình và đề nghị được tiến hành xét nghiệm DNA để tìm ra câu trả lời. Thế nhưng, kết quả từ phòng thí nghiệm lại một lần nữa "từ chối" giả thiết của họ.
Vào năm 1955 cũng có một giải thuyết khác được đặt ra. Vào thời gian đó, một cậu bé 3 tuổi tên Steven Craig Damman bị bắt cóc bên ngoài một siêu thị.
Theo mô tả thì Steven và "cậu bé trong hộp" có nhiều điểm tương tự như nhau: cùng tuổi, cùng màu tóc, màu mắt lại có một vết sẹo ở cằm giống nạn nhân. Các nhà điều tra đặt giả thuyết rằng rất có thể 2 cậu bé là cùng một người.
Mặc dù vậy cả hai người có những điểm khác nhau. Cậu bé Steven có vấn đề về thận nhưng cậu bé trong hộp thì không có vấn đề gì về sức khỏe. Vào cuối năm 1998, mộ cậu bé trong hộp được khai quật.
Khoa học đã tiến một bước dài trong những năm qua và đến lúc các nhà chức trách có thể dùng ADN làm bằng chứng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng vẫn xác định nạn nhân không phải Steven Damman.