8 tuyệt chiêu đánh bay chứng say tàu xe
Say xe là nỗi “ác mộng” với nhiều người khi phải di chuyển. Xin mách 8 tuyệt chiêu trị say tàu xe hiệu quả, rất dễ áp dụng và nhiều người đã áp dụng thành công.
Say tàu xe khiến việc di chuyển trở thành nỗi ác mộng của nhiều người. Ảnh minh họa: Internet
Ai đã say xe mới hiểu cảm giác khổ sở như thế nào: người mệt rũ như không trọng lượng, tụt huyết áp... Hay bị say xe nên nhiều người ngại di chuyển bằng ô tô, máy bay, tàu biển..., nhưng rõ ràng không ai có thể “kiêng” việc đi tàu xe được bởi di chuyển là một phần tất yếu của cuộc sống.
Có một số cách khiến chứng say tàu xe giảm nhẹ đi rất nhiều, thậm chí có người áp dụng mà khỏi hẳn say tàu xe. Bạn tham khảo xem sao nhé!
1. Chọn chỗ ngồi hợp lý, nhìn thẳng về phía trước
Nếu đi ô tô, hãy chọn chỗ ngồi gần đầu xe. Nhìn thẳng và chăm chú vào phía trước với các mục tiêu càng xa càng tốt. Không nên nhìn sang 2 bên, không ngồi quay mặt phía ngược chiều xe chạy.
Nếu đi tàu thuyền, nên ngồi trên boong tàu, phía sau thân tàu, tránh xa chỗ có mùi xăng dầu. Nên nhìn xa thật xa, không nhìn xuống nước hoặc nhìn mũi tàu.
Nếu đi máy bay, không nhìn ra ô kính khi máy bay lên xuống.
2. Không ăn no trước khởi hành
Đừng ăn no quá hoặc bụng đói quá. Cần tránh các thức ăn quá béo, có chất cồn và các chất kích thích như trà hay cà phê.
Nếu khát nước, chỉ nên uống từng ngụm nhỏ. Giữ tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng, không căng thẳng, lo lắng. Thở chậm, sâu và đều.
3. Không đọc sách báo, viết, chơi điện tử... khi đang trên tàu xe
Nếu bị say tàu xe thì bạn không nên đọc sách khi đang di chuyển. Ảnh minh họa: Internet
Nói chung, khi đang di chuyển không đọc sách báo, hạn chế nhắn tin hay chơi điện thoại trên tàu xe nếu bạn bị say xe.
4. Dùng gừng tươi
Trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng.
Theo y học cổ truyền gừng có vị cay, tính âm, còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Vì thế việc sử dụng gừng trong điều trị chống say xe vừa dễ vừa đảm bảo hiệu quả, không gây các tác dụng phụ.
Nếu không sử dụng được trà gừng sống thì có thể dùng kẹo gừng. Ngậm kẹo gừng rất tốt vì trong kẹo gừng có chất ngọt sẽ giúp người đi xe ô tô tăng cường tuần hoàn não bớt chóng mặt, đau đầu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc ngồi trên xe ô tô đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi vị hăng, cay bay vào trong mũi. Cũng có thể cắt một miếng gừng dán vào rốn, lấy băng bông dính lại là được.
5. Dùng lá trầu
Lá trầu không có tác dụng chống say tàu xe. Ảnh minh họa
Bạn có thể sử dụng lá trầu dán vào rốn, dùng chiếc vải xô, khăn mùi xoa lót, rồi dùng băng dính hoặc khăn buộc cho lá trầu cố định lại. Lá trầu sẽ có tác dụng làm ấm vùng rốn. Giữ 1-2 lá cầm tay để thi thoảng ngửi sẽ “át” mùi của xăng xe, giúp bạn đỡ mệt mỏi, say xe.
6. Dùng khoai lang
Theo kinh nghiệm dân gian thì lấy 1/2 củ khoai lang gọt bỏ vỏ, rửa thật sạch, cắt miếng nhỏ, nhai nát để nuốt nước cũng có thể phòng chống được say tàu xe.
7. Dùng vỏ cam (quýt, bưởi...)
Trước khi lên xe khoảng 1 tiếng, lấy 1 quả quýt bóc vỏ, gấp đôi vỏ quýt, đặt vào giữa hai lỗ mũi và lấy tay nặn cho bắn ra những tinh dầu có kèm theo mùi thơm. Có thể hít 10 lần như vậy.
Trong khi ngồi trên xe cũng có thể làm như thế bất cứ lúc nào.
8.Dùng dầu gió
Có thể thực hiện cách xoa dầu gió vào hai huyệt thái dương, hai huyệt nội quan (giữa hai gân tay, phía trên và cách lằn chỉ cổ tay 3-4cm, huyệt nhân trung (giữa đường rãnh môi trên), hai huyệt phong trì (chỗ lõm phía sau gáy, trên cổ). Dùng dầu gió có tác dụng tốt nếu bạn say sóng và phải di chuyển bằng tàu biển.
Về lâu dài, để hạn chế say tàu xe, bạn nên có phương án rèn luyện thể lực. Khi thể lực được nâng lên, việc say tàu xe sẽ hạn chế đi rất nhiều. Bên cạnh đó bạn nên thực hiện việc ngồi tàu, xe nhiều lần để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với những tác động của sự chuyển động không có quy tắc.
Mẹ cho con ăn 6 loại quả này khi con đói không khác gì hại con. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe