4 xu hướng học tập nổi bật năm 2023
Các xu hướng học tập trong năm 2023 gắn liền với công nghệ giáo dục, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Công nghệ thực tế ảo giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục.
Điều này bảo đảm cho người học môi trường linh hoạt, không rào cản và tối ưu hóa đến từng cá nhân.
Học tập dựa trên dữ liệu
Học tập dựa trên dữ liệu, hay còn gọi là “phân tích học tập” là khái niệm xuất hiện từ năm 2011, đề cập đến việc đo lường, thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về người học (như trình độ, kỹ năng, bối cảnh gia đình, điều kiện kinh tế...). Từ đó, công cụ này giúp giáo viên, cán bộ quản lý hiểu và tối ưu hóa việc dạy học cũng như môi trường sư phạm.
Hoạt động này có nhiều điểm giống với phân tích trong kinh doanh như phân tích sản phẩm, khách hàng... để đem lại lợi nhuận kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp. Trong giáo dục, đối tượng chính của quá trình phân tích dữ liệu là người học. Từ dữ liệu của một và nhiều người học, ngành Giáo dục có được bức tranh toàn cảnh về xu hướng và mô hình ảnh hưởng đến nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, từ kết quả phân tích, giáo viên có thể cải thiện hoặc thay đổi phương pháp giảng dạy, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch giảng dạy cho từng lớp học, khóa học... Ngược lại, việc phân tích học tập mang lại sự tương tác mạnh mẽ, khả năng duy trì kết nối giữa thầy và trò; đồng thời tăng trải nghiệm học tập cho học sinh.
Khi phân tích dữ liệu của người học, giáo viên sẽ hiểu hơn về học sinh để xây dựng phương án giảng dạy phù hợp. Còn khi phân tích dữ liệu của giáo viên, cán bộ quản lý có thể thay đổi mô hình quản lý, quản trị trường học để cải thiện môi trường làm việc lẫn chế độ phúc lợi, giúp giáo viên có thêm động lực gắn bó với nghề.
Để có thể phân tích dữ liệu hiệu quả, các trường, ngành Giáo dục cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu chung, trong đó chứa các thông tin như dữ liệu điểm số; dữ liệu học sinh, sinh viên; dữ liệu phúc lợi; dữ liệu hành chính...
Học tập suốt đời
Trong các mô hình giáo dục truyền thống, nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người học đến một độ tuổi nhất định để các em tham gia vào thị trường lao động, tìm một ngành phù hợp với kỹ năng cá nhân.
Như vậy, theo truyền thống, quá trình học tập được tiến hành trong vòng 15 đến 20 năm đầu đời. Sau đó, các hoạt động học tập chỉ nhằm phát triển kỹ năng của bản thân, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của công việc.
Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, kỹ năng và năng lực có thể nhanh chóng trở nên... lỗi thời. Ngay cả những kiến thức và kỹ năng được đào tạo tại trường cũng có thể khó áp dụng trong thực tế hoặc môi trường làm việc không ngừng thay đổi khiến các kỹ năng được giảng dạy trong trường trở nên cũ mòn, không thể áp dụng. Do đó, trong nhiều năm qua và trong tương lai, xu hướng học tập suốt đời luôn được quan tâm và chú trọng.
Học tập suốt đời cũng đã chứng minh tính hiệu quả khi góp phần vào thành công của các cá nhân và công ty. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), học tập suốt đời là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc sống của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy.
Việc học tập suốt đời hiện nay được hỗ trợ bởi các phần mềm, ứng dụng học tập đa khía cạnh, đa lĩnh vực trên Internet. Ngoài ra, nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang tổ chức các khóa học ngắn, dài hạn dành cho người đi làm; từ đó, góp phần thúc đẩy và khuyến khích mọi người nâng cao khả năng học tập suốt đời.
Các phần kiến thức được chia nhỏ giúp người học nhớ lâu hơn và nhanh chóng hơn.
Học tập nhập vai
Còn gọi là “thực tế mở rộng”, học tập nhập vai là mô hình mà người học đắm chìm trong một thế giới ảo. Đó có thể là lớp học ảo, cuộc trò chuyện ảo hay hoạt động ngoại khóa ảo... Với các thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại, kính thực tế ảo, người học có thể tiếp cận với các phương pháp học nhập vai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp (MR)...
Hãy tưởng tượng bạn đang tìm hiểu về Hy Lạp cổ đại trong khi đi dạo xung quanh các thành phố cổ nhờ phương pháp tái tạo kiến trúc kỹ thuật số. Hay đi thăm Rặng san hô Great Barrier nổi tiếng thế giới trong tiết học Tìm hiểu hệ sinh thái biển bằng kính VR.
Hoặc luyện tập kỹ năng nói trước công chúng thông qua một lớp học ảo... Bạn có thể trải nghiệm tất cả các hoạt động học tập này mà không nhất thiết phải đến một địa điểm thực.
Một trong những ưu điểm của công nghệ nhập vai là khả năng tiếp cận và trải nghiệm được cải thiện. Cho dù, người học đang ở những vùng khó khăn hay đủ đầy cơ sở vật chất, việc tham gia vào lớp học ảo sẽ đặt người học vào một sân chơi bình đẳng.
Ở đó, trẻ em miền núi hay trẻ em thành thị đều có thể tham quan những di tích nổi tiếng thế giới, trò chuyện với người nước ngoài và thăm thú các nền văn hóa khác nhau. Từ đó, học tập nhập vai trao quyền cho người học ứng dụng lý thuyết và thực tế, cải thiện mức độ trải nghiệm và khả năng nhận thức.
Học vi mô
Học vi mô, còn tên gọi khác là học “nano”, học từ bài học nhỏ, là xu hướng học tập sẽ phát triển vào năm 2023. Trong các lớp học truyền thống, hình ảnh học sinh chăm chú theo dõi các bài giảng kéo dài tiết này qua tiết khác với khối lượng kiến thức khổng lồ đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc học một khối lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn được cho là không hiệu quả.
Trái ngược với phương pháp này, học tập vi mô chú trọng đến việc chia bài học thành các phần nhỏ, đoạn nhỏ; từ đó, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu hơn và nhanh chóng hơn.
Mô hình này trở nên phổ biến theo sự phát triển của lĩnh vực công nghệ giáo dục bởi đặc điểm của công nghệ giáo dục là cung cấp cho người học nội dung bài học ngắn, dễ tiếp thu chính xác trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, xu hướng này đang gia tăng do thời gian chú ý và sự kiên nhẫn của con người hiện nay bị rút ngắn. Mọi người thường tranh thủ các khoảng thời gian trống để giải trí hoặc củng cố, thu nạp kiến thức. Việc học các đoạn ngắn cũng góp phần hỗ trợ rèn luyện thói quen học tập suốt đời.
Một ví dụ điển hình của phương pháp học vi mô là ứng dụng học tiếng Anh Duolingo. Mỗi bài học trên Duolingo thường ngắn gọn, dễ hiểu, không tốn nhiều thời gian của người học.
Tuy nhiên, nếu kiên trì làm bài tập trên Duolingo mỗi ngày, người học có thể thu nạp một lượng kiến thức tiếng Anh. Duolingo cũng đề cao tính linh hoạt về thời gian, không gian của người học.