Chủ nhật, 02/06/2024 | 16:09
RSS

Có nên dùng chứng chỉ IELTS để miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và ưu tiên xét tuyển đại học?

Chủ nhật, 12/05/2024, 05:46 (GMT+7)

Thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tay sẽ được nhiều lợi thế như miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và ưu tiên xét tuyển đại học, tuy nhiên điều này lại nổ ra cuộc tranh cãi. PV báo Dân Việt đã trao đổi với các chuyên gia, nhà trường xoay quanh vấn đề này.

Chuyên gia ý kiến về chứng chỉ IELTS như "tấm kim bài"

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Thanh tra Bộ GDĐT thông báo kết luận hơn 56.000 chứng chỉ IELTS của IDP cấp sai quy định và Hội đồng Anh cấp sai phép hơn 90.000 chứng chỉ IELTS, Aptis. Hai đơn vị này đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong giai đoạn Bộ GDĐT chưa cho phép.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên là giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế diễn giả độc lập về giáo dục từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, thạc sỹ Đại học Stirling (Vương quốc Anh) và MBA Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, đã có chia sẻ xoay quanh vụ việc và chứng chỉ IELTS.

Có nên dùng chứng chỉ IELTS để miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và ưu tiên xét tuyển đại học?
Thí sinh tham dự kỳ thi xét tuyển đại học năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Thạc sĩ Nguyên cho rằng: "Việc chúng ta công nhận hay không công nhận thì ở ngoài lãnh thổ Việt Nam chứng chỉ IELTS vẫn có giá trị trên toàn cầu. Chúng ta có hạn chế, đóng cửa hay không thích chứng chỉ này cũng không có ý nghĩa mà chỉ khiến giáo dục của chúng ta thêm lạc hậu thêm, lạc lõng, tự tách mình ra khỏi thế giới  

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kỳ thi nào đủ tiêu chuẩn đánh giá tiếng Anh như IELTS. Đây là sản phẩm từ tổ chức uy tín mới đủ tầm thực hiện trên toàn cầu. Khâu quản lý thi chặt chẽ, khảo thí được nghiên cứu khoa học đầy đủ, đánh giá trình độ học sinh đáng tin cậy. Việt Nam không thể thay thế được kỳ thi này về mọi mặt. Chỉ có điều khi thực hiện liên kết, họ chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục hành chính từ phía Việt Nam, không ảnh hưởng đến thí sinh chứ bản chất của việc thực hiện khảo thí không phải gian lận hay xảy ra vấn đề về quản lý chất lượng, dẫn đến sai sót trong chất lượng của chứng chỉ".

Nói về việc học và thi IELTS tốn kém, Thạc sĩ Nguyên cho biết: "Với 5 triệu đồng thì so với mặt bằng chung của Việt Nam là cao nhưng so với các nước khác lại phù hợp. Mặt khác, không ai yêu cầu thí sinh phải thi chứng chỉ IELTS. Có nhiều kỳ thi khác để học sinh lựa chọn. IELTS phù hợp nhất với các em có nguyện vọng đi du học. Còn nếu chỉ sử dụng mục đích trong nước thì tại sao các em không đăng ký thi chứng chỉ như Vstep với chi phí rẻ hơn, nhiều địa điểm thi hơn. Người học nên có nhiều thông tin hơn để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục đích của mình. Các em cũng không nên thi IELTS cho vui, thi để thử sức vì sẽ tốn thời gian và tiền bạc".

Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ và được tính 10 điểm môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ. Với Tiếng Anh, thí sinh cần có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên là đã được miễn thi môn Ngoại ngữ.

Số liệu cũng cho thấy, cả nước có 46.670 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2023, chiếm 4,5% so với hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Một số địa phương có số thí sinh trong diện này nhiều như Hà Nội (gần 16.000 em), TP.HCM (gần 10.000 em).

Sức nóng của các chứng chỉ ngoại ngữ đã góp phần tạo ra phong trào thi đua học tập tiếng Anh sôi nổi và khả năng ngoại ngữ của mặt bằng trung học sinh Việt Nam đang tăng dần. Mặc dù từ năm 2025, Ngoại ngữ là môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá đây không phải là lý do để môn tiếng Anh bị tụt lùi mà học sinh sẽ học thực chất hơn vì theo đúng nhu cầu.

Trước vấn đề gây tranh cãi sử dụng chứng chỉ IELTS để miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và xét tuyển vào đại học, theo Thạc sĩ Nguyên: "Tôi ủng hộ việc quy đổi tương đương miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ từ chứng chỉ IELTS. Còn việc sử dụng riêng chứng chỉ này để vào đại học thì không nên, không đáng tin cậy, các trường nên xem xét lại. Vào đại học phải căn cứ các môn cơ sở, chứng chỉ tiếng Anh không thể thay thế, trừ các ngành, các trường liên quan đến ngoại ngữ".

Chuyên gia giáo dục Đặng Minh Tuấn cho hay: "Mặc dù không phủ nhận những lợi ích phong trào học ngoại ngữ mang lại như giúp giáo viên và học sinh buộc phải "chuyển mình" thay đổi; giúp người học có công cụ, phương tiện để giao lưu quốc tế và tiếp cận kho tri thức khổng lồ trên thế giới… nhưng việc ưu tiên xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế có thể làm thiên lệch sự định hướng giáo dục.

Vốn dĩ IELTS chỉ là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ gồm: nghe, nói, đọc, viết trong thời gian ngắn hạn, do đó không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn, năng lực của người học. Chẳng hạn với một sinh viên học ngành Kinh tế, khi sử dụng tiếng Anh tốt có thể giúp bạn phát triển nghề nghiệp tốt hơn nhưng không thể sử dụng IELTS để đánh giá năng lực chuyên môn về kinh tế".

Các trường ưu tiên sử dụng chứng chỉ IELTS thế nào?

Nói về mục đích sử dụng chứng chỉ IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ khác, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương lý giải: "Trường hiện có 17/35 chương trình được giảng dạy bằng Tiếng Anh, mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Các chương trình yêu cầu thí sinh có đủ năng lực tối thiểu để học tập, nghiên cứu, thực hành bằng tiếng Anh. Vì vậy, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ thuận lợi, phù hợp với các chương trình mang tính hội nhập cao này".

Theo TS Vũ Thị Hiền, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như một căn cứ trong quá trình xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất mà sẽ xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố năng lực khác như kết quả học tập THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT,… IELTS là một trong các chứng chỉ ngoại ngữ mà Trường Đại học Ngoại thương lựa chọn để sử dụng cho xét tuyển. Nhà trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có một số phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL ibt, Cambridge certificate, JNPT, HSK, DEFT….) và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT,ACT, A-Level)/kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các chứng chỉ ngoại ngữ này có điểm chung là kiểm tra đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, được Bộ GDĐT công nhận trong xét tuyển và đào tạo, đồng thời được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Các chứng chỉ đã được áp dụng hiệu quả trong tuyển sinh ở các trường đại học uy tín ở nhiều nước/khu vực trên thế giới, đều phổ biến và được tổ chức thi tại nhiều đơn vị ủy quyền ở Việt Nam. Nội dung thi của các chứng chỉ ngoại ngữ này ngày càng tương thích với chương trình học tập ở bậc THPT tại Việt Nam.

Điều đặc biệt, đánh giá thực lực của sinh viên có đầu vào sử dụng chứng chỉ IELTS so với các sinh viên thông thường, TS Hiền cho hay: "Hàng năm trường đều có phân tích dữ liệu thí sinh vào học tại trường theo các phương thức khác nhau. Kết quả cho thấy, thí sinh trúng tuyển từ phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế đều đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và có năng lực học tập tốt. Đây cũng là một trong những cơ sở để trường duy trì việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS trong xét tuyển".

PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi thông tin: "Hiện tại trường không tuyển sinh theo phương thức xét chứng chỉ IELTS nhưng các em sẽ được cộng điểm ưu tiên đầu vào, đồng thời được học lên thẳng năm 2 mà không phải học năm nhất".

Những sinh viên có chứng chỉ IELTS đều là những sinh viên có chất lượng thật, đảm bảo năng lực và thuận lợi bắt nhịp ngay kiến thức, thay vì năm nhất phải đầu tư cho việc học tiếng Anh. Các em cũng được ưu tiên tham gia các hội thảo quốc tế để phát triển kỹ năng mềm, nghiên cứu khoa học và có cơ hội đi học ở nước ngoài".

Theo PGS Đăng, các trường nên cộng điểm, xét kết hợp cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ thay vì dành hẳn phương thức riêng. Một số trường liên quan đến khối D, C như có ngành khoa học xã hội, kinh tế, quản lý... có thể sử dụng chứng chỉ IELTS. Còn những trường liên quan đến ngành kỹ thuật thì cần thí sinh giỏi Toán - Lý - Hóa hơn thay vì chỉ giỏi ngoại ngữ".

IELTS là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế và hiện là kỳ thi tiếng Anh phổ biến nhất toàn cầu. Bài thi được phát triển bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khảo thí và đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh thông qua tất cả bốn kỹ năng – nghe, nói, đọc và viết.

Chứng chỉ IELTS được công nhận bởi hơn 12,000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia, bao gồm các tổ chức chính phủ, trường đại học, cao đẳng và các nhà tuyển dụng.

Tại Việt Nam, các thí sinh có chứng chỉ IELTS cũng sẽ có thể quy đổi điểm IELTS cho môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc có thể sử dụng để xét tuyển Đại học trong nước với nhiều phương thức xét kết hợp hoặc nộp hồ sơ xin học bổng du học quốc tế.

Thí sinh có thể dễ dàng đăng ký và thực hiện bài thi IELTS trên toàn cầu, với địa điểm thi đa dạng cùng các hình thức thi linh hoạt trên giấy hoặc thi IELTS trên máy tính.

Tại Việt Nam, thí sinh cũng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn đăng ký thi tại các địa điểm khảo thí IELTS trên khắp cả nước.

Tào Nga
Theo Báo Dân Việt