LTS: Nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, thị trường thẩm mỹ ngày càng phát triển và được đánh giá là một ngành hot, thu nhập “top”, bác sĩ thẩm mỹ được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đằng sau những “hào quang” và có cả những lấp lánh chốn “showbiz”, còn có rất nhiều những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới biết.

Hiện nay, nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được coi là nghề hái ra tiền. Tuy nhiên ít ai biết rằng, để đến được với nghề nhiều người đã phải trả giá bằng cả thanh xuân, thậm chí có lúc phải day dứt đến rơi lệ với những áp lực nghề nghiệp và “tai nạn” mà người làm nghề phải đối mặt. 

Những năm trước đây, các trường đại học phía Nam không có chuyên khoa về thẩm mỹ nên muốn theo nghề này các bác sĩ trẻ phải đi tìm thầy đã từng làm phẫu thuật thẩm mỹ để tầm sư học đạo. Cuộc trò chuyện với Bác Sĩ Nguyễn Hiền Bảo Khanh - BS chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Thẩm Mỹ Viện Charming (Quận 1, TP.HCM) cho biết thêm nhiều điều về lứa bác sĩ thẩm mỹ “đời đầu” tại Việt Nam.

Bác sĩ Khanh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Y, muốn theo ngành thẩm mỹ nên tôi xin theo học một người thầy được coi là bậc thầy trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Trải qua tới 8 cuộc phỏng vấn tôi mới được nhận, thậm chí thầy còn làm nhiều “bài test” xem mình có nản mà từ bỏ nghề này hay không, thế nhưng vì quá yêu thích nên tôi vẫn quyết tâm theo đến cùng.

Không chỉ học ở thầy kiến thức và kinh nghiệm, tôi học luôn cả những sai lầm, thất bại hay biến chứng mà ông đã gặp. Học từ thành công thì dễ, nhưng học từ thất bại thì đó sẽ là bài học nhớ lâu nhất, giúp mình đi nhanh nhất và đỡ phải “trả giá đắt” cho những trải nghiệm của mình với nghề”.

Sau hơn 2 năm “khăn gói” theo thầy, bác sĩ Khanh được một người anh mời về chung sức thành lập khoa thẩm mỹ trong một bệnh viện tại Sài Gòn. Nghề bác sĩ thẩm mỹ bắt đầu bén duyên với anh từ đây. Khi khoa đã hoạt động ổn định, anh được bệnh viện cử ra Hà Nội học gần một năm về tạo hình. Càng học, càng tìm hiểu anh càng nhận thấy bản thân phù hợp với con đường mình đã chọn. Anh tiếp tục qua Thái Lan, Hàn Quốc học hỏi, tìm hiểu thêm về phương pháp cũng như công nghệ làm đẹp của họ. 

“Phẫu thuật thẩm mỹ không đơn thuần là nghề kiếm sống, mà còn là đam mê và tâm huyết. Sau 15 năm làm nghề, tôi vẫn phải liên tục cập nhật những kiến thức mới nhất và không ngừng học hỏi mỗi ngày từ các đàn anh, bạn bè, đồng nghiệp”, bác sĩ Khanh tâm sự.

Đằng sau những ca phẫu thuật thành công, đằng sau những nụ cười hạnh phúc vẫn có những giọt nước mắt, những biến chứng, những tai nạn nghề nghiệp mà dù bác sĩ tay nghề có giỏi cỡ nào cũng từng phải đối mặt. Để rồi có nhiều đêm họ day dứt, trăn trở, thậm chí rơi nước mắt về những tai nạn ngoài tầm kiểm soát. 

Trước khi vào phòng mổ, tất cả mọi thứ đều được tiệt trùng một cách rất kỹ càng, nhưng đôi khi vẫn có những trường hợp mà ngay cả bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm cũng không thể lường trước được, thậm chí có những người đã phải trả giá rất đắt.

Có những lần đang tiểu phẫu gương mặt, bệnh nhân vô tình đưa tay lên mặt do ngứa. Chỉ một hành động vậy thôi cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tôi đã phản ứng gay gắt với bệnh nhân khiến họ sợ, nhưng rồi tôi lại phải động viên để họ lấy lại tinh thần. Có những biến chứng do bệnh nhân sơ xuất mình không kiểm soát được nhưng mình không thể đổ lỗi cho họ được. 

Bác sĩ Khanh cho biết: “Trong quá trình phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật nếu bệnh nhân không giữ gìn kĩ rất dễ xảy ra nhiễm trùng, và khi đã nhiễm trùng rất khó xử lý, thậm chí bị biến dạng. 

Nói thật với các bạn, bác sĩ cũng là con người mà đã là con người sẽ có cảm xúc. Với nghề này, khi có những tình huống không mong muốn xảy đến thì thực sự vô cùng áp lực: buồn, mất ngủ, trăn trở, có khi cảm thấy rất đau lòng, cảm nhận nỗi đau của khách như chính nỗi đau của mình lại càng thêm mệt mỏi và stress. Có nhiều thời điểm tôi phải ngừng mổ một thời gian ngắn, dành thời gian để bình tâm, nhìn nhận và đúc kết lại vấn đề để có thêm những bài học lớn cho mình". Càng làm nhiều bạn sẽ càng đối mặt với rủi ro nhiều, đó là điều khiến tôi luôn day dứt nhưng mình phải chấp nhận. Không có cái gì là tuyệt đối 100%, chính vì vậy tôi luôn tư vấn cho bệnh nhân rằng chỉ phẫu thuật khi thấy hợp lý và cần thiết chứ không lạm dụng việc phẫu thuật thẩm mỹ. 

Nói về cái được cái mất trong nghề, theo bác sĩ Khanh, nghề phẫu thuật thẩm mỹ đã mang lại cho anh rất nhiều thứ. "Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đang được xã hội đánh giá là nghề “hot”, mang lại thu nhập cao, thường xuyên được tiếp xúc với người đẹp. Bác sĩ thẩm mỹ được mang cái đẹp đến cho mọi người, được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của họ khi có một ngoại hình mới, đó vừa là cái duyên vừa là hạnh phúc nghề nghiệp. Tuy vậy, để sống lâu dài với nghề này thì quan trọng nhất không chỉ là chuyên môn, mà là phải giữ được cái tâm, giữ được bản thân mình. 

Người ta nói khi có tiền con người dễ thay đổi, nhưng chỉ đúng một phần. Vì cũng có câu “Tiền không làm thay đổi bản chất con người, tiền chỉ làm lộ bản chất con người mà thôi”. Tôi vốn “Hai lúa” quen rồi nên dù ở phòng mổ “oai” cỡ nào, thì khi rời bệnh viện, vẫn cà phê vỉa hè, về nhà ăn cơm với vợ mỗi tối, cũng chính vì “Hai lúa” nên ngại “dấn thân” vào showbiz hay những không gian lấp lánh khác mà nghề đem lại. 

Nhiều người hay hỏi, vợ tôi có hay ghen không khi tôi thường xuyên tiếp xúc với người đẹp. Tôi hiểu vấn đề này nên chủ động trong tất cả các mối quan hệ, tôi thường xuyên nhận được lời mời đi ăn, đi chơi để cảm ơn của khách hàng nhưng tôi luôn từ chối vì biết sẽ có người không vui. Vợ tôi cũng là người trong nghề nên cô ấy cũng hiểu và thông cảm cho tôi phần nào, nhưng chuyện lâu lâu có “ghen nhẹ” thì cũng khó tránh khỏi”.

Mời các bạn đón đọc kỳ 3: KHÓC CƯỜI CHUYỆN NGHỀ BÁC SĨ THẨM MỸ

  • Bài viết: P.V
  • Thiết kế: Ngok Lee
  • Theo Đời sống Plus 24/09/2019