LTS: Sở hữu gương mặt, vóc dáng xinh đẹp, hài hòa luôn là niềm khao khát của nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) thì nhiều chị em vẫn còn e dè do tâm lý sợ đụng đến “dao kéo”. Một ca phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra như thế nào? Chuyện gì xảy ra khi cánh cửa phòng phẫu thuật khép lại? Cuộc trò chuyện sau đây với một bác sĩ PTTM sẽ hé mở nhiều bí mật chưa bao giờ được kể trong phòng PTTM.

Bác sĩ hát cho bệnh nhân nghe, kể chuyện cười cho bệnh nhân vui, tâm sự, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, thậm chí mở nhạc rock để trấn an tinh thần cho bệnh nhân. Những câu chuyện bi - hài tưởng khó tin nhưng lại có thật trong phòng mổ phẫu thuật thẩm mỹ. 

Khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, chị em nào cũng mất ít nhiều thời gian đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng. Một phần vì kinh tế, nhưng phần lớn hơn cả là nỗi sợ hãi "căn phòng màu trắng", đối mặt với bác sĩ phẫu thuật, với các dụng cụ y khoa. Nhưng phòng phẫu thuật có thực sự "đáng sợ" như nhiều người nghĩ? Những chia sẻ thú vị của một bác sĩ với hơn 15 năm trong nghề phẫu thuật thẩm mỹ sẽ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Sau nhiều ngày đặt lịch hẹn tôi mới có dịp được gặp và trò chuyện với Bác Sĩ Nguyễn Hiền Bảo Khanh - BS chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Thẩm Mỹ Viện Charming (Quận 1, TP.HCM).

Ngồi trước mặt tôi là hình ảnh một bác sĩ giản dị với chiếc mũ trùm đầu y tế có màu sắc hồng, cam khá lòe loẹt và “cute”, khác hẳn với hình ảnh nghiêm nghị của một bác sĩ tôi thường thấy. “Xin lỗi em nhé, hôm nay có ca làm mũi mà khách đặt lịch muộn nên giờ mới xong”. 

Thấy tôi có vẻ căng thẳng khi nhắc tới ca mổ, anh trấn an: “Thông thường khi nhắc tới phòng mổ, đặc biệt mổ phẫu thuật thẩm mỹ, người ta nghĩ nó ghê gớm lắm nhưng thực ra nó lại vô cùng thú vị. Trong phòng mổ chúng tôi vẫn mở nhạc, tâm sự nhẹ nhàng chuyện tình cảm, chuyện công việc với bệnh nhân giúp họ giải tỏa tâm lý, phân tán sự tập trung vào ca mổ. 

Tôi hát không hay nhưng lại thích hát, đôi lúc vào phòng mổ tôi nghêu ngao vài câu để không khí bớt “nghiêm trọng”. Thường thì bệnh nhân họ cũng kiên nhẫn nghe xong bài hát của tôi, nhưng khi ca phẫu thuật kết thúc, họ mới nói: “Nghe anh Khanh hát còn công hiệu hơn cả thuốc gây tê”. Còn đám nhân viên thì bảo, "sếp ca dở nghe còn kinh dị hơn là bị phẫu thuật". Chỉ là câu chuyện nhỏ vui vui trong phòng mổ, cái chính là giúp bệnh nhân thấy vui và bớt sợ hãi.

Đôi khi cũng có những bệnh nhân đưa ra yêu cầu hơi “hóc búa” như… mở nhạc rock để bớt tập trung vào ca mổ. Tôi vẫn nói vui, với những bệnh nhân đô mạnh như vậy, bác sĩ phải là người có thần kinh thép. 

Đương nhiên, vẫn có những lúc xảy ra tình huống ngoài mong muốn mà mình không lường hết được, như trường hợp một ca tiểu phẫu gần đây nhất mà tôi thực hiện. 

Khi tôi bước vào và bắt đầu mổ thì mạch bệnh nhân đập nhanh và có vẻ sợ hãi, cô gái im thin thít. Tôi đã cố ý nói chuyện với cô gái mà vẫn không thấy khá hơn. Lúc đó, trợ lý ca mổ vô tình quay sang hỏi tôi: “Sếp, nay sao thở dài hoài vậy?”. Tôi cười nói: "Mệt quá, vì mổ liên tục từ sáng tới giờ, “thở hơi dài” chứ không phải “thở dài”. Sau câu trả lời đó, tôi thấy mạch của cô gái giảm dần lại và trở về bình thường trên Monitor.

Kết thúc ca mổ tôi hỏi: “Xong rồi nhé, mũi đẹp, mà sao thấy run dữ vậy?”. Cô ấy cười bảo: “Em hết sợ lúc anh nói anh mệt nên “thở hơi dài” chứ không phải “thở dài”. Lúc anh mổ thấy anh thở dài, em sợ mũi em khó quá nên anh thở dài, sợ làm ra mũi không đẹp, may quá không phải thế, nên em hết sợ từ lúc đó”.

Làm nghề lâu năm nên tôi rất ý thức về việc gây ra tiếng động trong cuộc mổ tiểu phẫu vì lúc đó bệnh nhân gây tê, biết tất cả, lại bị che kín nên rất nhạy cảm, bất kì tiếng động nào đều bị chú ý. Từ đó, tôi mới có thêm một kinh nghiệm trong lúc mổ đó là, phải kiểm soát ngay cả hơi thở của của bản thân". 

Có nhiều lý do khiến các chị em tìm đến thẩm mỹ viện. Trong đó, không ít trường hợp muốn thay đổi bản thân trong hoàn cảnh tuyệt vọng, bị tổn thương về tình cảm. “Với những trường hợp đặc biệt như vậy, bác sĩ thẩm mỹ phải đặt mình vào hoàn cảnh khách hàng, phải coi khách hàng là người nhà của mình, để vừa chia sẻ, vừa động viên, tư vấn cho họ sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ lúc đó”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

 “Những trường hợp đến phẫu thuật thẩm mỹ khi tâm lý không ổn định tôi đều từ chối hoặc khuyên nhủ, có khi hẹn vài tuần sau quay lại cho họ bình tĩnh hơn. Có người mình nói họ đẹp rồi, không cần chỉnh sửa nữa nhưng họ không tin, muốn sửa cho bằng được. Cũng có trường hợp không thể từ chối vì biết họ sẽ đi nơi khác làm bất chấp, nếu đi nhầm chỗ thì lại gây hậu quả lớn hơn. Lúc đó, tôi sẽ chỉ nhận làm cái nhỏ nhất, hợp lý nhất, ít gây tai biến, để khi nguôi ngoai rồi nếu vẫn muốn làm thì sẽ tư vấn tiếp. 

Hay chỉ đơn giản chuyện nhiều người hay mang theo ảnh diễn viên, người mẫu tới yêu cầu tôi làm cho họ giống như vậy. Những ca như vậy tôi thường từ chối vì một ông bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ dù có giỏi đến đâu cũng chỉ biến cái xấu thành cái trung bình, từ cái trung bình thành cái đẹp, và từ cái đẹp thành cái rất đẹp. Chứ không có chuyện từ một cái xấu thành một cái đẹp xuất sắc, hay thành bản sao của một ngôi sao nào đó, điều đó rất ít xảy ra. 

Vẻ đẹp căn cứ trên sự hài hòa của khuôn mặt của từng người, khó mà đưa tiêu chuẩn cái đẹp áp dụng chung cho tất cả mọi người. Một cô gái đẹp là một cô gái có các đường nét trên khuôn mặt hài hòa với nhau chứ không cần phải cứ cằm Vline, mũi Sline mới là đẹp. 

Vì thế, trong ngành thẩm mỹ chúng tôi hay nói, từ chối khách hàng còn khó hơn việc nhận mổ cho khách hàng. Bạn biết vì sao không? Vì áp lực lợi nhuận và đồng tiền, có thể làm mờ đi chỉ định của bạn”, bác sĩ Khanh chia sẻ.Vẻ đẹp căn cứ trên sự hài hòa của khuôn mặt của từng người, khó mà đưa tiêu chuẩn cái đẹp áp dụng chung cho tất cả mọi người. 

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: NỖI “HỜN TỦI” ÍT AI BIẾT CỦA BÁC SỸ THẨM MỸ

  • Bài viết: P.V
  • Thiết kế: Ngok Lee
  • Theo Đời sống Plus 23/09/2019