Xử lý thế nào với 40 quả cầu đá ở sân vận động Mỹ Đình?
Sau khi được "nhấc" khỏi sân, đội tuyển Việt Nam đã vượt qua được cái "dớp" không thắng trên SVĐ Mỹ Đình. Dư luận đang quan tâm, số phận 40 quả cầu đá này sẽ được xử lý ra sao?
40 quả cầu đá ở sân vận động Mỹ Đình đã được "nhấc" ra khỏi sân.
Tối ngày 5/12 vừa qua, sau khi nhận được đề nghị của ban tổ chức trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philipipnes, khu liên hợp đã điều động các xe tải để vận chuyển 40 quả cầu đá cỡ lớn được nối với nhau bằng xích sắt, sang khu vực khác cũng của khu liên hợp.
Theo giải thích từ phía ban tổ chức, các quả cầu này không tốt về mặt phong thủy, làm kìm hãm thành công của đội tuyển – mà bằng chứng là đội tuyển Việt Nam chưa từng thắng bán kết AFF Cup kể từ năm 2010 đến năm 2016. Do được tư vấn của những người am hiểu về phong thủy nên ban tổ chức đá quyết định cho di dời hàng chục quả cầu đá này.
Việc dịch chuyển “kỳ lạ” này đã gây ra hai luồng dư luận rất khác nhau. Một ủng hộ vì cho rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành và những gì về tâm linh thì nên tôn trọng. Nhưng ở chiều ngược lại, có nhiều quan điểm không đồng tình vì cho rằng đội tuyển Việt Nam thành công hay không, cũng không nên mê tín.
Ngày 6/12, trước khi trận bán kết diễn ra, PV báo Thanh niên đã hỏi lãnh đạo khu liên hợp: “Sau trận đấu, những quả cầu này sẽ được xử lý như thế nào?”. Câu trả lời là: “Chúng tôi lại cho di chuyển về chỗ cũ như trước”.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam còn một trận đấu nóng nữa tại sân Mỹ Đình là trận chung kết lượt về gặp Malaysia vào ngày 15/12. Liệu ban tổ chức có giữ nguyên ý định trả 40 quả cầu đá về trước khu vực khán đài B như thiết kế ban đầu không? Lãnh đạo khu liên hợp cho biết, có lẽ sẽ không vội dịch chuyển lại vị trí cũ, để đội tuyển Việt Nam đá xong rồi mới tính tiếp.
Được hoàn thành vào năm 2003 để phục vụ SEA Games 22 lần đầu tổ chức trên sân nhà, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình trở thành công trình thể thao văn hóa lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm này. Theo thiết kế, phía ngoài khán đài B của sân được “trang trí” bởi 40 quả cầu bằng đá khổng lồ và giữa các quả cầu này được nối bằng sợi xích to.
Tuy nhiên, có vẻ như đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của nhiều HLV nội, ngoại khác nhau, chưa gặp may mắn trên sân nhà Mỹ Đình. Tại AFF Cup 2004, đội tuyển do Tavares dẫn dắt đã thảm bại trước Indonesia và sau đó ông Tavares đã bị sa thải. AFF Cup 2007, HLV Riedl và tuyển Việt Nam đã bị loại khi thua Thái Lan với tỷ số 0- 2 ở bán kết (lượt đi, hòa không bàn thắng).
Tại AFF Cup năm 2008, Việt Nam hòa Singapore 0 – 0. AFF Cup 2010, Việt Nam hòa Malaysia 0 – 0. AFF Cup 2014, thắng trên sân khách với tỷ số 2 – 1 ở bán kết lượt đi trước Malaysia nhưng ở lượt về, đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Miura đã thua đội khách với tỷ số 2 – 4 và không lọt vào trận chung kết. Đến AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng cũng đã cay đắng chấp nhận việc dừng chân ở bán kết khi thua Indonesia trên sân khách với tỷ số 1 – 2 và hòa 2 – 2 trên sân Mỹ Đình ở lượt về.
Xem thêm: Bàn thắng của Quang Hải, Công Phượng