Vụ mẹ nghi trầm cảm siết cổ con và cháu: Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm đã có những chia sẻ về vụ việc mẹ nghi trầm cảm siết cổ con và cháu gây xôn xao dư luận dưới góc nhìn pháp lý.
Gần 2 ngày nay, vụ việc 2 cháu nhỏ tử vong xảy ra tại toà nhà HH02 – 1C, khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Theo nội dung vụ việc, vào khoảng 19h ngày 20/7, sau khi phát hiện một người phụ nữ định tự tử tại sân thượng toà nhà, lực lượng bảo vệ đã có mặt và can ngăn hành vi dại dột của người phụ nữ.
Tại đây, nhân viên bảo vệ nhận được thông tin từ người phụ nữ nói rằng mình đã giết con. Khi tiến hành kiểm tra căn phòng tại tầng 16 của người phụ nữ, bảo vệ và người dân tá hoả phát hiện thi thể 2 cháu nhỏ là cháu Nguyễn Khánh H. (8 tuổi, con trai nghi phạm) và cháu Nguyễn Anh T. (6 tuổi, cháu gái nghi phạm).
Vụ việc được thông báo đến cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ. Nghi can trong vụ án mạng trên được xác định là Hoàng Thị Sen (trú tại HH1C KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo thông tin, khoảng đầu năm 2018, người thân của nghi can Sen liên tiếp qua đời. Đau lòng trước sự ra đi của người thân, người phụ nữ này rơi vào trạng thái trầm cảm.
Thời gian gần đây, sau khi được gia đình đưa đi chữa trị tại Lào Cai và bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm, người thân đã đưa chị này về sống tại khu đô thị Thanh Hà.
Sáng 20/7, trong khi chồng đi làm, nghi can Sen ở nhà chơi với con và cháu thì xảy ra vụ việc đau lòng trên.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:
Đây là vụ việc hết sức đau lòng khi nghi phạm là Hoàng Thị Sen đã sát hại con đẻ và cháu ruột, nghi do bệnh trầm cảm. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải và thực tế đã có nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội cũng như cả nước thời gian qua.
Qua điều tra xác minh ban đầu, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Qua đó, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm Hoàng Thị Sen trước đó từng được gia đình đi điều trị bệnh tâm thần tại cơ sở y tế và quá trình thực hiện hành vi phạm tội xét thấy có bị ảnh hưởng bệnh tâm thần thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm, nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ làm căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật Trong trường hợp kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn xác định nghi phạm bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ và khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp kết luận của Cơ quan chuyên môn xác định nghi phạm bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người với tình tiết định khung theo điểm a, b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó, việc nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử.
Cụ thể, Điều 123. Tội giết người quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi.
Xem thêm: