Vụ án Hà Văn Thắm: Các bị cáo nghẹn ngào khi nói về con và gia đình
Liên quan đến vụ xét xử Hà Văn Thắm, chiều 20/9, các bị cáo trong phần tự bào chữa của mình đã cho biết, các bị cáo lo sợ dư luận xã hội hiểu sai, con cái bị ảnh hưởng...
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên GĐ khối nguồn vốn Ngân hàng trong vụ án Hà Văn Thắm.
Trong phiên xét xử của "Vụ án Hà Văn Thắm", bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên GĐ khối nguồn vốn cho biết, những ngày qua phần lớn dư luận đã thấu hiểu và cảm thông cho các bị cáo, nhưng vẫn có những bình luận nặng nề trên các trang mạng xã hội, điều này gây áp lực tâm lý rất lớn đối với các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam nói: “Có những người họ không hiểu bản chất vấn đề nên nói rằng “lúc ăn tiền thì không kêu, giờ sao kêu than nhiều thế?” Vì vậy bị cáo xin nói rõ nếu phải chịu trách nhiệm hình sự thì HĐXX nói rõ bị cáo vi phạm quy định của Nhà nước nhưng không gây hậu quả thiệt hại cho OceanBank"- báo điện tử Infornet dẫn lời.
Liên quan đến chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền 127 tỷ đồng, theo Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư, bị cáo Nam cho rằng, đây là hình phạt nặng nề vì bị cáo không có khả năng trả và việc đi vận động khách hàng trả lại cũng là điều không thể vì bị cáo không trực tiếp chi.
“Xin HĐXX nếu kết tội các bị cáo hãy trả lại đúng tên tội danh cho các bị cáo trái quy định nhà nước nhưng không làm hại cho OceanBank, không tư lợi. Điều này là để giải thích cho dư luận xã hội, nhất là cho gia đình, con cái của các bị cáo, để bị cáo có thể đàng hoàng nói với con mình rằng, mẹ không làm việc gì đáng xấu hổ với bản thân”, bị cáo Nam nói.
Cũng theo Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư, bị cáo Trần Thị Thu Hương, nguyên GĐ OceanBank Hải Dương khẳng định bị cáo không phải là người trực tiếp chỉ đạo nhân viên chi lãi ngoài. Trong hợp đồng lao động, đã có thoả thuận, bị cáo phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Trong thời gian bị cáo làm giám đốc, chi nhánh Hải Dương đã có lãi 121,6 tỷ đồng, Oceanbank là một trong những đơn vị đóng thuế cao nhất tỉnh Hải Dương.
Khi thực hiện chi lãi ngoài, bị cáo chỉ nghĩ là phải làm để cứu ngân hàng, bị cáo chỉ nghĩ vi phạm thông tư 02, không nghị bị truy cứu hình sự.
“Thời điểm anh Thắm, chị Thu bị bắt, chi nhánh rất nguy kịch, bị cáo với cương vị là lãnh đạo chi nhánh tìm mọi biện pháp cứu ngân hàng. Bị cáo không hiểu tại sao VKS đề nghị đưa bị cáo vào nhóm tù 36-42 tháng, như vậy là chưa khách quan, vì sao hành vi như nhau mà 6 bị cáo bị đề nghị hình phạt cao hơn?”, bị cáo đặt câu hỏi.
Trên báo điện tử Infonet cũng đưa tin, bị cáo Trần Thị Thu Hương cho biết, tinh thần của bị cáo đã hoảng loạn, bị tổn thương, các con của bị cáo cũng trở nên ít nói, trầm cảm. Thậm chí, khi bị đề nghị mức án cao 36 - 42 tháng tù giam, bị cáo đã phải nhập viện.
“Con bị cáo hỏi tại sao mẹ phải đi tù, bị cáo có nói với con là mẹ không làm gì sai, mẹ không tư lợi hưởng lợi, mẹ sẽ nhận được sự công tâm phán xét từ phiên tòa”, báo Infonet dẫn lời bị cáo Trần Thị Thu Hương.
Bị cáo cũng cho biết, bản thân luôn cố gắng hoàn thành công việc, được tặng nhiều bằng khen, khi bị khởi tố, bị cáo đã gặp gỡ khách hàng thuyết phục họ trả lại, bị cáo cũng đã bán căn nhà của mình lấy tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo không vi phạm như trong cáo trạng nêu, xin HĐXX tuyên cho bị cáo không chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý hành chính, xin hoàn lại cho bị cáo số tiền mà bị cáo đã bán nhà để khắc phục như đề nghị của VKS.
Bị cáo Phạm Hoàng Giang tự bào chữa tại toà.
Đến lượt mình, bị cáo Phạm Hoàng Giang - nguyên Tổng giám đốc BSC bị truy tố với tội danh "Lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với vai trò giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm và bị đề nghị mức tù 8-9 năm. Bị cáo Giang bị bắt giam từ ngày 24/5/2016 tới nay.
Bị cáo Giang cho hay, bị cáo không hề biết về chủ trương thu phí, cũng không biết việc Hà Văn Thắm sử dụng tiền cho Nguyễn Xuân Sơn. "Bị cáo không biết thì làm sao có thể quy bị cáo đồng phạm được", bị cáo Giang nói.
Tuy vậy, bị cáo cũng không phủ nhận bị cáo có sai sót trong vấn đề quản lý hợp đồng, cũng như chủ quan trong việc ký hợp đồng, cứ nghĩ là đúng pháp luật nên mới ký các hợp đồng đó.
"Hậu quả đó khiến bị cáo bị bắt giam 16 tháng, kính mong HĐXX xem xét, 16 tháng bị cáo bị cách ly xã hội trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bị cáo thấy thời gian bị bắt tạm giam cũng là rất nghiêm khắc với bị cáo, đó cũng là một bài học đối với bị cáo".
"Con bị cáo bị bệnh bẩm sinh, đã hơn 10 lần phẫu thuật mắt, phải đeo kính 16 độ mới nhìn được, không biết đến ngày bị cáo trở về con bị cáo có nhìn thấy bị cáo không… Xin HĐXX cho bị cáo được trở về xã hội, giúp con mình giữ lại đôi mắt", bị cáo Giang nghẹn ngào nói trước toà.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên kế toán trưởng Oceanbank cho biết, cáo trạng cáo buộc ban kế toán hạch toán 175 tỷ đồng, vì bản kê của đơn vị khác gửi lên để xác định thì bị cáo không đồng ý.
“VKS cáo buộc bị cáo không thành khẩn. Điều này liên quan nhân cách bị cáo, nếu có chết cũng không nhắm mắt được. Cơ quan điều tra xác định là bị cáo thành khẩn. Chỉ sau 11 ngày tại tòa, VKS nghĩ rằng bị cáo cố tình tránh né, chối tội. Bị cáo có đủ tự trọng và niềm tin để hiểu đủ hành vi mà bị cáo làm”, Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư dẫn lời bị cáo Nga nói trước toà.
“Bị cáo cố gắng giữ bản chất kế toán. Tất cả được hạch toán minh bạch, thật thà, ngay thẳng lại đối diện mức án 7-8 năm tù thì đây là án tử với bị cáo”, bị cáo nói.
“Bị cáo có lời xin khẩn cầu, kêu cứu với HĐXX. Gia đình của bị cáo cả 2 vợ chồng đều là các bị cáo trong vụ án. Chồng bị cáo hưởng án treo, mong HĐXX cho được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp bị cáo là nạn nhân của một tội nào đó”, bị cáo Nga nói.
“Bị cáo mong HĐXX tuyên bản án đúng với tội danh mà bị cáo đang làm. Bị cáo xin tự nhận tội của mình là Cố ý làm hành động ích nước lợi dân gây hiệu quả nghiêm trọng tới OceanBank”