Việt Nam - Malaysia: Ào lên vây bắt hay ẩn mình bẫy hổ?
Theo thứ hạng FIFA, trận chung kết Việt Nam-Malaysia là một trong những trận chênh lệch nhất: Hạng 100 Việt Nam đấu với hạng 167 Malaysia nhưng đây lại là trận đấu tiềm ẩn nhiều bất ngờ khó đoán.
Malaysia được dự đoán là sẽ ào lên tán công vì họ cần phải thắng.
Trận đấu giữa hai đội chênh lệch tới 67 bậc trên bảng xếp hạng FIFA phải nói là khủng, chênh đến thế thì Malaysia có cửa gì? Song thực lực thì không hề như vậy, đúng là sự hài hước của bảng xếp hạng.
Ở trận Chung kết lượt đi khi tỉ số đã là 2-0, lại ghi bàn chóng vánh trong 3 phút, dường như mọi người nghĩ kết cục trận chung kết vậy là đã an bài, trận lượt về ở Mỹ Đình chỉ còn là thủ tục.
Nhưng diễn biến trận đấu khiến ta nhớ lại trận Bỉ - Nhật Bản tại tứ kết World cup 2018 mùa hè vừa qua. Đương nhiên, vị thế của Bỉ trước Nhật thì họ tỏ đàn anh mấy bậc, có khác gì Chaien trước Nobita, ho một tiếng đã run. Thế nhưng trận đấu giữa Nhật và Bỉ đã khiến tất cả giới mộ điều bất ngờ.
Người Nhật dẫn Bỉ 2 bàn chỉ trong mấy phút khiến dàn sao Bỉ choáng váng nhưng trong bối cảnh đó, Bỉ vẫn miệt mài và họ đã có 3 bàn gỡ để dành chiến thắng chung cuộc, đặc biệt là pha phản công sắc lẹm cuối trận.
Pha phản công ấy khiến ta hình dung cú sút phạt cực hiểm ở phút bù giờ của người Mã khiến thủ thành Văn Lâm bay hết cỡ cứu thua. Quả thực hú hồn, nếu cú sút phạt đó thành bàn thì diễn biến trận đấu chẳng khác gì bản sao Bỉ - Nhật (về mặt diễn biến và tỉ số).
Như chúng ta đã biết, ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất Malaysia là đội tiềm ẩn đầy bất ngờ. Không ai nghĩ họ thua nhanh 2 bàn như thế, khi mới chỉ trôi qua 26 phút và cũng không ai nghĩ, thua nhanh như thế mà họ vẫn kiên cường rồi gỡ lại được hai bàn và suýt nữa thì lội ngươc dòng ở phút bù giờ.
Người Mã được mệnh danh "những chú hổ Đông Nam Á" quả không sai. Họ vừa là sức mạnh nội tại ở từng cầu thủ và cả khối, vừa cho thấy sự nguy hiểm ở chỗ "ẩn mình" và "vồ mồi" ngay cả khi đã bị chấn thương, trúng bẫy.
Nếu đội khách mải mê tấn công, họ có thể dính đòn phản công từ chủ nhà Việt Nam.
Với nhiều đội bóng, khi bị dẫn bàn thường dễ rối loạn, nhất là khi bị dẫn 2 bàn, 3 bàn. Nhưng chú hổ thì vẫn ém đau để xông pha, để bật dậy và... vồ tiếp. Đó là truyền thống, là bản ngã của họ chứ không phải ở một thời điểm nào. Ở giải này, tại trận bán kết lượt về, Malaysia bị người Thái vượt lên lại bấy lần nhưng cũng ngay lập tức họ gỡ hoà và sau đó giành chiến thắng chung cuộc.
Xem hai trận đá với Malaysia cho thấy bí quyết của ông Park Hang Seo rất rõ: Chấp nhận lùi sâu để phòng ngự, ăn bàn từ những pha bứt tốc, phá bẫy việt vị. Người Mã trận trước vã mồ hôi vì những cú nước rút thần sầu của Đức Chinh, Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức...
Có kịch bản là trong những pha bứt tốc đó, hậu vệ Malaysia bị đánh bại bởi dâng lên quá cao, chỉ còn tiền đạo áo đỏ đối mặt thủ môn và có cảm giác Việt Nam có thể ghi bàn vào bất cứ thời điểm nào.
Trận lượt về, Malaysia chắc chắn vẫn lao lên, bởi đó là bản sắc của họ, hơn nữa mục tiêu của họ là phải thắng. Song đó cũng là khi họ hở sườn. Còn ông Park, dù mục tiêu chỉ cần hoà 0-0,1-1 nhưng có lẽ ông còn muốn hơn thế.
Với Philippines, Thái Lan, Indonesia..., dựa trên kết quả lượt đi là có thể đoán được lượt về nhưng đá với Malaysia, đoán tỉ số lúc này là hơi khó. Giải này, họ đi từ thua tới hoà, sân nhà, sân khách không khác mấy nên phải rất cẩn trọng!
Cho nên hãy chờ xem thầy trò ông Park sẽ ào lên bắt mãnh hổ hay ẩn nấp để bẫy hổ?