TS.BS. Bùi Huy Mạnh Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đọc phim chụp Xquang của bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Tôi gặp bác sĩ TS.BS. Bùi Huy Mạnh, Bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trong một buổi chiều tại bệnh viện. Anh vừa phẫu thuật xong ca mổ não căng thẳng tại nhà B1 tiếp tục đến phòng khám tư vấn cho người nhà bệnh nhân tại tòa nhà C2. Tôi rảo bước theo vị bác sĩ trẻ để anh chia sẻ về công việc bác sĩ phẫu thuật thần kinh luôn “cân não” đến từng phút.

Đam mê và quyết tâm

PV: Thưa anh, vì sao anh chọn nghề bác sĩ và là bác sĩ phẫu thuật thần kinh? Bởi đây được cho là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối?


TS.BS. Bùi Huy Mạnh làm việc tại phòng khám khoa Phẫu thuật Thần Kinh I, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Tôi chọn bác sĩ phẫu thuật thần kinh (PTTK) nhằm thoả mãn đam mê và thực hiện quyết tâm của bản thân. Đam mê vì khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi có nhiều cơ hội lựa chọn các chuyên khoa khác, nhưng cuối cùng tôi chọn chuyên khoa không nhiều người chọn này.

Chuyên khoa PTTK từ đó đến bây giờ vẫn rất khó và nhiều bệnh nhân nặng. Quyết tâm vì tôi thấy nhiều vấn đề khó cũng như bệnh nhân khó nên muốn “xông pha”, “thể hiện mình”. Tuổi trẻ mà! Tất nhiên, cũng nhiều chuyên khoa khác trong nghành y đều khó khăn, nhưng đó là cảm nhận riêng của tôi trong chuyên nghành mình theo đuổi.

PV: Anh có thể chia sẻ cơ duyên để anh gắn bó là bác sĩ của khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Hồi tôi còn học nội trú ngoại tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, vị trí bác sĩ trẻ luôn đối mặt với toàn bộ bệnh nhân cấp cứu của bệnh viện: chấn thương, tiêu hoá, nhi, thần kinh… Tôi rất ấn tượng với bệnh nhân chấn thương thần kinh, đa số họ hôn mê, kích thích, đặt ống nội khí quản, băng kín đầu… Bệnh viện, tua trực, các bác sĩ trực đều dành ưu tiên cứu chữa họ rất cao, nhưng tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh nhân này vẫn rất lớn.

Bên cạnh đó, di chứng thần kinh và gánh nặng của gia đình vô cùng nhiều. Nhận thấy gánh nặng của các bệnh nhân thần kinh lên nghành y và xã hội rất lớn, tôi cũng mong muốn góp phần nhỏ bé của mình góp phần giảm bớt gánh nặng đó. Tôi cũng được sự ủng hộ rất lớn của đồng nghiệp và gia đình mình, do đó sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, tôi theo chuyên khoa PTTK. 

PV: Trên thực tế, phẫu thuật thần kinh được cho là khá phức tạp nên yêu cầu mỗi bác sĩ học hỏi không ngừng từ đồng nghiệp và học tập chuyên ngành tại nhiều nước. Phải chăng đây cũng là một áp lực khác với bác sĩ?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Tôi và nhiều đồng nghiệp đều ý thức rằng áp lực do công việc tạo ra chính là đòn bẩy lớn nhất để chúng tôi phát triển chuyên môn. Công việc rất nặng nhọc, trực đêm, mổ cả đêm, theo dõi bệnh nhân…, là những áp lực không nhỏ thúc ép chúng tôi phải bền bỉ, chăm chỉ, học tập.


 TS.BS. Bùi Huy Mạnh và đồng nghiệp dự hội nghị mạch quốc tế tại Nhật Bản.

Khi đáp ứng được những áp lực đó nghĩa là bản thân đã phát triển hơn về chuyên môn, bản lĩnh. Việc học tập từ đồng nghiệp bên cạnh tự học, du học nước ngoài, nghiên cứu…, là điều đương nhiên và rất quý giá. Nhiều khi chúng tôi không thấy sợ áp lực mà còn thấy may mắn khi có nó.

Đặt mình là người thân bệnh nhân để điều trị tốt nhất

PV: Lịch làm việc hàng ngày của bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ như thế nào, có tình huống đột xuất nào buộc anh phải có mặt ngay tại bệnh viện dù đã xong ca trực không thưa bác sĩ?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Chúng tôi là bác sĩ phẫu thuật nên mọi người nghĩ là chỉ mổ cho bệnh nhân. Thực ra còn nhiều việc khác nữa cũng rất quan trọng như: khám bệnh, điều trị, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Việc có mặt ở viện tình huống đột xuất là không hiếm gặp, hay liên quan đến những ca bác sĩ mổ có biến chứng, diễn biến xấu không lường trước, hay những ca cần hội chẩn nhiều chuyên khoa.

PV: Trong quá trình làm việc, có ca mổ nào mà anh tiên lượng tốt nhưng mổ xong bệnh nhân lại có những biến chứng xấu hơn mong đợi?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Biến chứng do mổ PTTK nói chung chiếm tỷ lệ khoảng 15-20% các loại bệnh nặng, nhẹ. Mặc dù có những ca bệnh tiên lượng trước mổ được coi là “nhẹ”, nhưng tính huống sau mổ có thể biến chứng: chảy máu, phù não, liệt thần kinh… Do đó việc bác sĩ giải thích trước mổ cho gia đình bệnh nhân đều phải cẩn thận.


Bác sĩ Mạnh cùng GS.Yamada tại BV Toranomon ToKyo năm 2017.

PV: Có thể nói, bác sĩ cầm dao kéo cũng như nghề lái xe, yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều. Có khi nào anh bị yếu tố bên ngoài tác động ví dụ như gia đình xung đột mà ảnh hưởng tâm lý trong phòng mổ?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Đương nhiên tâm lý là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến công việc mổ, ngoài các yếu tố chuyên môn như ê kip mổ, trang thiết bị dụng cụ.

Những ca mổ thần kinh, u não có thể kéo dài đến 7-8 tiếng, tâm lý không tốt sẽ tăng tỷ lệ biến chứng, chảy máu, bỏ dở giữa chừng, ức chế, khó chịu… Vì vậy trong nghành không cho bác sĩ phẫu thuật người thân ruột thịt, hoặc lúc mổ bác sĩ yêu cầu tất cả không nói chuyện, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng... để giảm thiểu tác động xấu về tâm lý. Khi bạn có tâm lý không tốt, bạn nên không nhận ca mổ trong trời gian đó.

PV: Trong quá trình công tác tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, BV Hữu Nghị Việt Đức hẳn anh đã điều trị hàng trăm ca bệnh, có trường hợp bệnh nhân nào mà anh ấn tượng đến giờ cũng không thể quên!?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Nói trong một câu ngắn gọn thì nhiều lắm!. Trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống có rất nhiều tình huống để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Có thể kể đến một bệnh nhân nam mổ chấn thương sọ não năm 17 tuổi. Sau đó, bệnh nhân mổ dẫn lưu não thất - ổ bụng do não úng thủy, từ lúc mổ lần đầu đến 05 năm sau, tổng cộng bệnh nhân mổ 9 lần do các biến chứng không mong muốn liên tiếp xảy ra.


Cùng nam bệnh nhân người Trung Quốc sau mổ chấn thương sọ não.

Bệnh nhân ra vào viện khoa của tôi và bệnh viện Nhiệt đới Bạch Mai nhiều lần đến nỗi bệnh nhân nhớ hết tên các bác sĩ và điều dưỡng cháu đã tiếp xúc với khoảng chừng 100 người!. Giờ cháu đã ổn định, nhưng bị chút di chứng về tinh thần nên ngày nào trong những câu chuyện hàng ngày ít nhiều cũng có tên của bệnh viện và tên bác sĩ, theo lời mẹ cháu kể.

Một trường hợp mới đây, tôi có mổ cho một nam bệnh nhân làm hướng dẫn viên du lịch. Anh ta bị bệnh co giật nửa mặt, bệnh làm cơ mặt một bên thường xuyên co giật vô thức, gây méo miệng ảnh hưởng đến công việc. Khi chúng tôi mổ xong, triệu chứng của bệnh nhân không đỡ. Sau 3 tháng là mốc thời gian thông báo bệnh nhân có khỏi hay không thì tình trạng bệnh nhân không có nhiều tiến triển.

Bệnh nhân và bác sĩ rất buồn, nhưng phải chấp nhận do tỷ lệ xác suất khỏi bệnh đã được trao đổi trước phẫu thuật. Bẵng đi một thời gian đến tháng thứ 18 sau mổ bệnh nhân thông báo khỏi bệnh hoàn toàn (trường hợp này có khả năng nhưng tỷ lệ rất thấp). Bệnh nhân vui mừng gọi điện thông  báo cho bác sĩ. Có lẽ bệnh nhân không biết rằng, đối với mỗi bác sĩ phẫu thuật thần kinh như chúng tôi thì đó là điều vui mừng không kém!.

Và rất nhiều trường hợp khác, có nhiều gia đình và bệnh nhân trở thành bạn của bác sĩ. Tất nhiên, cũng có những câu chuyện "buồn'' trong công việc . Bác sĩ chỉ nhắn khuyên mọi người cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe chính là phòng bệnh. Nếu không may mắc  bị bệnh, hãy cố gắng tin tưởng, hợp tác, chia sẻ cùng nhân viên y tế phục vụ bạn.  

PV: Theo anh, làm bác sĩ phẫu thuật não cần những kỹ năng gì?

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Có nhiều kỹ năng bác sĩ cần trang bị đó là chuyên môn tốt, tâm lý vững vàng, sức khoẻ đảm bảo, sự kiên trì. Quá trình học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn và lắng nghe đồng nghiệp cũng hết sức quan trọng.

PV: Điều gì giúp anh luôn tràn đầy năng lượng dành tâm huyết để tư vấn, điều trị, mang đến sức khỏe cho bệnh nhân?

Đặt địa vị bác sĩ là người thân của gia đình để quyết định trước ca mổ...

TS.BS. Bùi Huy Mạnh: Năng lượng là thứ không tự nhiên đến, chúng tôi hết sức tạo cho mình và xung quanh một năng lượng tốt nhất. Muốn có được năng lượng tốt, bạn phải có được những kỹ năng chuyên môn tốt như đã nói ở trên. Ngoài ra, khi thực hiện công việc, bạn nên cố gắng hết sức để bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Bắt tay vào công việc, mọi tính toán là để dồn cho kết quả tốt nhất cho bệnh nhân và gia đình đạt được, đặt địa vị bác sĩ là người thân của gia đình để quyết định trong phần lớn các tình huống. Tăng cường trao đổi với bệnh nhân và gia đình, để thầy thuốc và người bệnh hiểu nhau hơn như các bạn trẻ ngày nay hay nói “hãy cho đi và lan toả yêu thương”!.

Xin trân trọng cảm ơn anh!.

TS.BS. Bùi Huy Mạnh, Bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức:

Năm 2003: Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 2007: Tốt nghiệp Bác sĩ nội trú Bệnh viện: Phẫu thuật Đại cương.

Năm 2016: Bảo vệ luận án Tiến sỹ chuyên ngành: Ngoại Thần kinh - Sọ não.

Năm 2010: Tốt nghiệp bác sĩ nội trú FFI Bệnh viện Đại học Strasbourg, Cộng hòa Pháp.

  • Bài viết: Ngô Huệ
  • Thiết kế: Ngô Huệ
  • Theo Đời sống Plus 03/05/2020