Giá rét khủng khiếp khiến hàng nghìn con gia súc ở miền Bắc chết rét
Những ngày gần đây, nhiều khu vực ở miền núi thời tiết giá rét cực độ khiến nhiều trâu bò tại các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai... chết rét.
Thời tiết giá rét cực độ, nhiều trâu bò chết rét ở miền Bắc. Ảnh TTXVN
Ngày 31/1, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo thống kê của các địa phương, tính đến ngày 30/1 tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên đã có 2.163 con gia súc bị chết do đói, rét, TTXVN đưa tin.
Cụ thể, các tỉnh có số lượng gia súc chết nhiều nhất là Cao Bằng 666 con, Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con, Hoà Bình 250 con...
Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu đợt rét đậm, một số địa phương đã xuất hiện băng, tuyết.
Cục Chăn nuôi cũng cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống đói, rét; đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao, xã biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.
Đồng thời, giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo báo Dân việt, nhằm chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong đợt lạnh này, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn sớm ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thành phố, thị trấn trên địa bàn tỉnh chủ động các biện pháp như:
Hướng dẫn cho người chăn nuôi có các biện pháp hợp lý phòng chống đói rét cho vật nuôi chủ động. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền người dân tích trữ sẵn cỏ khô, rơm, rạ... làm thức ăn bổ sung cho trâu bò vào những ngày rét đậm.
Đối với tình hình dịch bệnh mùa đông trên đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố, thị trấn phân công cán bộ kỹ thuật của trạm, thú y viên của xã phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn bản, các cơ sở chăn nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, kịp thời và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.