"Thiến hóa học" có thực sự giảm được tỷ lệ tội phạm ấu dâm?
Trước tình trạng các vụ án xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp bị phanh phui, đã có ý kiến đề xuất nên học tập một số nước áp dụng hình phạt “thiến hóa học” với tội phạm ấu dâm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở Việt Nam.
Đặc biệt là thời gian gần đây, hàng loạt vụ án và nghi án xâm hại trẻ em bị phanh phui khiến dư luận phẫn nộ. Trước tình hình này, đã có ý kiến đề xuất Việt Nam nên học tập một số nước áp dụng hình phạt “thiến hóa học” với tội phạm ấu dâm.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp đề xuất “thiến hóa học” tội phạm ấu dâm. Ảnh Zing News
Cụ thể, trong buổi tọa đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” được tổ chức vào chiều 14/3, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp đã đề nghị “thiến hóa học” tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đề xuất này của nữ luật sư khiến nhiều người băn khoăn bởi không biết “thiến hóa học” là gì và lợi hại của nó ra sao.
“Thiến hóa học” là gì?
Xét trên khía cạnh khoa học, thực chất “thiến hóa học” là một liệu pháp hormone. Theo đó, người ta sẽ tiêm chất kháng hormone nam testosterone vào người bị “thiến hóa học”. Điều này khiến nồng độ hormone nam trong cơ thể giảm xuống mức như ở người chưa dậy thì, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu tình dục.
Hiểu một cách đơn giản, những tội phạm ấu dâm sau khi bị “thiến hóa học” sẽ không còn cảm giác ham muốn tình dục nữa. Tùy theo luật pháp mỗi nước, “thiến hóa học” sẽ là hình phạt bắt buộc hoặc được kẻ phạm tội tự nguyện chọn để giảm án tù.
Sau khi bị “thiến hóa học”, kẻ phạm tội sẽ không còn ham muốn tình dục nữa. Ảnh minh họa
Tranh cãi quanh hình phạt “thiến hóa học”
Mặc dù vậy, “thiến hóa học” dành cho những kẻ xâm hại trẻ em vẫn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ một bộ phận dư luận bởi họ cho rằng, hình phạt này vi phạm nhân quyền. Nó cũng không phải một giải pháp thiết thực và có hiệu quả lâu dài, cũng như không ngăn được các hậu quả về xã hội hay vấn đề tâm thần, các yếu tố cũng có thể dẫn đến tội ác tương tự.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết, loại thuốc dùng cho việc “thiến hóa học” chỉ có hiệu quả trong vòng 3 tháng và chi phí vô cùng tốn kém. Vì thế, việc tiêm thuốc đều đặn 3 tháng/lần cho tội phạm ấu dâm sau khi họ được phóng thích rất khó khăn. Ngoài ra, liệu pháp này sẽ mất tác dụng nếu những đối tượng sau đó bí mật tiêm lại hormone nam vào cơ thể.
Đồng thời, việc theo dõi các đối tượng bị “thiến hóa học” không phải dễ dàng. Do đó, ở một số quốc gia, tội phạm ấu dâm sẽ buộc phải đeo một thiết bị giám sát điện tử sau khi mãn hạn tù để cơ quan chức năng có thể theo dõi mọi nhất cử nhất động của họ.
Nhiều nước đã áp dụng “thiến hóa học” với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh minh họa
Đặc biệt, “thiến hóa học” còn gây ra vô số tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng như tăng nguy cơ bệnh tim, giảm khối lượng cơ, loãng xương và các vấn đề về hành vi. Thêm vào đó, nam giới dễ có xu hướng nữ tính hóa nếu áp dụng biện pháp này.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh biện pháp này song “thiến hóa học” vẫn được nhiều nước gồm Mỹ, Anh, Ba Lan, Hàn Quốc, Moldova, Estonia, Macedonia, Israel, Argentina, Nga và mới nhất là Indonesia áp dụng như một hình phạt cho tội phạm ấu dâm. Trong khi đó, Ấn Độ - đất nước có tỷ lệ các vụ hiếp dâm và xâm hại tình dục trẻ em cao ở mức báo động cũng đang xem xét đề xuất này.