Tết truyền thống trong dòng chảy hiện đại

24-01-2025 12:02:33

Tết Nguyên đán, với những phong tục, tập quán từ ngàn đời là ngày lễ quan trọng của người Việt.

Du khách trải nghiệm gói bánh chưng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, vì vậy nhiều nét văn hóa ngày Tết cũng theo đó mà biến đổi. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người không khỏi trăn trở nỗi niềm làm sao để gìn giữ những nét đẹp Tết cổ truyền.

Đổi mới theo nhịp sống hiện đại

Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, khi xã hội không ngừng phát triển, Tết Nguyên đán cũng đã có những nét thay đổi nhất định. Nếu như Tết cổ truyền là những khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, mâm cơm tất niên, thì ngày nay, đôi khi Tết là những chuyến du lịch, những lời chúc mừng qua điện thoại, những cuộc hẹn hối hả.

Ông Trần Xuân Chiến (72 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày xưa khi ông còn nhỏ và sống ở quê, những cây đào, cây quất thường được trồng và chăm chút ở trong khu vườn của gia đình. Thế nhưng kể từ khi chuyển lên Hà Nội – nơi mà “tấc đất, tấc vàng” thì gia đình ông Chiến thường chỉ sắm những cây đào, cây quất bày bán sẵn ngoài chợ.

Cũng từ lâu, khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau làm giò, đồ xôi, gói bánh chưng, rồi thức cả đêm luộc bánh cũng đã trở thành hoài niệm của ông Chiến. Ngày nay, những món ăn đó trở thành món hàng được mua sẵn từ chợ để nhanh, gọn, tiết kiệm sức lao động.

Còn Tết trong tuổi thơ của chị Trịnh Thị Thanh (40 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là những ngày hạnh phúc nhất vì đến Tết, chị sẽ được mặc bộ quần áo mới tinh tươm, đẹp nhất để khoe với mọi người ngày đầu năm mới, được ăn những món ngon nhất.

“Kinh tế ngày ấy thiếu thốn, niềm vui của chúng tôi khi còn thơ bé rất giản đơn, chỉ là được ăn bánh kẹo thỏa thích, được mặc quần áo mới, được lì xì lấy lộc… Có lẽ vì thế mà niềm mong ngóng, sự háo hức về Tết của chúng tôi trở nên đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn. Ngày nay, kinh tế phát triển, trẻ con được đầy đủ về vật chất, nên không còn háo hức ngày Tết như xưa”, chị Thanh chia sẻ.

Minh họa/INT.

Gìn giữ và tái hiện nét cổ truyền độc đáo

Chị Vi Thùy Linh (29 tuổi, quê Hòa Bình) là người dân tộc Nùng cho biết, đồng bào dân tộc Nùng có những nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ và phát huy, đậm nét là phong tục đón Tết.

Cũng giống như người Kinh hay nhiều dân tộc khác, Tết Nguyên đán là ngày Tết quan trọng nhất trong các ngày lễ truyền thống của người Nùng. Vì đó, dù bận rộn công việc đến đâu, chị Thùy Linh cũng sẽ thu xếp trở về nhà đón Tết.

Chị Thùy Linh cho biết, trước Tết, những người đàn ông trong gia đình sẽ chuẩn bị thịt lợn, lau dọn bàn thờ, sửa sang nhà cửa, lấy cây nêu... Còn những người phụ nữ sẽ rửa lá dong, ngâm gạo gói bánh chưng, làm bánh khảo, khẩu sli, thúc théc... Trẻ em sẽ phụ giúp những công việc đơn giản như: Lau dọn nhà, gói bánh... Không khí Tết tưng bừng, rộn ràng khắp xóm làng.

“Tết đến Xuân về, dân tộc tôi thường có tục dựng cây nêu. Đó là phong tục lâu đời, được duy trì đến tận bây giờ của đồng bào chúng tôi. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, các gia đình chọn ngày giờ lấy cây để dựng cây nêu, báo hiệu Tết đã cận kề và để xua đuổi tà ma, khí xấu, cầu mong một năm mới an lành”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Mới đây, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã diễn ra chương trình “Trải nghiệm Tết truyền thống”. Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, bảo tàng mong muốn thông qua hoạt động này để công chúng có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của các dân tộc, qua đó tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt.

Đặc biệt đây là dịp để các bạn trẻ được tham gia vào những hoạt động tương tác trải nghiệm trực tiếp với các nghệ nhân dân gian cũng như khám phá Tết qua công nghệ, tăng cường hiểu biết về di sản văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị truyền thống trong bối cảnh đương đại.

Tham gia chương trình, du khách có dịp tìm hiểu về nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền thông qua hoạt động dựng cây nêu, gói bánh chưng của các dân tộc; viết thư pháp, in tranh Đông Hồ… Các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian gắn với Tết của các dân tộc, như: Kéo co, cỏ búng, đập phủ phủ, đánh cầu lông gà, đánh mảng, đánh quay, ném pao, tung còn, đẩy gậy…

Bên cạnh đó, các hoạt động sáng tạo như: Khám phá di sản văn hóa Hòa Bình, tô vẽ tranh 12 con giáp, tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh… mang đến niềm vui và sự hứng thú cho các em nhỏ.

Năm nay, chương trình còn giới thiệu các hoạt động ứng dụng công nghệ, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Một số điểm nhấn bao gồm các hoạt động: “Vượt thử thách khám phá Tết Ất Tỵ”, “Tour năm rắn tìm hiểu rắn trong bảo tàng”, “Trải nghiệm vẽ rắn và tìm hiểu ý nghĩa”...

Sự thay đổi của cuộc sống kéo theo sự thay đổi dòng chảy của văn hóa. Dù vậy, Tết vẫn là thời điểm để nhắc nhớ mỗi người hãy trân trọng vốn liếng văn hóa cổ truyền do ông cha tạo dựng, là nơi lưu giữ những hành trang trong công cuộc tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Việc gìn giữ và thực hành những phong tục đón Tết cổ truyền giúp thế hệ trẻ thêm trân quý, có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, để mỗi người dân sống có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng, Tổ quốc.

Hà Trang
Theo Giáo dục & Thời đại //