Tạp chí Mỹ nói thành công của U23 Việt Nam khiến bóng đá Trung Quốc lo lắng
Forbes bình luận dù Trung Quốc đầu tư "hàng núi tiền" vào bóng đá nhưng không hiệu quả bằng cách Việt Nam đào tạo cầu thủ tại các học viện.
U23 Việt Nam ăn mừng sau bàn thắng gỡ hòa 1-1 trong trận chung kết AFC Cup hôm 27/1 với Uzbekistan tại sân Thường Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Cho đến phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai trong trận chung kết hôm 27/1, tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã vượt qua được mọi bất lợi và chứng minh họ không phải là đội “lót đường” trong giải vô địch châu Á năm nay, tạp chí kinh doanh của Mỹ Forbes nhận xét.
Trước khi “quyết tử” với Uzbekistan tại trận cuối cùng, U23 Việt Nam đã “hạ gục” hàng loạt đối thủ nặng ký như Australia tại vòng bảng, Iraq ở tứ kết. “Và họ vượt qua đội tuyển được ‘nhồi tiền khủng’ đến từ đất nước giàu có Qatar”, phóng viên August Rick viết. Trận thứ ba liên tiếp phải đá hiệp phụ, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn kiên cường thi đấu và chỉ chịu thua vào phút cuối cùng. “Màn trình diễn của họ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới và cho thấy tương lai đầy hứa hẹn của nền bóng đá Việt Nam”.
Thành công của đội tuyển trẻ Việt Nam khiến Trung Quốc, chủ nhà của giải năm nay, phải lo lắng, Forbes bình luận.Theo tạp chí này, chính phủ Trung Quốc đã “rót hàng núi tiền và dùng ảnh hưởng chính trị vào việc phát triển bóng đá nước nhà nhưng dường như phần lớn khoản đầu tư là vô ích”.
Đều là những quốc gia hâm mộ bóng đá, Trung Quốc và Việt Nam giống nhau về nhiều mặt. Người dân hai nước mê mải theo dõi bóng đá châu Âu chứ không quan tâm nhiều đến các giải trong nước. Đội tuyển quốc gia của hai nước đều “phập phù” lên, xuống trên bảng xếp hạng FIFA nhưng chưa bao giờ ghi được dấu ấn gì đáng kể trong suốt hơn 20 năm qua.
Dù có nhiều điểm tương đồng như vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa hai nền bóng đá là Việt Nam nỗ lực “nuôi trồng” các tài năng nội địa. “Thành công của Việt Nam chứng minh rằng anh không cần phải đầu tư thật nhiều tiền nhưng anh cần thời gian”, theo Forbes.
‘Trung Quốc trồng cây từ ngọn’
Giấc mơ của Trung Quốc là trở thành cường quốc về bóng đá vào năm 2050. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu biến bóng đá thành môn mũi nhọn dẫn dắt ngành công nghiệp thể thao nước nhà.
Hiện nay, các tài năng trẻ của Trung Quốc chủ yếu được các học viện như Quảng Châu Evergrande chiêu mộ. Nhưng theo giới chuyên môn, 2.800 học viên tại học viện được đầu tư 185 triệu USD này đa phần là người Hán trong khi nhiều tài năng bóng đá của Trung Quốc xuất thân từ các dân tộc thiểu số ở phía tây.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và các công ty tài trợ đối xử với các đội bóng ở giải hạng nhất kiểu “đem con bỏ chợ”. Trong vòng 10 năm, một số câu lạc bộ phải chuyển đại bản doanh nhiều lần vì “sang tên đổi chủ”. Tên của câu lạc bộ cũng thay đổi liên tục, làm mất bản sắc của một đội bóng và gây khó khăn cho người hâm mộ theo dõi giải đấu.
Quan trọng hơn cả, bóng đá Trung Quốc vướng vào tư duy “ăn xổi”. Sự phát triển của một đội bóng chỉ tính theo năm. Nhiều đội chơi trong giải hạng nhất Chinese Super League “mạnh tay” thuê huấn luyện viên ngoại và nhanh chóng “thải hồi họ ngay sau thất bại đầu tiên”. Các câu lạc bộ cũng chi đậm để chiêu mộ cầu thủ ngoại nhưng “các cầu thủ này chỉ có tiếng mà không có miếng”, Forbes bình luận. Chưa kể, sự chú ý dồn vào các ngôi sao ngoại khiến Trung Quốc lơ là việc đào tạo các tài năng nội địa.
Tầm nhìn dài hạn của Việt Nam
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đổ ra đường phố chào mừng tuyển U23 về nước vào ngày 28/1. Ảnh: Linh Pham.
Vào năm 2007, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thỏa thuận thành công với đội bóng nổi tiếng của giải Ngoại hạng Anh Arsenal FC, đặt nền móng cho học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Kể từ khi ra đời, học viện Hoàng Anh Gia Lai hoạt động dựa trên sự tư vấn kỹ thuật và kiến thức của các huấn luyện viên Arsenal dày dặn kinh nghiệm.
Sau 10 năm, học viện này thu hoạch những trái ngọt đầu tiên: một số lượng lớn các cầu thủ trẻ và tài năng của Việt Nam xuất thân từ Hoàng Anh Gia Lai. Năm ngoái, một nửa các tuyển thủ U23 từng được đào tạo tại học viện này. Và nền bóng đá quốc gia cũng được hưởng lợi: Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á có mặt tại giải vô địch thế giới dành cho độ tuổi dưới 20 FIFA World Cup U20. Các học viện tương tự như Hoàng Anh Gia Lai cũng từ từ xuất hiện khắp đất nước ví dụ như trung tâm bóng đá Mỹ Đình ở Hà Nội.
Forbes bình luận “trong khi mô hình của Trung Quốc tước đi uy thế mà các cầu thủ vất vả mới gây dựng được… thì điều duy nhất đa số (người nước ngoài) biết về bóng đá Việt Nam bây giờ là lứa cầu thủ trẻ của nước này đang cực kỳ hứa hẹn”.