Tài xế tàu hỏa và nỗi ám ảnh về TNGT đường sắt
Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp, nhiều năm qua tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện đường bộ cố tình vượt qua đường sắt tại các đường ngang dân sinh gây TNGT nghiêm trọng.
Tai nạn đường sắt đang trở thành nỗi ám ảnh người dân
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, mỗi năm cả nước xảy ra 500-600 vụ TNGT đường sắt, làm hơn 200 người chết và hơn 400 người bị thương. Phân tích cho thấy, hầu hết các vụ TNGT đường sắt đều xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt- đường bộ.
Trong số các vụ TNGT đường sắt có 80% số vụ xảy ra trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, 10% xảy ra trên tuyến Hà Nội- Hải Phòng. Địa phương có số vụ TNGT đường sắt nhiều nhất vẫn là Hà Nội, chiếm hơn 20% về số vụ.
Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ TNGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bô phần lớn là do người điều khiển phương tiện đường bộ chủ quan, thiếu chú ý quan sát và thậm chí cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu đèn, còi và nhân viên tàu đã đóng thanh ngang.
Một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Nhiều vụ TNGT đã để lại hậu quả thảm khốc. Điển hình là vụ TNGT đường sắt vừa xảy ra mới đây, ngày 24.10.2016, tại tuyến đường sắt ngang qua thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Một chiếc xe ô tô CRV biển kiểm soát 30A-602.25 chở 7 người đi qua đường ngang dân sinh không quan sát, đúng lúc tàu hỏa chở khách đi tới và bị đâm trực diện. Hậu quả là 5 người chết 1 người bị thương nặng.
Cách đây vài năm cũng tại khu gian Chợ Tía – Phú Xuyên này, xe ôtô BKS 30S-2371 chở 26 người đi từ trong khu dân cư ra QL1A, tài xế do không quan sát đã vượt qua đường sắt khiến 9 người chết và 10 người bị thương nặng.
Theo thống kê của ngành Đường sắt, trên mạng lưới đường sắt toàn quốc hiện tồn tại hơn 4.000 đường ngang dân sinh. Cùng với đặc thù đường sắt hiện nay thường nằm song song và sát với đường bộ nên việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt diễn ra ở hầu hết các khu vực đông dân cư… Chính vì vậy, tại các điểm đường ngang thường tiềm ẩn TNGT rất cao.
Đường ngang dày đặc như thế này chính là những cái chết được báo trước
Bên cạnh đó, ở nhiều vụ TNGT đường sắt gần đây còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc tài xế lái xe ôtô cố tình vượt qua các đường ngang dân sinh; trong khi đó lái xe ôtô thường rất chủ quan, thiếu quan sát hướng tàu chạy. Điều này cũng cho thấy, một bộ phận lái xe ôtô hiện nay rất thiếu kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật ATGT khi tham gia giao thông tại những đoạn tuyến, vị trí đường bộ, đường sắt giao nhau.
Khắc phục tình trạng này, ngành Đường sắt Việt Nam đang phối hợp với ngành Đường bộ tổ chức triển khai thực hiện việc lắp đặt rào chắn ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt trên một số đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ ôtô đâm, đổ và lao vào đường sắt và tiến hành khảo sát một số đường ngang dân sinh để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét cho tổ chức triển khai các biện pháp phòng vệ hợp lý, bảo đảm ATGT.
Tuy không xảy ra nhiều như tai nạn giao thông đường bộ, nhưng mỗi năm cũng có gần 400 người chết và hàng ngàn người bị thương, do TNGT đường sắt. Thiệt hại về người, tài sản và hậu quả xã hội rất lớn. Trên 90% số vụ tai nạn đường sắt đều xảy ra nơi đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt. Những cái chết được báo trước, được nhìn thấy nhưng không làm gì được, đó cũng là nỗi ám ảnh không nguôi của hầu hết tài xế lái tàu hỏa.
Nhiều người dân có mặt tại hiện trường vụ tai nạn
Người viết bài này đã từng theo bước chân của CBCNV đường sắt trên khắp mọi nẻo đường, từng lên đầu máy ngồi cùng tài xế, từng chứng kiến những cái chết báo trước trong tích tắc xảy ra nơi đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt, nên tôi thấu hiểu nỗi ám ảnh của các tài xế lái tàu hỏa.
Tất nhiên, để được lên đầu máy trong lúc đoàn tàu đang hoạt động là “quân lệnh”, nếu không có sự đồng ý của lãnh đạo thì khó mà lên đầu máy ngồi cùng tài xế. Bạn thử hình dung xem, đầu máy cao to là thế, chạy băng băng trên hai đường thẳng, khung cảnh thì khỏi phải nói, đẹp đến mê hồn. Qua khỏi phố xá đông đúc là những cánh đồng, có đoạn còn bên núi bên sông, làng bản về chiều chập choạng, khói lam chiều vấn vương hai bên đường… đẹp và nên thơ lắm…
Một lần, tôi cũng đang thả hồn cùng những làn khói trong buổi chiều chạng vạng của vùng đất Quảng Bình, thì… nghe chú tài xế trẻ kêu lên: Chị ơi, chưa định vị xem điều gì sẽ đến thì nghe tiếng phanh rít… một cô gái trẻ đã bị tàu hất văng ra bên trái, chiếc xe đạp nằm bẹp dúm cách đó không xa.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 24.10 vừa qua (Ảnh: Tri thức trẻ)
Đoàn tàu phải dừng lại trong ít phút để làm các thủ tục cần thiết sau mỗi vụ tai nạn. Nghe những người dân ở đó bàn tán, người bị nạn là cấp dưỡng của một đơn vị gần đó, sau xe đạp còn buộc mớ lá chè xanh. Cô gái còn rất trẻ, mới 19 tuổi thôi. Cái chết thương tâm của cô gái này cứ ám ảnh tôi mãi những năm tháng sau này.
Những vụ tai nạn như thế luôn là nỗi ám ảnh không nguôi với các tài xế. Nhiều tài xế trước mỗi chuyến đi đều thắp hương cầu xin sự bình an. Và, mỗi khi không phải lên ban nhiều người trong số họ đều phải đến các cơ quan công an để làm tiếp những thủ tục của vụ tai nạn vừa xảy ra.
Trả lời câu hỏi của tôi, đã có bao nhiêu vụ tai nạn chết người trong quá trình lái máy của anh. Tất cả đều có chung một câu trả lời, nhiều lắm, không nhớ hết chị ơi, cho dù trong số tài xế có người còn rất trẻ, vào nghề chưa được 3 năm. Thế mới biết, tai nạn đường sắt không hề nhỏ như nhiều người vẫn nghĩ.
Nghe chuyện của những người tài xế mới thấu hiểu nỗi ám ảnh của họ, chỉ trong tích tắc thôi đã có một sinh mạng ra đi, thậm chí có khi cả chục người ra đi. Những cái chết được báo trước, diễn ra trước mắt tài xế mà họ không làm gì để cưỡng lại được. Điều đó cũng giải thích vì sao nhân lực lái máy luôn luôn thiếu, càng hiểu sự gian nan vất vả của nghề lái tàu hỏa.
Ngồi trên buồng máy, nghe những tiếng hô đáp của phụ tài xế: “Chú ý đường ngang” liên tục suốt hành trình, còi, đèn cảnh báo cũng chả là gì khi các phương tiện giao thông qua đường ngang cứ thênh thang đi lại như trong sân nhà mình, nhiều khi cả chiếc ôtô to đùng cứ hiên ngang tăng tốc băng qua đường sắt cho dù tàu đã ở phía trước… Cứ mỗi lần như vậy tài xế lại tim đập gấp, phanh, còi rồi phanh nữa… nhưng không kịp.
Qua đó, càng hiểu tài xế không phải muốn chạy thế nào cũng được, phải căng thẳng tính toán để chạy đúng công lệnh tốc độ, phải tập trung cao độ để quan sát các đường ngang từ xa, vì để dừng một đoàn tàu phải mất một quãng đường tối thiểu là 800m. Nếu dừng gấp sẽ rất nguy hiểm vì nguy cơ trật bánh đổ tàu là rất cao.
Nhiều khi họ phải tính toán, thiệt một người hay thiệt hại cả đoàn tàu với hàng ngàn hành khách. Vì thế cho nên, không chỉ những người có thâm niên lâu năm với nghề lái máy, mà ngay cả những lính trẻ mới vào nghề cũng chẳng vui thú gì khi ngồi trên đầu máy. Vì nhiệm vụ, vì cuộc sống họ phải chọn nghề lái máy.
Trò chuyện với tôi, cánh tài xế lái máy chỉ có một mong ước là người và phương tiện khi qua đường ngang hãy chú ý quan sát, hãy dừng lại khi đã thấy có tín hiệu bên đường. Một tài xế tâm sự: Có lần, phải hết sức lắm, anh mới cứu được một người qua đường ngang thoát chết trong gang tấc, những người đó không cảm thấy sợ hãi mà còn vẫy tay cười đắc chí khi tàu đi qua.
Quả là không còn gì để nói, với những người vô ý thức như thế. Cứ thế dọc theo những tuyến đường sắt, có vô vàn câu chuyện xảy ra và có thể xảy ra. Và người tài xế thì liên tục lo lắng, luôn phải chịu những cú thót tim, để rồi mỗi khi rảnh rỗi lại luôn ám ảnh bởi những cái chết mà mình đã nhìn thấy…