Quý III/2017, hơn 230.000 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp

27-12-2017 10:03:27

Trong quý III/2017 số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý II/2017.


Hơn 230.000 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Ảnh minh họa. 

Ngày 26/12, tại buổi hội thảo công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động VN, quý III năm 2017” do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội, cho biết trong quý III, dù thất nghiệp đã giảm nhẹ về số lượng và tỷ lệ nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ đại học trở lên lại tăng mạnh so với quý II/2017.

Số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý II/2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51% (quý trước là 3,63%), theo báo Thanh niên. 

Tiếp đến là nhóm trình độ CĐ có 84.800 người thất nghiệp, tăng 1.900 người so với quý II. Nhóm trình độ trung cấp có 95.500 người thất nghiệp, tăng 3.100 người.

Cũng trong quý III, có 610.900 thanh niên thất nghiệp, tăng 35.800 so với quý II/2017. Mặc dù giảm nhẹ so với 2,95% của quý trước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 2,91%; tiếp đến vùng Đông Nam bộ 2,68%. 

Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở vùng trung du miền núi phía bắc 0,97% và Tây Nguyên 1,32%. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 27,4% tổng số người thất nghiệp.

Lý giải về tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến của nhóm trình độ đại học trở lên, viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho rằng vào khoảng cuối quý II, nhiều sinh viên tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp xong phần lớn phải mất từ 3-6 tháng để tìm việc, báo Tuổi trẻ đưa tin. 

Ngoài ra cũng do nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thường xuyên thay đổi. Về nguyên nhân khiến nhiều sinh viên sau tốt nghiệp phải mất 3-6 tháng để tìm việc, ông Vinh cho hay do đào tạo của các trường và các doanh nghiệp chưa được tốt, nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế chỉ ra sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ta hiện nay khi học xong chưa làm việc được ngay, phải mất thời gian đào tạo thêm các kỹ năng khác.

"Nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng vào phải mất thời gian đào tạo từ 3-6 tháng, nếu không các em phải tự đi học thêm các kỹ năng khác như ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm. Đây chính là khiếm khuyết trong đào tạo của chúng ta cần phải được cải thiện.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //