Quảng Ninh đổ đất ngăn đường: 'Ai cho phép họ ngăn sông cấm chợ?'
"Chúng tôi đã gọi điện cho các tỉnh rồi, bây giờ phải thay đổi lại ngay. Ai cho phép ngăn sông cấm chợ? Ai cho phép hạn chế đi lại? Những việc này, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên trưa nay, 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.
Từ ngày 1/4, đã có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. "Chúng tôi đã gọi điện cho các tỉnh rồi, bây giờ phải thay đổi lại ngay. Ai cho phép ngăn sông cấm chợ? Ai cho phép hạn chế đi lại? Những việc này, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào hôm qua (1/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định tinh thần của Chỉ thị 16 là nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, chứ không phải dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất.
“Cách ly trong xã hội không phải là hạn chế các công việc có liên quan như là sản xuất kinh doanh, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng. Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người lao động”, Thủ tướng nêu rõ.
Hình ảnh từ Quảng Ninh. Nguồn: Thanh Niên & Tiền Phong
Trong sáng 2/4, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại một số địa điểm, tuyến đường bị chặn trên địa bàn phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Theo ghi nhận, riêng xã Lê Lợi, phường Hoành Bồ có gần chục tuyến đường bị đất đá, bê tông chắn lối đi. Tại các điểm này đều không có biển thông báo cụ thể việc chặn đường.
Bên cạnh nhưng tuyến đường bị chắn, nhiều tuyến đường đã được dỡ bỏ, thu dọn đất đá. Thay vào đó là các chốt kiểm soát người và phương tiện được dựng lên để kiểm soát dịch bệnh.
Trao đổi với Tiền Phong vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong sáng nay, tỉnh đã họp bàn phương án và bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm chốt. Việc tháo dỡ các điểm chặn đã diễn ra khi có đủ lực lượng cán bộ ứng trực. Cái khó ở đây là việc thiếu hụt lực lượng, anh em ở địa bàn luôn căng mình chống dịch, các thôn bản lại có nhiều đường mòn lối mở nên không thể kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trong thời gian này”.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, việc đổ đất chặn đường là biện pháp phòng dịch cấp bách, đại đa số người dân đều ủng hộ phương án này và trước mắt nó đã đem lại hiệu quả chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”. Mỗi một thôm xóm, làng bản đều có nhiều đường ra vào, những lối mở không cần thiết cần được đóng để 1 lối chính có chốt kiểm soát 24/24 hoạt động hiệu quả.
“Đổ đất chặn đường có hơi bất tiện về đi lại nhưng trong tình hình dịch bệnh này việc làm này là cần thiết. Đi xa 1 chút, vòng vèo 1 chút nhưng kiểm soát được dịch bệnh dân chúng tôi cũng an tâm hơn” – Bà Vũ Thị Hằng (64 tuổi) thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long nói.