Phong tỏa 20 tài khoản ngân hàng trong vụ địa ốc Alibaba lừa đảo
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã 2 lần có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiến hành phong toả hơn 20 tài khoản ngân hàng liên quan vụ địa ốc Alibaba lừa đảo.
Theo Vietnamnet, tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã 2 lần có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiến hành phong toả hơn 20 tài khoản của các cá nhân, công ty có liên quan đến “tập đoàn” địa ốc Alibaba.
Đây là động thái nhằm đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty liên quan.
Được biết, trong số bị phong toả có tài khoản của 3 anh em Luyện, Lĩnh và Lực. Cha và mẹ của 3 đối tượng này là ông Nguyễn Văn Huấn – bà Thái Thị Túc cũng nằm trong diện bị phong toả tài khoản. Theo nguồn thông tin riêng, trong suốt 2 năm qua, 3 anh em Nguyễn Thái Luyện đã thực hiện nhiều giao dịch, với số tiền lớn qua tài khoản của cha mẹ.
Một số tài khoản ngân hàng bị phong toả khác là của các nhân sự cấp cao tại công ty địa ốc Alibaba như: Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo; Trang Chí Linh, Phó giám đốc phụ trách pháp lý; Võ Thị Thanh Mai (vợ của Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc phụ trách tài chính)… Các tài khoản ngân hàng còn lại là của những người tin cẩn với Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc các công ty con, tài khoản doanh nghiệp…
Đồng thời với việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP.HCM phong toả các tài khoản ngân hàng, Công an TP.HCM cũng đã triệu tập, mời làm việc những người nêu trên, nhắm làm rõ vai trò liên quan đến địa ốc Alibaba.
Cũng trong ngày 30/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đã bổ sung danh sách 16 cá nhân liên quan đến vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Danh sách này được gửi đến công an các tỉnh, thành có dự án của công ty này.
Danh sách 16 cá nhân có liên quan gồm: Huỳnh Thị Ngọc Như (quê Đồng Nai, Phó giám đốc Công ty Alibaba phụ trách đối ngoại); Nguyễn Văn Kiên (ngụ quận 2); Trần Phúc Thạnh (quê Bình Định); Trương Thị Hồng Ngọc; Bùi Minh Đức (cả hai quê Bình Dương); Trần Huy Phúc (quê Đồng Tháp); Trần Hữu Sơn; Nguyễn Trung Trường (cả hai quê Đắk Lắk); Trịnh Minh Pháp; Huỳnh Thị Hạnh Trang (cả hai quê Gia Lai); Vi Thị Hiền (quê Nghệ An); Trang Chí Linh (quê An Giang); Vũ Văn Trần Quang; Lưu Thị Tiền; Nguyễn Văn Huấn và Thái Thị Túc.
Ảnh: Internet
Công an xác định 16 cá nhân ó liên quan và đã gửi văn bản đến các tỉnh thành có dự án của Công ty Alibaba để phối hợp điều tra. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa tài khoản của bà Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), phong toả tài khoản của ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Túc (cha mẹ ruột của Luyện).
Trước đó ngày 27/9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng ngăn chặn giao dịch thửa đất số 1164, tờ bản đồ số 2, ở địa chỉ 52 Đặng Văn Bi, phường trường Thọ, quận Thủ Đức. Thửa đất này do Công ty Alibaba đứng tên.
Liên quan đến vụ án, Công an TPHCM đang tạm giữ Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng Nguyễn Thái Lực cũng đã bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp do có dấu hiệu tiếp tay cho Công ty Alibaba lừa đảo.
Trong vụ án này, Luyện là kẻ chủ mưu và sử dụng các dự án đất nền không có thật để lừa hơn 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.