Phim truyền hình Việt Nam 2017: Một năm ghi điểm của dòng phim làm lại
Điểm đáng chú ý trong danh sách phim truyền hình Việt Nam ăn khách năm 2017 là có khá nhiều tác phẩm có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc mua bản quyền phim truyền hình ăn khách của nước ngoài.
Xu hướng mới của phim truyền hình Việt Nam
Trong năm 2017, phim truyền hình bùng nổ với rất nhiều tác phẩm ăn khách, khiến khán giả khó có thể rời mắt mỗi khung "giờ vàng" chiếu phim Việt.
Có thể kể đến tác phẩm thu hút lượng lớn người xem năm qua như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Gia đình là số 1, Thương nhớ ở ai, Ngược chiều nước mắt… Đây là những bộ phim truyền hình "làm mưa làm gió" suốt năm qua, không chỉ bởi lượng người xem hùng hậu, mà còn tạo nên cơn sốt trên mạng.
Điểm đáng chú ý trong danh sách phim truyền hình ăn khách năm 2017 là có khá nhiều tác phẩm có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc mua bản quyền phim truyền hình ăn khách của nước ngoài.
Bộ phim đầu tiên phải kể đến đầu tiên là Người phán xử – siêu phẩm do VFC sản xuất, có kịch bản được làm lại từ bản phim truyền hình ăn khách của Israel (phát sóng trong giai đoạn 2007 - 2014).
Người phán xử thuộc thể loại tâm lý tội phạm, xoay quanh câu chuyện gia đình ông trùm xã hội đen Phan Quân và công ty của gia đình có tên Phan Thị.
Bề ngoài, tập đoàn Phan Thị do Phan Quân điều hành là một công ty làm ăn đàng hoàng, nhưng thật ra đó lại là tập đoàn tội phạm với tổ chức khá rắc rối. Để triệt phá Phan Thị, cảnh sát đã cài Bảo Ngậu vào làm nội gián.
Ngay từ khi mới lên sóng tập đầu tiên, Người phán xử đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả màn ảnh nhỏ. Số lượng người theo dõi tăng lên từng tập. Họ không ngừng bàn tán về bối cảnh, tình tiết… của phim.
Người phán xử hấp dẫn không chỉ vì khai thác đề tài về thế giới tội phạm mới lạ và tạo sự tò mò, mà phim còn tạo nên sự hấp dẫn vì sự chặt chẽ, hợp lý trong từng phân đoạn.
Diễn xuất đầy cảm xúc của dàn diễn viên thực lực như NSND Quang Dũng, NSƯT Thanh Qúy, NSƯT Trung Anh, Hồng Đăng, Đan Lê, Việt Anh, Bảo Thanh… cũng là điểm cuốn hút của Người phán xử.
Cũng là một phim có chứa đựng yếu tố nước ngoài, Sống chung với mẹ chồng đã tạo nên “cơn sốt” mạnh mẽ trong năm 2017. Bộ phim có kịch bản chuyển thể từ một quyển tiểu thuyết của Trung Quốc, phim do NSƯT Vũ Trường Khoa làm đạo diễn.
Trái ngược với vẻ bí ẩn của Người phán xử, bộ phim Sống chung với mẹ chồng lại gây bão bởi nội dung hấp dẫn, gần với cuộc sống đời thường.
Nội dung phim kể về cuộc sống đầy nước mắt của cặp đôi mới cưới Thanh và Vân. Do sự tác động của mẹ chồng quái chiêu - bà Phương, và sự nhu nhược của người chồng, Vân liên tục sống trong sự lo lắng, bất an và không ít lần nuốt nước mắt chịu đựng.
Mẹ chồng con dâu xung khắc từ ngày này qua ngày khác, mâu càng trở nên lớn hơn. Cuối cùng, Vân - Thanh ly tan, chấm dứt cuộc sống hôn nhân như ngục tù.
Trong suốt thời gian phát sóng, Sống chung với mẹ chồng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Phim đặc biệt hút các bà nội trợ hay thậm chí là cả giới trẻ. Chưa kể, bộ phim cũng trở thành đề tài ảnh chế trong cộng đồng mạng, tạo nên nhiều trào lưu hot trong năm 2017.
Sau khi bộ phim được phát sóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng phim kể đúng về cuộc sống hiện đại, vạch ra sai lầm trong cách ứng xử của các nhân vật mẹ chồng, con dâu, đồng thời hướng người xem đến những giá trị văn minh và phù hợp hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít khán giả lại cho rằng Sống chung với mẹ chồng đã cường điệu các tình tiết, làm cho những người trẻ có suy nghĩ lệch lạc về hôn nhân.
Tương tự Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1 cũng là bộ phim màn ảnh nhỏ ăn khách.
Gia đình là số 1 có kịch bản chuyển thể từ sitcom High kick đình đám của Hàn Quốc, do đạo diễn Trung Lùn thực hiện, với các diễn viên gồm: Thu Trang, Tiến Luật, Việt Anh, Phi Phụng, Gin Tuấn Kiệt, Sam, Anh Tú, Diệu Nhi, Phát La, Quang Tuấn, Diệu Nhi...
Đây là tác phẩm dài hơi, phát trên sóng HTV7 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, đến nay phim đã đạt đến gần 200 tập và chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ngoài rating cao ngất ngưởng, Gia đình là số 1 còn đại thắng ở mặt trận online. Mỗi tập phim được đăng tải trên Youtube đều có lượt xem triệu view. Đây là con số "khủng", là niềm ao ước của bất cứ đoàn phim nào.
Mỗi tập phim của Gia đình là số 1 là câu chuyện tách biệt với những phần còn lại. Thông qua từng tình huống phim, những câu chuyện ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè đã được truyền tải.
Tuy làm lại từ sitcom ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc nhưng Gia đình là số 1 vẫn giữ được phong độ ổn định. Bằng cách Việt hóa kịch bản thông minh, Gia đình là số 1 đã mang đến món ăn tinh thần thú vị cho các gia đình Việt.
Với sự thành công của 3 tác phẩm truyền hình kể trên, màn ảnh nhỏ Việt Nam kỳ vọng 2018 cũng sẽ có nhiều phim án tượng như thế. Hiện tại, bộ phim Cả một đời ân oán bước đầu nhận được tình cảm của người xem.
Cả một đời ân oán có kịch bản chuyển thể từ bản phim Cô dâu bạc triệu đình đám của Đài Loan. Phim quy tụ dàn diễn viên gồm Hồng Đăng, Mạnh Trường, Mỹ Uyên, Hồng Diễm, Lan Phương... với độ dài 70 tập.
Lợi - hại của dòng phim làm lại
Ở thời điểm hiện tại, phim truyền hình Việt Nam gần như khan hiếm các kịch bản hay. Mặc dù số lượng phim không hề giảm, thậm chí tăng lên nhưng chất lượng không tương xứng.
Sự phát triển không sánh đôi giữa chất và lượng đã khiến dòng phim remake phát triển mạnh mẽ trong đời sống phim ảnh Việt Nam. Tương tự như mảng điện ảnh thành công với phim Em là bà nội anh, mảng truyền hình cũng ghi dấu với Người phán xử, Gia đình là số 1…
Hai mảng điện ảnh, truyền hình song song phát triển dòng phim remake, đã giúp cho màn ảnh Việt sáng tỏ hơn về chất lượng kịch bản. Bởi lẽ, những phim được mua bản quyền làm lại đều là những tác phẩm nổi tiếng, có dấu ấn nhất định trong lòng người xem và đặc biệt là phần kịch bản hay đã được bảo chứng.
Thế nên, khi phim remake chỉ việc Việt hóa không gian, văn hóa, con người Việt… là có thể có một bộ phim đầy hứa hẹn. Đó chính là mặt lợi nhất khi làm phim remake, gần như tiết kiệm tối đa về thời gian viết kịch bản.
Chưa kể đến yếu tố nữa là sự nổi tiếng của phiên bản gốc. Bộ phim nguyên bản mua lại, thông thường là tác phẩm nổi tiếng, không chỉ tạo sự ảnh hưởng tại quê nhà mà còn lan rộng sang Việt Nam. Nhiều khán giả biết đến sẽ tò mò muốn xem bản làm lại sẽ như thế nào sẽ trở thành chiêu PR hiệu quả.
Thế nhưng, không phải tác phẩm remake nào cũng tạo nên thành công. Kha khá bộ phim truyền hình remake thảm hại về tỉ suất người xem hoặc chất lượng, thậm chí thất bại ở cả hai.
Trước Người phán xử, Gia đình là số 1… lĩnh vực truyền hình cũng từng mua lại nhiều tác phẩm nổi tiếng từ nước ngoài để remake như Anh em nhà bác sĩ, Ngôi nhà hạnh phúc (mua lại bản quyền từ Hàn Quốc).
Tuy nhiên những phim này đều không thành công như mong đợi. Phim có chất lượng kém, bị đánh giá là không bằng một góc "độ hay" của phiên bản gốc. Hầu hết khán giả đều cho rằng kịch bản Việt hóa lẫn diễn xuất của diễn viên đều không bằng bản gốc, thậm chí là tệ hơn rất nhiều.
Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, khi mới đây bộ phim remake Sắc đẹp ngàn cân bị thất bại hoàn toàn. Dù dựa vào phiên bản gốc quá nổi tiếng và ấn tượng nhưng khi chuyển thể thành phim Việt không để lại dấu ấn gì.
Bởi lẽ, Sắc đẹp ngàn cân phiên bản Việt đã không tạo nên không gian, văn hóa thực sự gần gũi khán giả Việt Nam. Điều đó đã khiến cho bộ phim thất bại.
Cuối cùng, điểm tai hại nhất của dòng phim remake chính là bản làm lại khó lòng thành công hơn so với nguyên gốc. Có thể vì kịch bản gốc quá cũ, không còn phù hợp mới thời đại hiện nay, hay cái bóng của diễn viên phim cũ quá lớn, nổi tiếng và in dấu sâu đậm trong lòng người xem.
Đó còn chưa kể đến điều kiện làm phim cũng như chất lượng đạo diễn, diễn viên… Việt Nam còn có một khoảng cách xa so với điện ảnh các nước.