Phiên xử vụ ông Đinh La Thăng với những tình tiết đặc biệt nhất
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong 10 ngày qua đã có những tình tiết rất đặc biệt. Trong các phiên xử đại án trước đó như vụ “bầu” Kiên, Dương Chí Dũng, Hà Văn Thắm… đều không có những tình tiết này.
Bị cáo Đinh La Thăng (ảnh TTXVN).
Rất nhiều lời cảm ơn
Có thể nói phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm ghi nhận nhiều từ “cảm ơn” nhất. Bị cáo Đinh La Thăng là người sử dụng từ “cảm ơn” nhiều nhất trong số 22 bị cáo.
Ngay từ lần bị HĐXX gọi lên thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Đinh La Thăng nói lời cảm ơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử một cách nhanh chóng. Khi các vị luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo trong vụ án tham gia xét hỏi, ông Đinh La Thăng cũng được nhiều LS đặt câu hỏi, mỗi lần trả lời xong ông đều không quên cảm ơn HĐXX, Viện KS, cũng như các vị LS.
Trong lời nói sau cùng trước khi Tòa nghị án, bị cáo Đinh La Thăng cũng nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư. Ông Thăng cũng cảm ơn gia đình, vợ con; cảm ơn những người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đã có sự cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của mình. Ông cũng nói cảm ơn cán bộ Trại tạm giam T16 nơi ông bị tạm giam; cảm ơn HĐXX, chủ tọa phiên tòa, cảm ơn đại diện Viện KS, các LS và những người có mặt ở phiên tòa.
Tiếp sau ông Thăng, nhiều bị cáo khác cũng nói lời cảm ơn trong lời nói sau cùng. Họ nói cảm ơn HĐXX, Viện KS, các LS bào chữa. Có bị cáo gửi lời cảm ơn đến cán bộ điều tra, cán bộ trại tạm giam đã an ủi, động viên và giúp đỡ họ.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (áo sáng màu - ảnh TTXVN).
Điều tra viên trả lời thẩm vấn trước Tòa
Việc Điều tra viên của vụ án được triệu tập tới phiên tòa để khi cần thiết sẽ làm rõ thêm vấn đề trong vụ án là việc bình thường. Tuy nhiên khi một LS hỏi một Điều tra viên như trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm là điều cực kỳ hiếm gặp. Vị LS đã hỏi Điều tra viên căn cứ nào để kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, quanh co, chối tội. Vị Điều tra viên cũng trả lời một cách rõ ràng trước Tòa về lý do đưa ra nhận định trên.
Thân chủ không đồng tình với quan điểm của luật sư bào chữa
Thông thường trong vụ án hình sự, thân chủ và LS bào chữa có những quan điểm đồng nhất. Sau phần tranh luận của LS, nếu bị cáo có bào chữa cũng là bổ sung cho quan điểm của LS đã trình bày trước đó. Trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, vị LS bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Trưởng ban Tài chính, Kế toán, Kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong phần tranh luận đã đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung phần của bị cáo Quỳnh. Tuy nhiên ngay sau đó, trong phần tự bào chữa bị cáo Quỳnh đã bày tỏ không đồng tình với đề nghị này của LS bào chữa.
Các bị cáo xin giảm nhẹ cho người cùng cảnh ngộ
Trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm có nhiều trường hợp các bị cáo đã xin giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo khác. Khi trình bày trước Tòa, không ít lần ông Thăng nhận trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm. Ông nói nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác từ ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ của PVN trở xuống.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng GĐ của PVN nói việc xử lý bị cáo Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng Ban Tài chính, Kế toán, Kiểm toán của PVN là chưa thỏa đáng. Bị cáo Sơn nói trách nhiệm thuộc về ông và bị cáo Ninh Văn Quỳnh.
Bị cáo Sơn còn xin HĐXX xem xét đến trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT của PVC. Bị cáo Sơn cho rằng, trong thời gian công tác bị cáo Quý chủ yếu làm công tác đoàn thể nhưng vì cơ cấu tổ chức bị cáo Quý cũng phải làm theo dẫn đến phải vào vòng lao lý. “Người như bị cáo Quý không cố tình làm sai, nếu bị cáo Quý không bị cách ly khỏi đời sống xã hội là điều mừng cho ngành dầu khí”, bị cáo Sơn bày tỏ.
Bị cáo Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch trong phần tự bào chữa đã xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Lương Văn Hòa và Nguyễn Thành Quỳnh.
Tranh luận dân chủ, tôn trọng nhau
Phiên tòa xét xử vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm, HĐXX đã dành 3 ngày để thẩm vấn, 5 ngày để tranh luận. Phần tranh luận diễn ra sôi nổi, các vị LS bào chữa được phát biểu nhiều lần để tranh luận với quan điểm luận tội cũng như đối đáp của đại diện Viện KS.
Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Hà Nội, người tham gia giữ quyền công tố tại Tòa trong phần đối đáp các LS đã nói: Phiên tòa này đã thể hiện được sự dân chủ, qua phần tranh luận của các LS, các LS nêu quan điểm đối đáp và đề nghị Viện KS đối đáp lại.
Để chốt lại vấn đề, ông Cường cho rằng, Viện KS không chỉ tập trung vào những chứng cứ buộc tội. Cùng một vấn đề, cùng một nguồn chứng cứ nhưng có cách đặt vấn đề, quan điểm, cách tiếp cận khác nhau. LS tiếp cận dưới góc độ bảo vệ cho các thân chủ, còn Viện KS tiếp cận dưới góc độ của cơ quan Nhà nước, góc độ của người thực hành quyền công tố.
Ở nhiều phiên tòa trước, khi thấy các ý kiến tranh luận không mới, bị lặp lại, HĐXX chủ động tuyên bố kết thúc phần tranh luận để chuyển sang phần nghị án. Nhưng vào chiều ngày 16.1, sau 5 ngày tranh luận, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Ngọc Huân đã hỏi lại các vị LS và các bị cáo, cũng như những người tham gia tố tụng tại Tòa “có ai còn ý kiến gì không”. Khi phòng xử im lặng vị thẩm phán thứ hai là ông Trương Việt Toàn mới tuyên bố kết thúc phần tranh luận.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm diễn ra từ ngày 8.1 đến 17.1 (làm việc cả thứ bảy, chủ nhật) Tòa nghỉ nghị án. Bản án sẽ được tuyên vào sáng ngày 22.1. Trong vụ án này có 22 bị cáo, ông Đinh La Thăng bị đề nghị từ 14 -15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |