Ông Phan Văn Vĩnh có quyền từ chối công bố bản án lên mạng hay không?
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi "Có bị cáo nào đề nghị không đưa bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án không?" thì ông Phan Văn Vĩnh đã giơ tay.
Sáng nay (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ đưa ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và 91 bị cáo trong vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ra xét xử sơ thẩm.
7h20, đoàn xe dẫn giải gồm 6 chiếc xe, được ô tô CSGT dẫn đoàn - đã áp giải ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng 5 đồng phạm khác bị tạm giam đến sân tòa. 30 phút sau khi tới tòa, lúc 7h50, ông Vĩnh được 2 cảnh sát áp giải vào khu vực xử án - vốn là sân tòa án tỉnh Phú Thọ, rộng khoảng 1.000m2.
Ông Vĩnh trả lời trước tòa. Ảnh: Zing
Trước khi kết thúc phần thủ tục, nữ chủ tọa cho hay theo quy định của TAND Tối cao, bản án sau khi công bố, sẽ được đăng công khai lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Tuy nhiên, bị cáo có quyền được từ chối việc đưa bản án công khai. "Có bị cáo nào đề nghị không đưa bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án không?", chủ tọa hỏi.
Ngay lập tức, ông Phan Văn Vĩnh giơ tay và đề nghị tòa không công bố bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án. Bị cáo Vĩnh nói: "Tôi là bị cáo Phan Văn Vĩnh xin được từ chối quyền công bố bản án".
Theo thẩm phán Hương, chỉ cần 1 trong các bị cáo hầu tòa từ chối quyền này thì HĐXX sẽ không công bố bản án lên cổng thông tin. Hiện lý do tại sao ông Vĩnh đề nghị không công bố bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, về vấn đề này, nhiều luật sư khẳng định, bị cáo Vĩnh không có quyền từ chối công bố bản án lên mạng. Trên Vnexpress, ông Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói "tại sao không thể đăng" khi có ý kiến từ chối.
"Nghị quyết không có quy định nào nói bị cáo không cho đăng thì không đăng. Trừ khi toà cho rằng "công nghệ" ông Vĩnh chống lưng cho đường dây đánh bạc là bí quyết nghề nghiệp cần giữ bí mật, theo điểm 2.b của điều 4", ông Bình nói.
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP HCM ), về nguyên tắc, khi vụ án đã được xét xử công khai thì bản án, quyết định đó sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa, trừ trường hợp người có liên quan trong vụ án và bị cáo yêu cầu không công bố những nội dung có liên quan tới bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc bí mật kinh doanh.
Chỉ cần một trong các bị cáo, người liên quan yêu cầu mà tòa chấp nhận thì đương nhiên toàn bộ bản án sẽ không được công bố trên cổng thông tin điện tử. Tòa không cần hỏi ý kiến các bị cáo, người liên quan khác. Tuy nhiên khi quyết định không đăng vì bị cáo từ chối thì tòa phải biết lý do của người đó có chính đáng hay không. Nếu ông Vĩnh không nói rõ lý do mà chỉ từ chối, tòa lại chấp nhận thì không hợp lý, bởi theo quy định nếu người nào không đồng ý thì phải cho biết lý do.
Ông Vĩnh được dẫn giải ra tòa. Ảnh: Soha
Trong phần đề nghị, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) kiến nghị trong suốt quá trình xét xử cho phép thân chủ của bà được ngồi vì lý do sức khỏe yếu. Ngoài ra, bà Trang cũng đề nghị HĐXX tạo điều kiện để các nhân viên hỗ trợ y tế cho ông Vĩnh.
Theo bản cáo trạng dài 235 trang của VKSND Phú Thọ, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 2, điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015, với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
Quá trình điều tra, 2 ông "trùm" đường dây đánh bạc là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương khai, cho ông Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,7 triệu USD; khai cho ông Hóa 22 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cả ông Vĩnh và ông Hóa đã phủ nhận.