Những phát đạn lạnh lùng của băng cướp máu lạnh sát hại 17 người
Cả xã Quế Phước chìm trong tang thương khi băng cướp tàn bạo này ra tay giết hại cán bộ cũng như người dân vô tội. Cuối cùng, một chuyên án được vạch ra để bắt chúng phải đền tội.
Băng cướp giết 17 mạng người và kế hoạch "thích sát" cán bộ
Có vũ khí trong tay, Minh bớt cùng đồng bọn chụm đầu lại với nhau bàn cách hành động. Huỳnh Dũng đã ghé tai Minh bớt thủ thỉ rằng, trong làng này, người mà hắn thù nhất là ông Nguyễn Tảo – Trưởng Công an thôn 1, xã Quế Phước, vì ông Tảo đã bạt tai hắn khi phát hiện hắn bắt trộm vịt của thôn. Nghe đàn em tỉ tê một hồi, Minh bớt quyết định cùng các thuộc hạ của mình tìm đường tới nhà ông Tảo để “rửa hận”.
Núi Bằng Trĩ - Nơi băng cướp giết 17 mạng người ẩn nấp
Trên đường đi đến nhà ông Tảo, đoạn qua ngã ba đường nơi có gốc cây to. Bọn chúng gặp anh Lê Văn Nông (quê ở xã Cẩm Châu, Hội An) là cán bộ quân đội thuộc Thị đội Hội An đang đi cõng gạo, lương thực trên đường về đơn vị và ngồi nghỉ lấy sức. Nhìn thấy anh Nông có mang theo súng, bọn chúng bàn nhau bắn chết anh Nông để cướp súng nhằm trang bị thêm vũ khí.
Giả vờ lân la đến nói chuyện với anh Nông và nhân lúc anh này mất cảnh giác, chúng đã nổ súng bắn chết anh này ngay tại chỗ. Cả bọn xúm lại lục soát tài sản lấy thêm một khẩu súng rồi hùng hổ kéo nhau xông đến nhà ông Tảo.
Vừa bước vào nhà, thấy ông Tảo vừa mới làm đồng về đang nằm nghỉ ngơi trên giường, bọn chúng bắn một phát khiến ông Tảo chết ngay tại chỗ. Từ gian nhà dưới, bà Dương Thị Mai vợ ông Tảo nghe tiếng súng nổ, chạy ra thấy thế quỳ lạy van xin tha chết nhưng chúng vẫn lạnh lùng… bóp cò.
Người phụ nữ đang mang thai gục chết bên vũng máu. Mấy đứa con của vợ chồng ông Tảo khóc lóc thảm thiết, nhưng chúng cũng không tha. Đứa con trai lớn tên là Phạm Trung trốn trong buồng cũng bị chúng lôi ra kê súng vào đầu bóp cò lạnh lùng cướp đi mạng sống. Cô con gái thứ hai của ông Tảo tên là Phạm Hoa run sợ núp ở dưới bếp chúng cũng chẳng buông tha mạng sống.
Còn 3 chị em gái nhỏ, đang đi chơi ở nhà hàng xóm, về gần tới nhà thấy súng nổ đì đoàng nên sợ quá bỏ chạy thục mạng, nhờ thế mà thoát chết. Sục sạo quanh nhà thấy không còn ai, bọn chúng cướp 1 súng M18 và 1 súng CKC cùng với 1 túi đạn khoác lên người mang đi.
Khoảng 20h cùng ngày, bọn chúng kéo đến nhà anh Phan Thanh Đạt - Thôn Đội phó. Thấy Minh bớt cùng đồng bọn xuất hiện, anh Đạt chạy từ trong nhà ra, chưa kịp nói câu gì thì bọn chúng đã nổ súng bắn chết anh Đạt ngay giữa sân, rồi cướp đi một khẩu súng.
Nghe tiếng súng nổ, anh Trương Hường, đội trưởng sản xuất cầm súng cabin cùng anh Trương Quý, đội phó sản xuất chạy ra hội trường thôn 1 đánh kẻng báo động. Ngay lập tức, cả bọn lần theo tiếng kẻng, lao tới bắt hai anh Hường và Quý quỳ xuống, Minh bớt ra lệnh cho đồng bọn bắn chết anh Hường ngay tại chỗ rồi cướp súng. Còn anh Quý chẳng hiểu vì sao bọn chúng tha mạng…
Khi chúng vừa quay lưng đi, anh Quý tung đầu chạy thục mạng, lao mình vào một bụi cây gai mà sau đó rất nhiều người dân trong thôn phải dùng rựa để phát bụi gai hàng giờ đồng hồ mới kéo người anh Quý ra bên ngoài được…
Có nhiều súng trong tay và giết càng nhiều người, Minh bớt cùng đồng bọn càng hung hăng hơn. Chúng vừa đi vừa phá phách, hét vang làng xóm khiến bà con khiếp hãi, không một gia đình nào không cài chặt cửa để ẩn nấp.
Xã Quế Phước, nơi xảy ra vụ việc kinh hoàng do nhóm của Minh bớt gây nên
Thấy tình hình mỗi lúc mỗi thêm nghiêm trọng, ông Hà Nam, Bí thư chi bộ thôn 1 cùng ông Lê Thư trong chi bộ bí mật đi lên nhà ông Nguyễn Văn Dư - Bí thư Đảng bộ xã Quế Phước báo cáo tình hình. Biết chuyện, ông Dư chỉ đạo tập hợp lực lượng để triển khai truy bắt. Trước hết, triệu tập lực lượng, đánh kẻng báo động tại các thôn, thông báo cho người dân không được ai ra đường để đề phòng tai họa…
Về phía bọn Minh bớt và đồng bọn, sau khi bắn chết anh Hường xong, cả bọn hô hào đi theo đường Hố Cút về thôn 5 (Đông An) vào nhà Lương Lực để nghỉ chân. Sau đó cả bọn lại vác súng xông ra đường để tìm đến nhà của anh Phạm Tấn Dũng (tức Trí) - Trưởng Công an thôn 5 hành sự.
Khi chúng đến phục trước nhà, vừa lúc anh Dũng đi họp về nên chúng đã nhanh tay bắn chết anh Dũng rồi lôi xác vào giấu trong vườn mía. Chúng cướp súng, đồng hồ của anh Dũng rồi bỏ đi. Tiếp đó, chúng kéo xuống nhà ông Đỗ Xuân Lập, Trưởng Ban nhân dân cách mạng thôn 5 để tìm bắn thì may là không có ông này ở nhà.
Chúng kêu bà mẹ của ông Lập ra, hét lớn: “Lập đâu?”, bà mẹ của ông Lập run lẩy bẩy trả lời là “Không có ở nhà, đi đâu không rõ” lúc đó cả bọn mới chịu bỏ đi.
Rời nhà ông Lập, chúng gọi nhau chạy xuống bến sông, nơi có gia đình ông Ba Trình để tìm giết bà Xa (vợ ông Trình) vì trước đó bọn chúng ăn trộm gỗ của bà Xa, bị xã phạt bắt trả lại. May mắn thay là khi chúng đến thì bà Xa đi buôn trên nguồn chưa về, còn ông Ba Trình thì quỳ lạy van xin thảm thiết nên chúng chỉ cướp 1 chỉ vàng rồi tha mạng cho ông Trình. Từ đây, chúng quay vào núi Bằng Trĩ lẩn trốn.
Lên kế hoạch vây bắt băng nhóm của Minh bớt
Ngồi nói chuyện với chúng tôi về vụ án Minh bớt cùng đồng bọn, anh Nguyễn Minh Sơn, một người dân địa phương buồn rầu kể lại: Những ngày tháng đó, quê tôi từ một vùng quê yên bình, bỗng dưng đêm 19/1/1980 lại là một đêm như bão rớt trên đầu. Không đâu, cả làng quê lại chìm trong tang tóc, cả làng có đến 7 người chết cùng một lúc, thêm một anh bộ đội khi đi công tác qua địa bàn. Không có nỗi đau nào hơn.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư kể lại câu chuyện
Đêm đó, tiếng khóc than thất thanh, người dân bàng hoàng. Đau xót nhất là trong căn nhà của ông Tảo, 4 xác chết nằm la liệt giữa những dòng máu tươi… Chỉ trong nháy mắt thôi mà bọn côn đồ đã tàn nhẫn giết chết cả vợ chồng con cái họ…
Sau khi nghe ông Hà Nam và ông Lê Thư báo cáo tình hình, ông Dư - Bí thư xã đã viết giấy báo cáo và đề nghị rồi giao cho hai anh du kích của xã khẩn cấp đi trong đêm để chuyển đến cho ông Phạm Văn Cai – Trưởng Công an huyện Quế Sơn. Đồng thời, ông Dư chỉ đạo cho lực lượng vũ trang của xã tập trung đi tìm kiếm xác của anh Dũng (tìm thấy trong vườn mía) và tổ chức dùng rựa phát quang bụi gai để cứu anh Quý.
Đêm hôm đó cả làng như thức trắng từ 1 giờ sáng ngày 20/1/1980, ông Dư cùng thường trực ủy ban đã đến tận từng nhà, lập biên bản sự việc, rồi chỉ đạo lực lượng địa phương chăm lo hậu sự cho các nạn nhân. Trong thời gian chờ chi viện từ phía huyện, tỉnh lên, ông Dư phát động toàn lực lượng trong xã chặn đứng các đường xuống núi để đề phòng bọn chúng kéo quân về làng tìm giết cán bộ, dân làng.
8 giờ sáng cùng ngày, Đảng bộ xã có cuộc họp khẩn, tất cả đều xác định bọn chúng lên ẩn nấp trên núi Bằng Trĩ. Tuy nhiên, với lực lượng hiện có ở địa phương thì không thể đột kích để tấn công chúng được mà chỉ bằng mọi cách chốt chặn, đề phòng bọn chúng xuống tràn xuống làng, và chờ lực lượng chi viện.
Lúc bấy giờ ông Dư chỉ huy phân công ông Trương Thành Tá, Ngọc Lương, Nguyễn Văn Trình, Võ Chính chỉ đạo lực lượng Xã đội kiểm soát hợp tác xã, đưa lực lượng lên sườn núi chốt chặn. Bên cạnh đó, huy động du kích địa phương túc tực ở trụ sở xã, đề phòng chúng đột kích vào đây.
Để vây bắt được bọn chúng vào lúc này là một việc làm không dễ trong một sớm, một chiều mà phải xác định đây là một nhiệm vụ hết sức cam go. Vì lẽ đó, một mặt hô hào lực lượng đối phó, chốt chặn, một mặt phải vận động bà con ủng hộ lương thực, thực phẩm cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Tuy là xã nghèo, điều kiện khó khăn, nhưng chỉ trong buổi sáng đã huy động trên 2000 lon gạo và nhiều thực phẩm khác…
Trong đêm 20/1/1980, lãnh đạo huyện Quế Sơn nhận được thông tin. Ngay sau đó các lực lượng của huyện đã có cuộc họp bàn khẩn cấp, đồng thời báo cáo tình hình lên tỉnh. Nhận định bọn chúng rất manh động nên không cho lực lượng đi theo hướng đèo Le lên Quế Phước vì sợ bị bọn chúng phục kích tại đây.
Lãnh đạo huyện đã quyết định cho đội quân mang vũ khí đi vòng theo hướng lên Đồng Làng (Hiệp Đức) và hướng của huyện Trà My để chuyển vũ khí lên tăng viện thêm cho lực lượng vũ trang địa phương.
Vậy là thêm một ngày trôi qua trong tang thương và căng thẳng, trong khi đó do đường sá xa xôi lại xấu nên lực lượng của huyện và tỉnh không thể nào hành quân một cách nhanh chóng được. Ông Dư nhớ lại: Đêm đó, tất cả chúng tôi ai cũng lo lắng, nhất là bà con trong làng thì phải vào nhà đóng cửa, lực lượng du kích, xã đội thì túc trực tại các điểm chốt chặn, đề phòng chúng quay trở lại giết hại bà con.
Mặc dù đã xác định được nơi ẩn náu của Minh bớt và đồng bọn, đã bố trí các điểm chốt chặn để phòng ngừa… Vậy mà, 1 giờ sáng ngày 21/1/1980, bọn chúng đã luồn lách xuống núi để đột nhập vào nhà bà Tăng Thị Xoa, dùng 4 khẩu súng uy hiếp và trực tiếp cạy tủ cướp đi 1 chỉ vàng, 100 đồng và nhiều tài sản khác rồi lên núi để tiếp tục ẩn náu và kháng cự.
Tối 21/1/1980, chúng lại xuống núi, đem tiền, vàng về cho vợ Dũng, rồi mang lương thực trở lên núi Bằng Trĩ. Khi đi lên, chúng phát hiện thấy một nhóm du kích của xã gồm 5 đồng chí: Đặng Văn Hiệp, Tô Bình; Nguyễn Văn Phẩm; Tân Định và Nguyễn Văn Mười đang nằm mai phục. Minh bớt đã ra lệnh cho đồng bọn nổ súng bắn chết ngay tại chỗ 3 du kích, hai người bị thương thoát chết là anh Hiệp và anh Định.
Thêm 3 du kích bị bắn chết, tình hình lại trở nên căng thẳng hơn rất nhiều. Ở trong làng có những gia đình đã manh nha sơ tán vì lo sợ chưa biết điều gì sẽ xảy đến với mình. Lực lượng vũ trang của thôn, xã vẫn bám trụ kiên cường để đề phòng sự manh động tiếp theo của băng nhóm Minh bớt. Rất may là trong đêm đó, vũ khí tăng viện đã đến nơi, nên anh em trong lực lượng vũ trang đã tự tin hơn trong công tác vây ráp quanh sườn núi Bằng Trĩ.
Trước những thông tin đau thương, mất mát ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng Công an và Tỉnh đội khẩn trương phối hợp với huyện Quế Sơn và xã Quế Phước bằng mọi cách phải truy bắt bằng được băng nhóm gây bạo loạn, giết người này.
Ông Trần Văn Đán, lúc bấy giờ là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã chỉ đạo cho ông Nguyễn Rã - Phó giám đốc (sau này ông Nguyễn Rã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hiện nghỉ hưu tại Đà Nẵng) trực tiếp chỉ huy lực lượng tham gia truy bắt. Gần 100 chiến sĩ công an đã khẩn trương hành quân bằng đường bộ đến địa bàn của huyện Duy Xuyên, sau đó cắt đường bằng đường thủy để tiếp cận địa bàn nơi Minh bớt và đồng bọn đang ẩn náu.
Lực lượng quân đội do ông Lý Hải -Tỉnh đội trưởng chỉ huy có nhiệm vụ án ngữ ngay phía đèo Le để đề phòng bất trắc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng công an tỉnh và lực lượng vũ trang địa phương tấn công truy bắt băng nhóm bạo loạn, giết người…
Ngay dưới chân núi Bằng Trĩ, một ban chỉ huy tiền phương được thành lập, do ông Nguyễn Rã làm trưởng Ban, một đồng chí bên Tỉnh đội, một đồng chí của UBND huyện và ông Nguyễn Văn Dư - Bí thư xã Quế Phước làm phó ban. Các kế hoạch tác chiến được đưa ra bàn thảo, tất cả cùng thống nhất xiết chặt vòng vây, bảo vệ cán bộ, nhân dân. Lực lượng chiến đấu bao gồm cả công an, quân đội của tỉnh, huyện và cả du kích, công an xã Quế Phước…
(Còn nữa)