Những kiêng kị khi cúng ông Công ông Táo

21-01-2025 19:23:20

Theo quan niệm dân gian, khi cúng đưa ông Công ông Táo về trời, các gia đình cần lưu ý những điều kiêng kị sau đây.

Không cúng quá sớm

Không cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày Rằm tháng chạp. Nên cúng từ ngày 20 tháng Chạp tức 20/12 âm lịch trở ra.

Không cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp

Có một điều cần phải nhớ trong ngày này, đó là không cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 thán Chạp. Bởi sau 12 giờ trưa là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.

Không rút chân nhang trước khi cúng

Không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.

Tránh thỉnh cầu tài lộc, tình duyên khi cúng ông Táo

Ý nghĩa lớn nhất khi cử hành lễ cúng ông Táo, là nhằm tiễn các vị Táo quân khi các vị về Trời, diện kiến và trình tấu với Đức Vua Cha Ngọc Hoàng diễn tiến của gia chủ trong một năm đã qua.

Do đó, để tránh phạm phải việc khấn sai lạc với ý nghĩa, mục đích của lễ cúng ông Táo, các gia chủ cần hết sức lưu tâm, không phát tâm khẩn cầu các khía cạnh như cầu tài lộc, tình duyên hay sung túc trong lễ này.

Cúng tiền âm phủ

Khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.

Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.

Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Một số món ăn kiêng kỵ khi cúng ông Táo

Khi chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công, ông Táo các bạn cần tránh một số món ăn bị xem là kiêng kỵ như các món làm từ thịt bò, thịt chó, thịt vịt, thịt ngan hay thịt chim.

Không thả cá chép bừa bãi

Không mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết vừa làm ô nhiễm môi trường vừa đen đủi. Nếu phóng sinh cá chép, phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được...

Thực hiện nghi lễ trang trọng

Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Nếu bất khả kháng thì mua lá thơm gồm sả, hương nhu, nếp thơm, mùi thơm... (các loại lá thơm giống như lá dùng để xông giải hàn phong) đun lên tắm rửa sạch sẽ trước khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo.

Người cúng không được ăn cá chép, ăn tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt ba ba, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt... Tất nhiên là sẽ không được ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép... có mùi hôi.

Trong lúc khấn cúng phải giữ tâm thái hoan hỉ, vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.

Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ, gọn gàng, kín đáo... không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn cũn cỡn, quần sóc hở đùi, áo 2 dây trễ ngực... (ăn mặc hở hang...).

* Thông tin mang tính tham khảo.

Thanh Mẫn
Theo Giáo dục & Thời đại //