Những hiểu lầm 'chết người' khiến bệnh quai bị ngày càng nặng hơn

30-01-2018 10:22:26

Kiêng tắm, đồ chua nào cũng ăn vì nghĩ tốt, chữa bệnh bằng kinh nghiệm... là những sai lầm 'chết người' nhiều người mắc phải khiến bệnh không những khỏi mà còn nặng thêm.


Nhiều người cho rằng, người bệnh quai bị không được tắm.​

Bệnh quai bị có phải kiêng tắm?

Theo quan niệm dân gian, một số bệnh lây nhiễm như thủy đậu, quai bị... phải kiêng nước, kiêng gió. Do vậy, nhiều người cho rằng, người bệnh quai bị không được tắm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu mắc quai bị, việc tắm vẫn không gây ảnh hưởng tới xấu tới bạn. Tắm sẽ giúp bạn gột bỏ bụi bẩn, làm sạch cơ thể ngăn ngừa virus, vi khuẩn phát triển. 

Tuy nhiên, khi mắc bệnh quai bị, bạn cần tắm nhanh, tắm bằng nước nóng, tránh ngâm mình trong bồn quá lâu hay tắm bằng nước lạnh.


Việc bổ sung vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi cho người mắc bệnh quai bị là rất cần thiết​

Bệnh quai bị có nên ăn nhiều đồ chua?

Việc bổ sung Vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi cho người mắc bệnh quai bị là rất cần thiết để cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống chọi với bệnh tốt hơn. Nhưng không phải cứ những đồ chua là giàu vitamin C như nhiều người lầm tưởng. Quai bị là bệnh nhiễm trùng của các tuyến nước ngọt, do đó, khi mắc bệnh, bạn không được ăn me, sấu, cóc chua... vì chúng kích thích làm tăng tuyến nước bọt, tăng viêm, sưng.


Người trưởng thành hoàn toàn miễn dịch với quai bị là một hiểu nhầm

Người trưởng thành miễn dịch hoàn toàn với bệnh quai bị?

Một suy nghĩ sai lầm nữa là quai bị chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, tuổi vị thành niên. Người trưởng thành hoàn toàn miễn dịch với quai bị nên không cần có ý thức phòng bệnh. Thực tế, bệnh này có thể gặp ở bất kì đối tượng nào và ở các độ tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm ngừa phòng bệnh trước đó. 

Do hiểu nhầm này, một số người đã chủ quan không nghĩ mình mắc quai bị khi có các dấu hiệu bệnh và khi đến bệnh viện thì đã quá muộn. Khi đó, các biến chứng như viêm tụy cấp, viêm não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng càng dễ xảy ra... 

Lúc này, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, vừa mất thời gian lại tốn kém và phải theo dõi biến chứng trong nhiều năm. 


Tuyệt đối không được dán cao hoặc đắp lá trầu, bôi vôi vào vùng sưng

Chữa bệnh bằng cách "mách nhau"

Một số người hay mách nhau cách trị quai bị bằng miếng dán, cao dán, đắp lá trầu, bôi vôi... Tuy nhiên, miếng dán chỉ có tác dụng giảm đau chứ không có tác dụng chữa bênh.

Khi bạn hoặc trẻ mắc bệnh, tuyệt đối không được dán cao hoặc đắp lá trầu, bôi vôi vào vùng sưng. Làm như vậy sẽ gây nóng, phỏng vùng sưng và dễ gây nhiễm trùng do vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tuyến mang tai. 

Điều này có thể làm tình trạng bệnh trở nên xấu đi, thậm chí gây ra nhiễm trùng máu. Trường hợp sốt cao trên 38ºC, bạn hãy uống thuốc hạ sốt paracetamol. Thuốc này cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả.

Sau khi dùng thuốc giảm đau, bạn cũng không nên dán bất cứ thuốc gì lên chỗ sưng, phải tới cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh các biến chứng của bệnh. 

Nguyễn Diệp (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //