Những đại án kinh tế nghìn tỷ được đưa ra xét xử năm qua

14-02-2018 12:00:43

Đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB, xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tại Oceanbank, tham ô, rửa tiền tại Vinashin... là những đại án kinh tế nghìn tỷ được đưa ra xét xử năm qua.


Phạm Công Danh là một trong những bị cáo gây ra đại án kinh tế nghìn tỷ tại VNCB.

Đại án gây thất thoát 9000 tỷ đồng tại VNCB

Sáng 24/1/2017, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo đó, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của Phạm Công Danh cùng 24 bị cáo và 27 người liên quan, Đồng thời, ghi nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích.

Theo cơ quan điều tra VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Sau đợt tái cơ cấu này, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNBC.

Sau đó, bị cáo Danh đã chỉ đạo hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do chính Danh làm Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc) và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền.

Vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ của mình và tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Tổng cộng trong vụ án này, Phạm Công Danh với vai trò chủ mưu cùng đồng bọn đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Xét xử Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm


Hà Văn Thắm lĩnh án tù chung thân

Từ ngày 28/8- 29/9, Tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Theo cáo buộc, trong khoảng thời gian từ 2009 - 2014, quá trình hoạt động kinh doanh tại Oceanbank đã xảy nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, vi phạm các quy định về cho vay… gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong ảnh: Hà Văn Thắm được dẫn giải tại tòa.

Nguyên nhân là do hành vi phạm tội của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) cùng nhiều đối tượng trong ban điều hành, lãnh đạo các khối nghiệp vụ ở hội sở, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch và các đối tượng có liên quan khác.

Hành vi chi lãi ngoài hơn 1.576 tỷ đồng của các bị cáo phạm các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản. 

Ngoài ra, việc để Oceanbank thất thoát 500 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sau 1 tháng xét xử và nghị án, Hà Văn Thắm bị tuyên 4 tội danh: Tham ô tài sản Chung thân; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 19 năm; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 20 năm; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 18 năm. Tổng hợp hình phạt: chung thân.


Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình.

Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa tuyên 4 tội danh: Tham ô tài sản Tử hình; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản Chung thân; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 17 năm. Tổng hợp hình phạt: Tử hình

Trong vụ án này, Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lĩnh án 14 năm tù (trước đó Danh bị tuyên 30 năm tù trong vụ án khác); Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Phú Mỹ, Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bị tuyên phạt 17 năm tù. 

Các bị cáo là cựu giám đốc hội sở của Oceanbank đồng loạt được giảm án. Các bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch được tòa tuyên án treo. Một số bị cáo bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ. Sau phiên xét xử, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và 29 đồng phạm đã gửi đơn kháng cáo.

Xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga


Châu Thị Thu Nga lĩnh án tù chung thân.

Ngày 16/10, nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài TAND đã quyết định tuyên phạt đối với Châu Thị Thu Nga, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Housing Group cùng 9 đồng phạm trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hơn 377 tỷ đồng của khoảng 400 khách hàng tại dự án chung cư B5 Cầu Diễn.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 11/2010, Dự án B5 Cầu Diễn chưa được giao cho Liên doanh công ty Housing Group và Công ty HAIC làm chủ đầu tư. Từ năm 2011, dự án cũng chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý lên cổng thông tin điện tử của công ty là Liên doanh công ty Housing Group và công ty HAIC là chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn.

Bà Nga còn thuê lập mô hình Dự án B5 Cầu Diễn theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt để tại sảnh trụ sở công ty Housing Group, chỉ đạo thi công cọc khoan nhồi tại khu đất Dự án B5 Cầu Diễn, để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai.

Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ ngày 9/1/2009 đến ngày 30/7/2013, Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách. 

Châu Thị Thu Nga được xác định là người cầm đầu, chỉ đạo các thuộc cấp của mình cố tình thu tiền của khách hàng khi dự án chưa được phê duyệt. Số tiền hơn 377 tỷ đồng thu của khách, Nga mới trả lại gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng, còn lại hơn 348 tỷ đồng, Châu Thị Thu Nga đã chiếm đoạt và sử dụng. 

HĐXX tuyên phạt Châu Thị Thu Nga mức án tù chung thân; các bị cáo khác từ 36 tháng tù treo đến 6 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, có 220 đơn kháng cáo, con số kỷ lục tại TAND TP Hà Nội.

Tham ô, rửa tiền tại Vinashin


Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa.

Tháng 2 và tháng 8/2017, đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines) được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. 

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, tuyên phạt Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt mức án tử hình, Trần Văn Khương (cựu kế toán trưởng) mức án chung thân về tội Tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển nhận mức án 12 năm tù giam về tội rửa tiền.

Theo cáo buộc, trong thời gian lãnh đạo Vinashinlines, Trần Văn Liêm (cựu Tổng giám đốc Vinashinlines - ảnh giữa) và thuộc cấp đã thực hiện thỏa thuận với đối tác để nhận hoa hồng trong việc mua tàu, nhận chênh lệch ngoài hợp đồng cho thuê tàu… để chiếm đoạt 260 tỷ đồng. Phần tiền tham ô của Giang Kim Đạt trong vụ án này được chuyển vào tài khoản ngân hàng để Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt) rút ra mua nhà, đất và các tài sản có giá trị.

Trần Văn Liêm hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh hưởng lợi 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương – cựu kế toán trưởng hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng. 

Để cho giấu việc nhận tiền phi pháp, các bị cáo đã nhờ bị cáo Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt mở 22 tài khoản ngoại tệ để nhận tiền của các công ty gửi về. Số tiền này được Giang Văn Hiển rút ra để mua bất động sản, mua ô tô…

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //