Nhờ mạng xã hội Facebook, hàng loạt phương tiện bị CSGT xử lý
Nhờ những hình ảnh do người dân cung cấp trên trang Facebook của Công an TP Hà Nội, phòng CSGT - Công an TP đã "phạt nguội" không ít trường hợp vi phạm giao thông.
Hình ảnh phản hồi của Công an TP HN trên trang Facebook sau khi xử phạt nguội tài xế ôtô vi phạm giao thông thông qua hình ảnh người dân cung cấp. Ảnh: Vnexpress.
Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TP Hà Nội đang thí điểm "phạt nguội" vi phạm giao thông qua hình ảnh do người dân cung cấp trên trang Facebook của Công an TP Hà Nội. Qua bốn tháng thí điểm, lực lượng chức năng đã xác minh, xử lý hàng chục trường hợp tài xế ôtô, xe máy vi phạm trên các tuyến đường ở trung tâm thủ đô.
Về quy trình xử lý, đại diện PC08 cho biết, hàng ngày trang Facebook của Công an TP Hà Nội tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân về tất cả các lĩnh vực, trong đó có các hình ảnh vi phạm giao thông; cán bộ trực sẽ phân loại và gửi cho Phòng CSGT xử lý.
Theo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, mới đây nhất, ngày 28/10, trang Facebook Công an TP Hà Nội nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc tại khu vực vòng xuyến Mê Linh Plaza có chiếc xe khách và xe container đi ngược chiều trên đường Võ Văn Kiệt hướng đi Nội Bài.
Ngay sau đó, ban quản trị đã chuyển thông tin đến Phòng CSGT. Hai tài xế bị mời đến làm việc và thừa nhận hành vi vi phạm của mình. CSGT sau đó lập biên bản vi phạm hành chính đối với cả hai về hành vi đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều.
Hay như hồi đầu tháng 10/2019, cũng thông qua trang Facebook, Công an TP Hà Nội nhận tin báo của người dân về việc một chiếc xe khách nhồi nhét hành khách. Nhận được thông tin, Đội CSGT số 14 ngay lập tức chỉ đạo tổ tuần tra tổ chức chốt chặn và xử lý kịp thời.
Hai chiếc xe đi ngược chiều bị người dân chụp ảnh rồi gửi cho Công an TP Hà Nội thông qua Facebook. Ảnh: Pháp luật TP.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, để xử phạt nguội một trường hợp vi phạm, theo lãnh đạo PC08, đơn vị phải mất nhiều thời gian xác minh xem ảnh có cắt ghép không, tìm chủ phương tiện rồi gửi giấy mời đến trụ sở làm việc. "Nếu xe vi phạm đã sang tên đổi chủ thì rất dễ xử lý tài xế, còn trong trường hợp ngược lại thì gần như không thể xử phạt", vị này cho biết.
Cùng quan điểm trên, khi trao đổi với báo Người lao động, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông Cục CSGT - Bộ Công an, cho rằng trong thời gian qua đã có rất nhiều địa phương phạt nguội đối với những trường hợp vi phạm do người dân cung cấp. Việc người dân quay phim, chụp ảnh các hành vi vi phạm an toàn giao thông ngoài đường đã được lực lượng CSGT các địa phương quan tâm xử lý, là thực hiện đúng theo quy định của luật pháp.
"Khi tiếp nhận những nguồn này, lực lượng chức năng xác minh qua điều tra hành chính. Ví dụ, người dân gửi clip thì chúng tôi phải xác minh thời gian, địa điểm, phương tiện và con người vi phạm… và người cấp tin sẽ là người làm chứng. Khi đầy đủ những chứng cứ, chứng minh vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt" - thượng tá Nhật giải thích.