Nam Định: Nhiều hành vi gian dối nhằm xâm nhập ‘vùng xanh’
Lợi dụng xe luồng xanh, xe cứu thương chở người từ vùng dịch về; làm giả con dấu, tài liệu để “thông chốt”; không khai báo y tế, không dừng kinh doanh dịch vụ khi có lệnh tạm dừng…là những hành vi vi phạm phổ biến khiến những tỉnh đang nỗ lực bảo vệ “vùng xanh” nội tỉnh như Nam Định đang phải căng sức “chống đỡ”…
Xe luồng xanh, xe cứu thương “tranh thủ” kiếm tiền mùa dịch
Chiều 30/9, thông tin tại hội nghị giao ban báo chí tháng 9 do Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định tổ chức, Đại tá Bùi Quyết Toán, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay từ đầu năm đến nay, các lực lượng thuộc Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý; phối hợp xử lý hàng loạt vụ việc, hành vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Đại tá Bùi Quyết Toán thông tin tại hội nghị.
Trong đó, đã khởi tố 4 vụ liên quan quan đến các hành vi “vi phạm về quy định an toàn nơi đông người’, “chống người thi hành công vụ”, “làm giả con dấu, tài liệu”.
Ngoài ra, Công an tỉnh đã phối hợp xử lý vi phạm hành chính 291 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt 441 triệu đồng; 16 cơ sở kinh doanh không chấp hành tạm dừng kinh doanh, phạt hơn 260 triệu đồng; 15 trường hợp không chấp hành cách ly tại nhà, phạt hơn 92 triệu đồng; 5 trường hợp khai báo sai sự thật/không khai báo y tế, phạt hơn 31 triệu đồng; 10 trường hợp không chấp hành yêu cầu xét nghiệm, phạt 27 triệu đồng; 6 trường hợp ra đường không cần thiết, phạt 8 triệu đồng; 11 trường hợp chở người về từ vùng dịch, phạt 50 triệu đồng, 1 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, phạt 3,5 triệu đồng…
Trong số các hành vi vi phạm, theo Đại tá Bùi Quyết Toán, đáng lo ngại nhất là hành vi lợi dụng xe luồng xanh, xe cứu thương để chở người từ vùng dịch về địa bàn Nam Định.
“Việc đăng ký phương tiện luồng xanh giờ đây rất đơn giản, chỉ cần qua điện thoại, diện được cấp lại rất rộng do vậy việc kiểm soát là rất vất vả”, ông Toán nhìn nhận và cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe lợi dụng việc được cấp thẻ luồng xanh nhận chở người từ vùng dịch về Nam Định, với giá từ 2-5 triệu đồng”.
“Như trường hợp người ở huyện Hải Hậu, thuê xe từ luồng xanh từ vùng dịch ở miền Nam về Nam Định. Về đến chốt kiểm soát Cao Bồ (ranh giới giữa Nam Định và Ninh Bình) thì được lái xe trả xuống. Khi đó, lực lượng liên ngành của tỉnh phải tiếp nhận, đưa vào khu cách ly. Khi được xét nghiệm thì dương tính”, Phó Giám đốc Công an Nam Định thông tin.
Đáng nói, theo ông Toán: “Khi được hỏi thông tin về chiếc xe họ đi như biển biển số, tên lái xe thì hoàn toàn không biết do vậy không thể truy vết tiếp để thông tin tới địa phương nơi có lái xe. Trong khi ngồi cùng xe thì chắc chắn lái xe cũng bị dính dương tính”.
“Có trường hợp, công dân muốn về Thái Bình nhưng không thể về thẳng nên tìm cách xâm nhập địa bàn Nam Định rồi từ đây tìm cách về Thái Bình bằng đường “tiểu ngạch” như qua cách đò, phà trên sông Hồng”, vị Đại tá nói thêm về thực trạng vi phạm.
Tình trạng lợi dụng xe luồng xanh, xe cứu thương để chở người về từ vùng dịch, theo đại diện cơ quan chức năng ở Nam Định là rất nhiều.
Về tình trạng lợi dụng xe cứu thương, ông Toán cho hay việc này cũng rất phổ biến. “Ban đầu do xác định đây là xe ưu tiên nên lực lượng công an cũng chưa kiểm soát kỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì phát hiện nhiều trường hợp đã lợi dụng phương tiện được ưu tiên này để chở người đi lại”, ông Toán phản ánh và cho biết “Biện pháp ngăn chặn của chúng tôi là nếu chở người từ vùng dịch như Hà Nội về thì phải có giấy thông báo đón người của các bệnh viện ở đây; nếu chở người từ Nam Định đi Hà Nội thì phải có giấy chuyển viện”.
Liên quan đến phản ánh tại các chốt kiểm soát ra vào Nam Định có tình trạng xe trở hàng bị ùn ứ do việc kiểm soát vẫn còn nặng tính thủ công, mất nhiều thời gian, chưa tăng cường ứng dụng công nghệ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết sẽ kiểm tra, xác minh thông tin.
“Yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm soát dịch là phải chặt chẽ mà chặt chẽ thì không thể tránh khỏi ùn ứ. Trong khi, nếu bất cẩn, để yếu tố dịch xâm nhập địa bàn thì lực lượng công an chúng tôi phải chịu trách nhiệm đầu tiên”, ông nói.
Liên hệ với thực tế các ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng ở Nam Định từ trước đến nay đều có nguyên nhân xâm nhập về từ vùng có dịch, địa điểm có dịch cho thấy các hành vi gian dối nhằm “thông chốt” về Nam Định trên rất đáng lo ngại.
Ứng xử với người liên quan đến các F: mỗi địa phương một kiểu
Trong khi đó, phản ánh với Đại Đoàn Kết Online, một số cá nhân, doanh nghiệp ở Nam Định cho biết ở tỉnh đang có tình trạng có cùng yếu tố dịch tễ nhưng chính quyền mỗi nơi trong tỉnh lại đang áp dụng các biện pháp xử lý có cấp độ hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, theo phản ánh của đại diện một doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải ở Nam Định, mới đây 10 công nhân của công ty có đến thu gom rác thải tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam có người sau đó được xác định dương tính. 10 công nhân sau đó đã được xét nghiệm PCR, cho kết quả âm tính.
Nhưng khi về thực hiện khai báo y tế ở địa phương thì 4 người cư trú ở huyện Nam Trực được chính quyền áp dụng biện pháp đưa đi cách ly tập trung 1 tuần, sau đó tiếp tục cách ly ở nhà 14 ngày. Trường hợp cư trú ở huyện Vụ Bản thì chính quyền áp dụng biện pháp cho cách ly tại nhà, treo biển thông báo cho cộng đồng biết, vợ không được đi làm, con cũng phải nghỉ học. Trường hợp trú ở phường Mỹ Xá (TP Nam Định) thì chính quyền cho cách ly tại nhà nhưng vợ, con thì không bị liên đới.
“Riêng trường hợp trú ở huyện Bình Lục (Hà Nam) thì sau khi đến khai báo chính quyền địa phương không áp dụng bất cứ biện pháp nào. Công ty chỉ cầu công nhân này tự cách ly tại nhà, được mấy hôm thấy không vấn đề gì lại thôi”, đại diện công ty phản ánh.