Kiềm chế hắt hơi có thể làm vỡ cổ họng, thủng màng nhĩ
Kiềm chế cơn hắt hơi có thể làm vỡ cổ họng, thủng màng nhĩ hoặc làm vỡ mạch máu trong não của bạn. Đó là lời cảnh báo được các bác sĩ đưa ra trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa BMJ Case Reports số ra mới đây.
Bác sĩ cảnh báo việc kiềm chế hắt hơi là rất nguy hiểm. Ảnh: hindustantimes.com
Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 cho thấy rằng hắt hơi có thể đẩy không khí ra khỏi mũi của bạn với tốc độ gần 10 mph (4,5 mét/giây). Trong lúc hắt hơi, tất cả áp suất không khí tích tụ trong phổi của bạn sẽ thoát qua mũi. Tuy nhiên, nhiều người khi cảm thấy muốn hắt hơi, lại kiềm cơn hắt hơi bằng cách bịt mũi, mím chặt miệng khi hắt hơi nhằm ngăn lực bùng nổ.
Bác sĩ cảnh báo việc kiềm chế hắt hơi là rất nguy hiểm khi viện dẫn trường hợp của một bệnh nhân 34 tuổi bị cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Leicester, Anh. Người này đã kiềm cơn hắt hơi bằng cách bịt mũi và mím chặt miệng. Kết quả là cổ anh ta bị sưng đau đớn, khiến anh ta không thể nuốt hoặc nói chuyện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân này được cho ăn bằng ống xông và tiêm thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch cho đến khi cổ giảm đau và sưng.
Theo các bác sĩ, khi chặn đường thoát không khí bằng cách bịt mũi hoặc mím chặt miệng trong lúc hắt hơi, không khí sẽ bị đẩy vào tai. Áp lực không khí sẽ có thể đi vào tai giữa và gây ảnh hưởng xấu lên màng nhĩ, có thể dẫn đến mất thính giác hoặc chóng mặt kéo dài.
Ngoài tai, việc cố kiềm cơn hắt hơi có thể đem đến nhiều ảnh hưởng khác như gây co giật và làm mạch máu vỡ ra dẫn đến những cơn ngạt thở, gây thương tích cơ hoành - một cơ ngang trải dài qua phía dưới xương sườn.
Bên cạnh đó, một sự gia tăng đột ngột áp lực do hắt hơi bị tắc có thể làm vỡ các mạch máu não, gây thương tích cổ hoặc ảnh hưởng xấu đến những người vừa phẫu thuật xoang trong thời gian trước đó. Trong những trường hợp cực đoan nhất, việc kìm hắt hơi có thể gây ra đột quỵ dẫn đến tử vong. Do vậy, các bác sĩ cảnh báo việc kiềm chế cơn hắt hơi là một hành vi rất nguy hiểm và cần tránh làm như vậy.