Hôm nay 28/2 "siêu lừa" Huyền Như hầu tòa trong vụ án mới

28-02-2018 07:27:32

Hôm nay TAND TPHCM xét xử sơ thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm hầu tòa trong vụ án mới xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank).


Hôm nay 28/2 "siêu lừa" Huyền Như hầu tòa trong vụ án mới. Ảnh Tiền phong.

TAND TP HCM đưa 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Navibank trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ra xét xử từ ngày 28/2 đến 16/3.

Là người giữ vai trò cầm đầu vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này được tách ra thành vụ án khác và đã xét xử trước Tết, Vnexpress đưa tin.

Theo nội dung vụ án, năm 2010-2011, Như cần tiền trả nợ do thua lỗ chứng khoán và bất động sản, nên đã lợi dụng danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch, huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi chiếm đoạt.

Chị ta thỏa thuận với đại diện, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất ngoài, phí môi giới… Sau khi các tổ chức cá nhân này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại Vietinbank, Như làm giả hợp đồng tiền gửi của họ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản chuyển tiền đi trả nợ. Trong số gần 4.000 tỷ đồng chiếm đoạt, Navibank bị thiệt hại 200 tỷ đồng.

Tháng 11/2010, Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được gửi các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao. Huyền Như thông qua Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh TPHCM) để thỏa thuận với Navibank gửi tiền vào VietinBank với lãi suất 16,5%/năm, lãi ngoài hợp đồng từ 2,5 đến 8,5%/năm, theo báo Tiền phong.

 Hám lợi, lãnh đạo Navibank đồng ý và chọn một số nhân viên các Phòng của Hội sở Navibank đứng tên gửi tiền vào  VietinBank.

Ông Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) giao Nguyễn Giang Nam (nguyên phó giám đốc Navibank) tổ chức thực hiện, sau đó ông Nam giao lại cho một số cán bộ Navibank cùng thực hiện. 

Từ ngày 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, 14 nhân viên Navibank đã đứng tên ký 47 hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, gửi trên 1.500 tỷ đồng. Huyền Như đã trả ngay gần 9,5 tỷ đồng tiền lãi ngoài sau khi ký hợp đồng tiền gửi.

Hồ sơ của Cơ quan điều tra cho thấy, Huyền Như đã lập giả 47 hợp đồng tiền gửi giữa VietinBank Chi nhánh Nhà Bè với 14 nhân viên Navibank bằng cách ký giả chữ ký Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. 

Sau đó giao cho phía Navibank để lấy chữ ký của 14 nhân viên. Khi tiền vào tài khoản 14 nhân viên tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản chuyển tiền ra tài khoản để sử dụng theo mục đích của Huyền Như. Đến hạn thanh toán Huyền Như chuyển trả tiền vào các tài khoản để thực hiện tất toán các hợp đồng.

Sau khi tất toán “phi vụ” hơn 1.500 tỷ đồng nêu trên, từ ngày 15/5/2011 đến ngày 27/11/2011, Navibank tiếp tục cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỷ đồng gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. 

Do thời điểm này Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm, số tiền chênh lệch trên 15 tỷ đồng đã được Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. 

Đến tháng 7/2011, Võ Anh Tuấn lấy lý do chuyển công tác về VietinBank Chi nhánh TPHCM, cần tăng hạn mức huy động cho VietinBank Chi nhánh TPHCM nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại VietinBank Chi nhánh TPHCM.

Do Huyền Như đã rút tiền từ trước nên Huyền Như đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank, sau khi các nhân viên chuyển tiền vào VietinBank Chi nhánh TPHCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. 

Đến ngày 7/9/2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Huyền Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.

Dù Huyền Như được xác định là người lừa đảo chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng, nhưng theo Quyết định triệu tập của chủ tọa phiên toà, thẩm phán Vũ Thanh Lâm thì Huỳnh Thị Huyền Như sẽ ra tòa với tư cách “Nhân chứng” và “Người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”.

Lý giải điều này, ông Lâm cho biết do Huyền Như đã bị kết án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chung trong  vụ “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, nên không thể cùng tội danh và hành vi mà xét xử Huyền Như hai lần.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //