Các mẹ nên làm gì khi con bị xâm hại tình dục?
“Trong điều trị bệnh trầm cảm, khoảng thời gian 2 tuần đầu tiên được coi là “thời gian vàng” để điều trị. Nếu điều trị tích cực, kịp thời, bệnh nhân sẽ hoàn toàn khỏi bệnh".
Gần đây, cơ quan chức năng liên tục tiếp nhận thông tin và thụ lý các vụ ấu dâm, xâm hại tình dục. Tội ác của những kẻ ấu dâm khiến cả xã hội sục sôi, bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng phải nhanh chóng xử lý để bảo vệ nạn nhân.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đây là điều hoàn toàn sai lầm của gia đình bệnh nhân và cơ quan chức năng. Bởi sự vào cuộc ráo riết và quyết liệt này có thể khiến nạn nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn, thậm chí trầm cảm.
Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Phương cho rằng, gia đình và cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật khéo léo để bảo vệ nạn nhân trước rồi mới ưu tiên điều tra, phá án.
Bác sĩ Tô Thanh Phương tư vấn cách xử lý khi người nhà bị xâm hại tình dục
Bác sĩ Phương kể, cách đây mấy tháng, một bé gái khoảng 15 tuổi bị cưỡng hiếp khi một mình từ Hà Nội lên Tuyên Quang chơi. Sau khi thoát khỏi tay kẻ bệnh hoạn, bé gái rơi vào tình trạng hoảng loạn.
Nạn nhân chẳng nhớ gì về nhà cửa, số điện thoại của gia đình nên đi lang thang khắp nơi. Thấy biểu hiện bất thường của cô bé, công an địa phương đã đưa em về đồn.
Sau khi được tĩnh tâm trở lại, bé gái bị xâm hại tình dục đã dần nhớ được số điện thoại của gia đình. Nhờ đó, công an địa phương liên lạc để gia đình lên đón cháu về.
Về nhà, cô bé có nhiều biểu hiện bất thường. Bé hoảng loạn, nhiều lúc la hét, chửi mắng người nhà dù không có lý do và rơi vào tình trạng trầm cảm. Gia đình đã phải đưa em vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị.
Sau một thời gian, nhờ áp dụng các liệu pháp tâm lý, trị liệu, bé gái 15 tuổi đã linh hoạt trở lại. Bé đã nhớ được chuyện gia đình, không còn la hét, chửi bởi. Các bác sĩ xác định bé đã hết bệnh nên được xuất viện về với gia đình.
Bác sĩ Tô Thanh Phương nhận xét, tình trạng của bệnh nhi nói trên thuộc loại trầm cảm tâm căn, tức căn nguyên bệnh tật do tâm lý sinh ra. Theo bác sĩ Phương, trong 2 tuần tuần đầu tiên sau khi bị xâm hại, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ, khí sắc thay đổi.
Giai đoạn đầu nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng stress. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm bệnh lý.
“Trong điều trị bệnh trầm cảm, khoảng thời gian 2 tuần đầu tiên được coi là “thời gian vàng” để điều trị. Nếu điều trị tích cực, kịp thời, bệnh nhân sẽ hoàn toàn khỏi bệnh, nếu để thành trầm cảm bệnh lý thì chữa rất lâu”, bác sĩ Phương nói.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, hiện nay, nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục mà biết được thủ phạm, gia đình thường làm toáng lên. Chẳng hạn như sang tận nhà để làm to chuyện, tố cáo với cơ quan điều tra hòng đưa kẻ biến thái ra tòa.
Đây là suy nghĩ rất thông thường và nhiều gia đình vẫn làm như vậy. Khi cha mẹ phát hiện con em mình là nạn nhân vụ hiếp dâm, xâm hại tình dục thì gia đình thường báo cơ quan chức năng và đến gia đình kẻ tình nghi để "làm cho ra nhẽ".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương thì việc này có thể gây cho nạn nhân stress, tăng nguy cơ trầm cảm, hoảng loạn.
Bởi lúc này, nạn nhân sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại của cơ quan chức năng. Đây là điều rất không nên, bởi nạn nhân đang trong cơn hoảng loạn, lại đối mặt với hàng loạt vấn đề điều tra, khiến áp lực nặng hơn nên càng lo sợ và nhanh chóng rơi vào tình trạng trầm cảm.
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Phương cho biết, khi bị trầm cảm do xâm hại tình dục, bệnh nhân cần chia sẻ với người nhà, người thân để giải tỏa nỗi u uất dồn nén trong lòng. Đồng thời, trong thời gian 2 tuần đầu, gia đình nên giải quyết nhẹ nhàng vụ việc để tránh các sang chấn tâm lý cho bệnh nhân.
Trong trường hợp hiếp dâm, lạm dụng tình dục xảy ra thì cả gia đình và cơ quan chức năng cũng phải lưu ý đến tình trạng của nạn nhân. Từ tình trạng cụ thể từng nạn nhân mới đưa ra phương án phá án để bảo vệ sức khỏe cho nạn nhân.
Thay vì quyết làm cho ra nhẽ mọi chuyện ngay lập tức, người nhà nên đưa nạn nhân bị xâm hại tình dục đi tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân không bị hoảng loạn. Đồng thời, tích cực chia sẻ, trò chuyện hoặc tạo không khí vui vẻ, hạn chế để bệnh nhân gặp phải các tình huống căng thẳng, ức chế.