Hàng nhập lậu thông qua chuyển phát nhanh: Vẫn khó kiểm soát
Thông tin trên được nhiều doanh nghiệp, lực lượng chức năng cho biết tại Tọa đàm Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hưu trí tuệ, tổ chức tại TPHCM, ngày 6/12.
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: Cục QLTT TPHCM.
Tại tọa đàm, một số đại diện các sản phẩm bày tỏ sự quan ngại về tình trạng hàng nhập lậu thông qua chuyển phát nhanh quốc tế gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Bà Nguyễn Thị Kỳ Duyên - đại diện nhãn hàng Toshiba cho biết: Hàng giả được sản xuất và chia nhỏ để bán rất nhiều. Nhãn hàng đang gặp khó khi hàng giả như thẻ nhớ, USB... theo hàng chuyển phát nhanh ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Lo lắng về hàng chuyển phát nhanh nhỏ lẻ, bà Nguyễn Thị Bảo Hằng - Luật sư sở hữu trí tuệ của Công ty Luật Hoami, đại diện nhãn hàng Apple cho biết: Tình trạng hàng giả của Apple được chuyển phát nhanh thông qua các bao kiện nhỏ rất nhiều. Nếu góp nhặt các kiện hàng này lại thì số lượng không nhỏ.
Theo ông Trần Kỳ Lân - Trưởng phòng phòng chống buôn lậu, Cục Hải quan TPHCM, thời gian gần đây, do thương mại điện tử phát triển mạnh nên xuất hiện tình trạng chia nhỏ, chia lẻ đơn hàng để đưa vào Việt Nam. Song, với lượng lớn hàng bán trên thương mại điện tử không tránh được tình trạng hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trà trộn vào.
Theo Tổng cục Hải quan, chênh lệch về giá giữa hàng hóa trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài cũng là yếu tố để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hướng tới. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế phát triển rất nhanh chóng.
Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn. Ngoài ra, rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư.
Ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ: Trong nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được các đối tượng cất giấu tại các nơi ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử) để bán hàng hóa vi phạm, vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng ngành Hải quan, trong 9 tháng năm 2024 toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 21 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 128 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 522,48 tỷ đồng. Trong số các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, xử lý, nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại... Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS, Apple...
Dự báo trong những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.