Giá vàng hôm nay 26/4: Chứng khoán sụt giảm, vàng, USD cùng tăng

26-04-2019 10:25:51

Giá vàng hôm nay (26/4): Dù chưa có thông tin tốt, giá vàng vẫn tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp, vàng Rồng Thăng Long tăng mạnh 100 nghìn đồng 1 lượng.

Theo diễn biến giá vàng trong nước vào sáng sớm nay, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở ngưỡng 36,18 - 36,37 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 50 nghìn đồng cả hai chiều so với hôm qua.

Tại Tập đoàn Vàng Đá quý DOJI, giá vàng thương hiệu này được niêm yết ở mức 36,22 - 36,35 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 30 nghìn đồng chiều bán ra.

Tập đoàn Phú Quý cũng tăng mạnh 60 nghìn đồng chiều mua vào và 40 nghìn đồng chiều bán ra với giá vàng SJC lên mức 36,25- 36,33 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp này niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,25-36,31 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng chiều mua vào và 20 nghìn đồng chiều bán ra.

Tăng mạnh nhất là giá vàng Rồng Thăng Long với mức tăng 100 nghìn đồng hai chiều lên mức 36,11-36,56 triệu đồng/lượng. Dự kiến, trong phiên giao dịch sáng nay giá vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ.


Giá vàng hôm nay đã tăng trở lại.

Mở cửa phiên giao dịch trên thị trường châu Á, giá vàng thế giới sáng nay được giao dịch quanh mức 1.279 USD/ounce, tăng 1,30 USD/ounce (0,10%). Đà tăng của kim loại quý xác lập từ phiên hôm qua, nhất là nửa cuối phiên giao dịch hôm qua trên thị trường Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam).

Điểm đáng chú ý nhất là dù giao dịch trong biên độ hẹp 1.275-1.280 USD nhưng giá vàng đã giữ vững trên ngưỡng 1.275 USD/ounce thậm chí còn xác lập đỉnh trong phiên lên tới 1.283,50 USD/ounce.

Đà tăng được duy trì tới hết phiên, ghi nhận phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của kim loại quý trong tuần này. Giới đầu tư kỳ vọng giá vàng có thể xác lập đáy để định hình xu hướng tăng giá mới. Phiên hôm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 0,60 USD/ounce lên mức 1.280,00 USD/ounce.

Trong hai phiên, giá vàng tăng trong bối cảnh chỉ số USD tăng cao đạt mức cao nhất trong hai năm nhưng đã giảm nhẹ trong phiên đêm qua. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng đang ở mức cao kỷ lục.

Chỉ số chứng khoán châu Á và châu Âu tăng giảm đan xen trong bối cảnh đón nhận thông tin GDP giảm 0,3% trong quý đầu tiên, mức yếu nhất trong hơn 10 năm. Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản cũng được dự báo sẽ không có ý định thắt chặt chính sách tiền tệ sớm để hỗ trợ sự phát triển kinh tế.

Trong một tin tức khác đêm qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cho biết có khả năng tăng lãi suất (lãi suất hiện tại là -0,25%). Trước đó, cơ quan này đã đưa ra thông điệp có thể bắt đầu tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2019.

Giới phân tích cho rằng, để giữ được đà tăng trong bối cảnh phải cạnh tranh với thị trường chứng khoán và ngoại hối như vậy, kim loại quý cần một “chất xúc tác” để “châm ngòi” cho sự tăng giá. Và trong bối cảnh hiện nay đó là một điều khó khăn.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế. Mục tiêu giảm giá tiếp theo của giá vàng trước mắt là 1.275,20 và sau đó là 1.267,90 USD/ounce. Ngược lại, nếu tăng giá thành công, giá vàng sẽ phải vượt qua ngưỡng kháng cự 1.284,80 và sau đó là 1.290 USD/ounce.

Rose
Theo Đời sống Plus/GĐVN //