Điểm yếu 'chết người' của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier
Cùng là trung vệ, nhưng Duy Mạnh cả trận chạm bóng 65 lần, ít hơn 25% so với Tuấn Tài 86 lần. Xử lý bóng hỏng 11 lần, với tỷ lệ là 16,9%, nhiều hơn nhiều tỷ lệ 3,4 % của Tuấn Tài với chỉ 3 lần chuyền hỏng. Câu hỏi là tại sao HLV Troussier đã không thay Duy Mạnh ra?
ĐT Việt Nam đã để thua 0 - 2 trong trận giao hữu với ĐT Trung Quốc. Qua các tình huống trên sân, có thể thấy, trình độ của ĐT Trung Quốc và ĐT Việt Nam đúng như HLV Troussier đã nhận định, đó là tương đối cân bằng. Ngoài tỷ số của trận đấu, vì đây là 1 trận giao hữu, nên người hâm mộ bóng đá Việt Nam quan tâm nhất đến việc các cầu thủ của chúng ta thể hiện như thế nào trên sân.
Trong hiệp 1, sau khoảng 15 phút các cầu thủ Trung Quốc chơi pressing tầm cao, gây khó khăn cho các cầu thủ Việt Nam trong việc cầm bóng tổ chức tấn công. Thì phần còn lại của hiệp 1, các học trò của HLV Troussier đá khá tốt. Họ chơi bóng một cách tự tin, cầm bóng nhiều hơn, có nhiều đường chuyền và phối hợp chất lượng hơn đối phương. Cách mà ĐT Việt Nam tạo ra tình huống nguy hiểm cho khung thành đối phương khá rõ nét. Đó là cầm bóng chắc phần sân nhà, sau đó là những đường chuyền cự ly trung bình và dài cho Văn Toàn hay Tuấn Hải.
HLV Troussier. Ảnh: VFF.
Cuối hiệp 2, Tiến Linh vào thay Văn Toàn. Ai cũng biết ý đồ của HLV Troussier là muốn thay đổi cách tiếp cận khung thành đối phương, đặc biệt là khả năng chơi đầu của tiền đạo vào loại hay nhất Việt Nam này. Nhưng thật đáng tiếc, phép thử đã không được thực hiện, khi Tiến Linh sớm bị thẻ đỏ ra sân trong 1 tình huống thiếu kiềm chế rất đáng trách. Và vấn đề muôn thuở của ĐT Việt Nam là khả năng ghi bàn thắng không tốt đã không được giải quyết trong trận đấu này.
Nhưng có 1 vấn đề nghiêm trọng khác xuất hiện ở các cấp ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier, đó là khả năng phòng ngự kém, và nó cũng lại xuất hiện trong trận đấu này. Đầu tiên, có vẻ các cầu thủ trẻ chạy cánh chưa đủ hòa nhập và đảm đương được vị trí mà Đoàn Văn Hậu, Vũ Văn Thanh hay Hồ Tấn Tài để lại. Triệu Việt Hưng và Trương Tiến Anh thi đấu rất năng nổ, tham gia cản phá khá tốt các đợt tấn công của đối phương, nhưng việc phối hợp không tốt với các đồng đội, để mất bóng quá nhiều lại là điểm trừ. Tuy nhiên, đây là những trận đấu đầu tiên của các cầu thủ này trong màu áo đội tuyển quốc gia, việc thiếu hòa nhập hoặc là có các sai số trong phối hợp hay động tác kỹ thuật là điều bình thường. Mặt khác, tìm ra sai số chính là kết quả của thử nghiệm, và trận giao hữu này vốn là 1 thử nghiệm.
Nhưng ở 1 vị trí khác của hàng phòng ngự, do một cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc đảm nhiệm, lại để xảy ra rất nhiều sai sót. Đó là trung vệ Đỗ Duy Mạnh. Chúng ta sẽ cùng so sánh các con số thống kê của Duy Mạnh với người đồng đội cùng vị trí trung vệ nhưng ở biên đối diện của anh, trung vệ Phan Tuấn Tài.
ĐT Việt Nam bế tắc trong tấn công và sai sót trong phòng ngự. Ảnh: Bóng đá.
Ta sẽ thống kê lần lượt, đầu tiên là số lần chạm bóng trong cả trận, tính cả các pha cản phá và phối hợp chuyền bóng. Thứ 2 là số pha xử lý lỗi bao gồm cả chuyền hỏng và để mất bóng. Của Duy Mạnh là 65 lần chạm bóng và 11 pha xử lý lỗi. Của Phan Tuấn Tài là 86 lần chạm bóng và 4 tình huống xử lý lỗi. Nếu căn cứ trên so sánh các thống kê này, ta nhận thấy hiệu suất thi đấu của Duy Mạnh là không tốt, đặc biệt là nếu so sánh với Tuấn Tài, cùng là trung vệ. Số lần chạm bóng ít hơn 25% và tỷ lệ xử lý hỏng là 16,9% so với 3,4% của Tuấn Tài. Câu hỏi đặt ra là tại sao mặc dù như thế nhưng HLV Trioussier vẫn không thay Duy Mạnh ra?
Chắc chắn HLV Troussier biết rất rõ khả năng của các học trò của mình. Ông hiểu Duy Mạnh không giỏi trong việc thực hiện các pha phối hợp nhỏ và muốn khắc phục điểm yếu này. Bằng chứng là trong trận đấu, có rất nhiều các pha phối hợp, mặc dù Duy Mạnh đứng ở vị trí đủ tốt để có thể nhận bóng, nhưng các đồng đội cũng hạn chế chuyền bóng cho anh. Đó là lý do mặc dù tham gia cản phá nhiều, số lần chạm bóng khi cản phá nhiều tương đương Tuấn Tài, nhưng số lần chạm bóng khi tham gia phối hợp ít hơn nên tổng số lần chạm bóng lại ít hơn Tuấn Tài nhiều.
Một con số khác để chứng minh cho việc đội bóng hạn chế việc phải tham gia phối hợp nhỏ của Duy Mạnh, đó là trong khi nhiệm vụ ném biên là của hậu vệ cánh, và trung vệ Tuấn Tài ở cánh bên kia không thực hiện quả ném biên nào, thì Duy Mạnh thực hiện 6 quả ném biên, gần như là tất cả số lần được hưởng ném biên bên phía cánh phải ĐT Việt Nam. Trong đội bóng, trừ các tình huống tranh thủ đưa bóng vào cuộc nhanh, thực hiện nhiệm vụ ném biên thường được giao cho hậu vệ biên. Trong trường hợp này, dường như việc giao cho Duy Mạnh, một trung vệ thực hiện ném biên liên quan đến khả năng phối hợp nhỏ của cầu thủ này.
Duy Mạnh ném biên (Ảnh chụp màn hình).
Thực tế, Duy Mạnh là 1 trung vệ xuất sắc của bóng đá Việt Nam, với thể lực, thể hình tốt, khả năng đọc tình huống, đeo bám, thực hiện các đường chuyền vượt tuyến vào loại tốt nhất trong các trung vệ ở Việt Nam. Anh được phát hiện và phát huy tối đa năng lực trong đội hình chiến thuật thi đấu phòng ngự phản công. Nhưng yêu cầu phải cầm được bóng, phối hợp nhỏ cùng đồng đội không phải là sở trường của anh. Biết vậy, nên HLV Troussier vẫn phải cố sử dụng những điểm mạnh của trung vệ này trong các tình huống truy cản đối phương, đặc biệt là các pha bóng bổng, và tìm cách khắc phục điểm yếu về khả năng phối hợp nhỏ, kiểu như các đồng đội hạn chế chuyền bóng cho anh khi có địa chỉ khác để chuyền.
Mục tiêu của ĐT Việt Nam là World Cup, nơi hầu hết các đối thủ là những đội bóng cửa trên của ĐT Việt Nam và có thể hình cao to. Và muốn hay không thì chúng ta vẫn phải đá phòng ngự phản công. Khi đó, những cầu thủ có thể hình cao to, chơi phòng ngự phản công tốt như Đỗ Duy Mạnh hay Bùi Hoàng Việt Anh lại sẽ phát huy tác dụng. Tất nhiên, một mặt, chúng ta cũng nhận thấy HLV Troussier còn quá nhiều việc phải làm để khắc phục các điểm yếu của hàng hòng ngự của ĐT Việt Nam.