Lời tòa soạn: Để Hà Nội "sạch lề đẹp lối", hàng nghìn công nhân môi trường đô thị đã âm thầm đổ mồ hôi công sức không quản ngày đêm, bất kể nắng mưa, bão bùng, "phơi" mặt ngoài đường.

Không những thế, bởi "sứ mệnh" giữ Thủ đô sạch đẹp mà nhiều công nhân môi trường đã phải trọn đời mang thương tật, thậm chí bỏ mạng. "Nghề rác" vốn ít được coi trọng nhưng lại chất chứa rất nhiều nỗi đau… 

Đau thương "phu rác": "Nếu khỏe lại, tôi sẽ tiếp tục làm công nhân môi trường"

Sau tai nạn kinh hoàng trên đường đi thu gom rác, sức khỏe giảm sút nhưng người công nhân môi trường ấy vẫn ấp ủ mong ước cháy bỏng là mong khỏe lại để tiếp tục thực hiện công việc mang lại sạch đẹp cho những con phố của thủ đô.
Lần thứ hai trong đời mẹ dắt con tập đi

Con đường nhỏ của thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều đặn từ 17h chiều đến lúc trời chập choạng tối, người dân vẫn thấy một người thanh niên khuôn mặt sáng láng, da trắng, dáng cao gầy, đôi chân bước đi tập tễnh, không chắc chắn vịn trên đôi vai người mẹ nhỏ bé để tập đi.

Đó là anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1990, công nhân quét rác chi nhánh Hai Bà Trưng, Công ty TNHH MTV Môi trườngĐô thị Hà Nội). Anh Hải gặp nạn trong lúc đang làm việc và đều đặn hơn 1 năm trở lại đây, người thân và anh vẫn đang cố gắng khắc phục những di chứng để lại sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy.

Giữa trưa một ngày tháng 7, PV tìm về căn nhà là nơi sinh sống của anh Hải cùng với bố mẹ. Căn nhà nhỏ bé nhiều tháng nay vẫn thường có những người hàng xóm tốt bụng, những người đồng nghiệp của anh Hải sau mỗi buổi tan làm ghé đến thăm.

Có những lời hỏi han, những câu động viên mong chàng thanh niên trẻ sớm bình phục và tất nhiên có cả câu chuyện về vụ tai nạn mà anh gặp phải. “Cũng may là em nó còn giữ được tính mạng”, bà Nguyễn Thị Thường (SN 1966, mẹ anh Hải) vẫn thường nói thế khi nhắc đến vụ tai nạn của người con trai.

Sau vụ tai nạn ấy, sức khoẻ và trí nhớ của anh Hải giảm sút nghiêm trọng nhưng thỉnh thoảng anh vẫn kể lại được rõ ràng từng chi tiết, diễn biến của vụ việc.

“Tôi không nhớ rõ ngày dương lịch hôm đó là ngày nào nhưng âm lịch thì vào đúng đêm mùng 8 Tết Mậu Tuất 2018”, anh Hải mở đầu câu chuyện. Nhiều năm theo nghề môi trường, công việc của anh Hải đều đặn bắt đầu từ 17h30’ và kết thúc khi các con phố đã thưa vắng người qua lại.

“Khoảng 1h đêm ngày 8 Tết Nguyên Đán 2018, khi đang thực hiện công việc quét dọn vệ sinh tại khu phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi bất ngờ bị một chiếc xe máy di chuyển tốc độ cao tông trực diện vào người”, anh Hải nhớ lại.

Cú va chạm cực mạnh khiến anh Hải ngã đập đầu xuống đất, ngất lịm. Trong trí nhớ hiện tại của anh, chi tiết cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông mà anh còn nhớ được chính là những tiếng hô hào của chị tổ trưởng tổ lao công nơi anh làm việc.

“Tôi ngất lịm đi và không nhớ được bất cứ một chi tiết gì sau cú đâm đó. Tỉnh dậy tôi thấy mình đã được đưa đến bệnh viện và đang ở trong phòng cấp cứu. Họ nói tình trạng của tôi rất nặng, sẽ bị ảnh hưởng lâu dài”, anh Hải nhớ lại.

Sau khi đưa được anh Hải vào phòng cấp cứu, đồng nghiệp liên lạc với người thân để thông báo về việc anh gặp nạn. Những câu thoại ngắn ngủn thông báo tình trạng của anh, nơi anh đang nhập viện rồi vụt tắt trong sự lo lắng của mẹ anh Hải là bà Nguyễn Thị Thường.

“Chồng tôi khi đó đang làm bảo vệ, lúc Hải gặp nạn, tôi được đồng nghiệp của em báo về. Qua điện thoại, người ta cũng chỉ thông báo Hải bị tai nạn lúc 1h đêm mùng 8 Tết và đang nằm viện, tình trạng rất nặng và đã được chuyển vào Bệnh viện Thanh Nhàn”, bà Thường nhớ lại.

Bàng hoàng khi nghe thông tin giữ, công việc đầu tiên bà Thường có thể làm là điện thoại cho chồng là ông Nguyễn Xuân Bé (SN 1962) để thông báo tình hình của con trai rồi bắt xe tức tốc vào viện với con.


Bà Nguyễn Thị Thường nghẹn ngào nhớ lại thời điểm con gặp nạn

Quyết không đầu hàng 

Vụ tai nạn nghiêm trọng không cướp đi được tính mạng anh Hải nhưng để lại những thương tật nặng nề trên cơ thể anh. Anh được chẩn đoán bị vỡ nền sọ não dẫn đến liệt chi bên trái, thanh quản bị ảnh hưởng kèm theo chứng suy hô hấp, sức khoẻ bị suy giảm 75%.

Kể từ ngày anh Hải gặp nạn, mọi công việc của các thành viên trong gia đình đều bị dồn hết lại để có thể tập trung chạy chữa cho anh. Chăm con nên công việc bảo vệ của ông Bé buổi được buổi không. Con trai đầu của ông, anh Nguyễn Xuân Đoàn (SN 1987) cũng phải thường xuyên qua lại giữa Bắc Ninh – Hà Nội để đưa em trai đi điều trị.

“Chúng tôi đều đã già cả, sức khoẻ và trí lực cũng không còn được tinh nhanh nên mọi việc lo chạy chữa, thuốc thang, xét nghiệm các thứ cho Hải đều do Đoàn làm cả. 
Đoàn làm việc ở Bắc Ninh nên cứ khi có công việc gì của em lại xin nghỉ để về đưa em đi sau đó xong việc lại lên nơi làm việc. Việc chữa trị cũng kéo dài trong khoảng thời gian 1 năm khiến kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn”, bà Thường kể.

Thậm chí, theo bà Thường, để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho người em, anh Đoàn còn sẵn sàng gác lại chuyện hôn sự của mình. “Tính ra trước lúc Hải gặp nạn, Đoàn và người yêu có dự kiến làm lễ cưới nhưng sau rồi vướng vào việc của Hải nên mọi chuyện lại gác lại. Đoàn bảo muốn em trai hồi phục trước khi nghĩ đến việc khác”, bà Thường nói.

Trò chuyện với PV, anh Hải kể, sau tai nạn, mất khả năng đi lại, sức khoẻ giảm sút, giọng nói biến đổi anh đã vô cùng chán nản, tuyệt vọng. Không cam tâm để em trai cả cuộc đời còn lại phải gắn với chiếc xe lăn, khi những vết thương đã lành, anh Đoàn chính là người vực em mình dậy, nâng đỡ từng bước chân để em trai tập đi.

“Hai anh em cứ dìu nhau mà tập đi, mỗi ngày vài bước cho đến khi Hải có thể chập chững đi được từng bước nhỏ. Mỗi khi Đoàn có việc bận, vợ tôi lại dìu con trai tập đi ngày nào cũng thế, đều đặn từ 17h đến tối trời bất kể nắng mưa. 

Có lẽ trời không phụ người khi sau một thời gian tập luyện, Hải đã có thể tự đi được. Những bước đi tuy vẫn còn chậm chạp, không chắc chắn nhưng so với trước kia thì đúng là trong mơ vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ đến”, ông Bé chia sẻ.


 Ông Nguyễn Xuân Bé chia sẻ về thành quả tập luyện của Hải

Mong ước xúc động

Bước chân vào nghề công nhân vệ sinh môi trường qua lời giới thiệu của một người chị, mặc dù tuổi đời vẫn còn trẻ nhưng anh Hải luôn ý thức được trách nhiệm lớn lao công việc của mình.

Anh bảo: “Làm nghề này toàn phải đi đêm đi hôm, mùa hè còn đỡ, mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt nhưng sau mỗi buổi làm, đẩy xe về trên con đường sạch sẽ do mình vừa quét dọn thấy cũng rất vui.

Từ khi tôi gặp tai nạn như này, Lãnh đạo Công ty, Chi nhánh và các anh chị đồng nghiệp vẫn thường xuyên động viên, thăm hỏi như những người thân trong gia đình khiến tôi rất cảm động.

Khi tôi bị tai nạn và đang nằm hồi sức cấp cứa, Ban lãnh đạo Công ty và Chi nhánh Hai Bà Trưng đã đến bệnh viên thăm hỏi, trao quà trợ cấp.

Trong dịp Tết vừa qua, Công đoàn Công ty đã đến nhà trao tặng tôi một sổ tiết kiệm 30 triệu đồng, ngoài ra vào các dịp Lễ Tết hay tháng công nhân, tôi luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ Ban lãnh đạo Công ty và các cấp Công đoàn, điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và trân quý, đó là liều thuốc giúp tôi luôn cố gắng vượt lên chính mình, rèn luyện sức khỏe ổn định để tiếp tục được làm việc.


Anh Hải cho biết: “Tôi chỉ ước có được sức khoẻ như ngày trước để lại gắn bó với nghề công nhân môi trường..."

Nhiều năm làm vệ sinh môi trường, anh Hải bảo ý thức của người dân mình còn kém quá. Điều nàyảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị và cũng khiến công việc của những người công nhân như anh vất vả rất nhiều.

“Khu vực tôi làm việc có nhiều quán xá vỉa hè. Khi mình quét dọn sạch sẽ, đến lúc có khách ngồi lại vứt rác lung tung ra. Thậm chí có nhiều lần khi thấy chúng tôi quét dọn, nhiều thanh niên còn buông lời doạ nạt. 

Họ bảo chúng tôi quét làm bụi trong lúc họ đang ngồi. Những lúc như thế, chúng tôi đều phải tránh ra chỗ khác để tiếp tục công việc”, anh Hải buồn bã tâm sự.

Chia sẻ về mong ước của mình, anh Hải nở nụ cười: “Tôi chỉ ước tôi có được sức khoẻ như ngày trước. Nếu được, tôi vẫn sẽ lại gắn bó với nghề công nhân môi trường. Cảm giác công việc của mình mang lại một cái gì đó tốt đẹp cho xã hội ý nghĩa lắm. Trước đây, chị em trong tổ mỗi lúc giải lao vẫn ngồi nói với nhau như vậy. 

Và qua sự việc của tôi, rất mong những người tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu gây tai họa cho người khác"…

  • Bài viết: Nguyễn Duẩn
  • Thiết kế: Ngok Lee
  • Theo Đời sống Plus 31/07/2019