Lời tòa soạn: Để Hà Nội "sạch lề đẹp lối", hàng nghìn công nhân môi trường đô thị đã âm thầm đổ mồ hôi công sức không quản ngày đêm, bất kể nắng mưa, bão bùng, "phơi" mặt ngoài đường.

Không những thế, bởi "sứ mệnh" giữ Thủ đô sạch đẹp mà nhiều công nhân môi trường đã phải trọn đời mang thương tật, thậm chí bỏ mạng. "Nghề rác" vốn ít được coi trọng nhưng lại chất chứa rất nhiều nỗi đau… 

Đau thương "phu rác": Lời nói dối xót xa của vợ người lao công không may tử nạn trên đường thu gom rác

“Từ ngày bố cháu mất, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai mẹ cháu. Cháu chỉ mong bây giờ mình có thể lớn thật nhanh để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình”.

Sinh nghề… "tử nghiệp"

Đến khu tập thể nhà máy Đại tu ô tô số 1 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi về gia đình chị Vương Thị Loan (42 tuổi) thì ai cũng biết. 

Người phụ nữ ấy được người dân tại đây nhắc đến bằng những sự cảm phục lẫn với xót xa. “Nhà cô ấy khổ lắm chú à! Từ ngày chồng mất, sinh hoạt của cả thể 5 người trong nhà đều do một mình cô ấy gánh vác hết”, một người hàng xóm nói với PV khi được hỏi về hoàn cảnh của gia đình chị Loan.

Đưa PV vào sâu trong con ngõ nhỏ của khu tập thể, người phụ nữ bảo nếu muốn gặp chị Loan phải gọi điện trước. Bởi lẽ nếu đến vào thời gian không hợp lý, rất có thể chị Loan vẫn đang làm việc đâu đó và không có nhà.

Tiếp PV là ông Nguyễn Như Hải (75 tuổi) cùng vợ là bà Hoàng Thị Thu (71 tuổi) cùng 2 người con gái vẫn còn đang tuổi ăn, tuổi lớn của chị Loan. 

Gần 3 năm sau vụ tai nạn giao thông khiến người công nhân môi trường Nguyễn Hoàng Long (SN 1977) vĩnh viễn ra đi, những người thân của anh dường như vẫn chưa nguôi ngoai.


Anh Nguyễn Văn Long ra đi để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình

Có lẽ vì vậy mà bà Thu không giấu được những giọt nước mắt khi có người nhắc đến con trai. Trong ký ức của người mẹ mái đầu đã bạc trắng, anh Long là một người con hiền lành, chịu thương, chịu khó. 

Sinh thời, kinh tế gia đình không có, để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, anh Long phải làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, xây dựng, phụ xe và cơ duyên đưa anh đến với nghề vệ sinh môi trường.

Tháng 1/1996, anh Long vào làm tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chi nhánh Hai Bà Trưng với công việc là công nhân phụ xe rác thông qua sự giới thiệu của một người bạn.

Công việc mới mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả nhưng hơn 20 năm gắn bó với công việc, anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 1h sáng ngày 10/9/2016 trên đường đi làm về từ đội xe ở Lâm Du đến đường Giải Phóng (đoạn qua trước cổng trường Đại học Xây Dựng Hà Nội), anh Long bất ngờ bị chiếc xe ô tô di chuyển ngược chiều tông trực diện.

Sau khi xảy ra vụ việc, chiếc xe ô tô rời khỏi hiện trường. Mặc dù được người dân, đồng nghiệp nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng anh đã mãi mãi ra đi.

“Khi ấy, đang đêm tối, một cuộc điện thoại gọi đến thông báo về việc con trai tôi gặp tai nạn và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trước khi vụ việc trên xảy ra, con tôi đã có một vài lần bị va quệt trong lúc làm việc. 

Lần này khi nghe thông tin, linh cảm cho chúng tôi biết có chuyện chẳng lành. Thế mà đúng thật chú à! Gia đình tôi đến nơi thì nhận được tin báo Long đã tử vong. Nó gắn bó với công việc vệ sinh môi trường được hơn 20 năm và đến lúc nằm xuống vẫn còn mặc trên mình bộ đồng phục ấy”, bà Thu nghẹn ngào nhớ lại. 

Gia đình suy sụp và gánh nặng vai gày

Việc anh Long đột ngột qua đời trong lúc đang làm nhiệm vụ khiến bạn bè đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình đều bàng hoàng, đau xót. Nhưng có lẽ, người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là chị Vương Thị Loan - vợ anh.

Vốn sức khoẻ không được tốt như mọi người lại bị thiếu máu nên sau khi biết tin chồng qua đời, chị Loan không kìm nén được cảm xúc. Chị khóc ngất đi khi đưa thi thể anh về với gia đình và nhiều lần ngã khuỵ trong suốt quá trình làm lễ tang cho anh.

Cho đến thời điểm hiện tại, mỗi khi nhắc đến chồng và gia đình, người phụ nữ ấy vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt. Chị bảo: “Tôi thương chồng vì anh ấy khổ cả một đời lại ra đi khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ. Cũng thương bố mẹ chồng và 2 đứa con gái rồi sẽ ra sao khi mồ côi bố lúc tuổi vẫn còn nhỏ như vậy”.


Kể từ khi anh Long mất, mọi gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai chị Loan 

Gần 3 năm qua, chị vừa phải làm mẹ lại vừa phải làm bố thay anh chăm sóc, nuôi nấng các con, phụng dưỡng cha mẹ chồng.

“Tôi trước đây không có công ăn việc làm ổn định, sức khoẻ lại yếu nên chẳng làm được việc gì. Từ ngày chồng tôi mất, kinh tế gia đình lại càng khánh kiệt. Mà mong muốn lớn nhất của anh ấy lúc còn sống là lo cho 2 con được ăn học đến nơi đến chốn nên bây giờ dù có vất vả như nào tôi cũng phải cố gắng để thực hiện tâm nguyện của chồng”, chị Loan tâm sự.

Biết hoàn cảnh éo le của gia đình chị Loan, một người quen đã giới thiệu cho chị công việc tạp vụ tại Trường Đại học Y Hà Nội. Hàng ngày, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 chị đến trường phục vụ việc lau chùi dụng cụ làm thí nghiệm, thực hành của học viên.

Đồng lương từ công việc trên không đủ để lo cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình nên hầu như thứ 7, chủ nhật hàng tuần, chị đều nhận làm thêm công việc lau dọn nhà thuê.

“Với sức khoẻ hiện tại của tôi bây giờ làm mà không có thời gian nghỉ cả tuần như vậy cũng là quá sức nhưng cũng chẳng biết sao cả. Công việc tạp vụ không đủ chi tiêu gia đình, lại còn tiền học của các cháu nên nếu không làm thì không biết xoay sở kiểu gì”, chị Loan tâm sự.

Ngoài công việc dọn dẹp nhà thuê với đồng lương 100 nghìn đồng cho khoảng 4 tiếng đồng hồ làm việc, bất cứ ai thuê gì chị cũng đều nhận làm bất kể ngày đêm. “Khi thì chạy xe ôm, khi thì phụ quán ăn… Nói chung cứ việc gì có thể kiếm ra tiền mà không vi phạm pháp luật, phù hợp với sức khoẻ của mình tôi đều nhận làm. Cũng may do có nhiều người biết đến hoàn cảnh của gia đình tôi nên cứ có việc họ lại gọi. Vất vả nhưng kiếm được đồng tiền cũng thấy đỡ hơn”, chị Loan tâm sự.

Chị nói thêm, khi được tin anh Long mất, Ban lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Hà Nội và Chi nhánh Hai Bà Trưng đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên chị và gia đình vượt qua nỗi đau để làm chỗ dựa cho hai cháu. Công ty đã vận động CBCNV ủng hộ quyên góp và làm một sổ tiết kiệm 50 triệu đồng trao cho gia đình để hỗ trợ một phần khó khăn. 

Theo chị Loan, dù chồng mất đã hơn 3 năm nhưng hàng năm vào dịp Tết cổ truyền, Lãnh đạo Công ty đều đến nhà chúc Tết và trao quà cho gia đình, điều đó giúp chị thêm vững tin và cố gắng vượt qua khó khăn để nuôi dạy hai con trưởng thành.

Với ông Hải, bà Thu, thương con trai ra đi khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ bao nhiêu, ông bà lại dành sự cảm phục bấy nhiêu cho người con dâu. Đã có tuổi và mang trong người nhiều căn bệnh nên công việc mà ông bà có thể đỡ đần con dâu cũng chỉ là ở nhà chăm chút cho 2 đứa cháu nội.

“Hai vợ chồng tôi nghĩ hoàn cảnh vợ nó cũng khổ tâm lắm nhưng chẳng giúp gì được. Chỉ có thể quanh quẩn ở nhà trông nom 2 đứa cháu cho mẹ nó yên tâm làm việc. Nhiều lúc cũng khuyên con dâu chú ý giữ gìn sức khoẻ nhưng cứ mỗi lần như vậy, nó lại bảo con cố được. Nếu như chồng nó không ra đi sớm quá thì nó cũng đâu phải khổ như vậy”, ông Hải nghẹn ngào.


Cha mẹ già và hai con gái nhỏ của anh Long

Lời nói dối xót xa: "Con ngoan, bố đang đi làm…"

Ngày anh Long mất, con gái lớn của anh là cháu Nguyễn Diệu Linh  vừa tròn 13 tuổi. Ở cái tuổi mới lớn như cháu Linh, việc mất đi sự quan tâm, dìu dắt của bố là một thiệt thòi rất lớn.

Cũng chính vì thế, khi biết tin bố mất, cháu Linh bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Sức học của cháu giảm sút. Chia sẻ với PV, cháu Linh bảo từ ngày bố mất, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai mẹ nên cháu chỉ mong bây giờ mình có thể lớn thật nhanh để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình.

“Đợt mới đây, cháu nó xin ông bà và mẹ đi làm phục vụ tại quán hàng gần nhà. Thấy con quyết tâm nên tôi cũng thuận lòng. Tuy nhiên, có hôm vì đông khách, cháu phải ở lại dọn dẹp đến khuya vẫn chưa về nên tôi đã không cho cháu đi làm nữa”, chị Loan chia sẻ.

Đưa ánh mắt đượm buồn hướng về cháu Nguyễn Di Ly (8 tuổi), chị Loan không giấu được nỗi xót xa. Theo chị Loan, khi anh Long mất, cháu Ly mới được 5 tuổi. Chưa đủ tuổi để hiểu chuyện gì xảy ra nên mỗi khi không thấy bố, cháu Ly thường hỏi chị. 

“Những lúc như vậy, tôi cũng chỉ biết bảo cháu là bố đi làm. Sau này lớn lên, tôi cũng lựa tìm cách để nói sự thật cho cháu hiểu. Tôi cũng chỉ mong 2 cháu được ăn học đến nơi đến chốn như tâm nguyện của chồng”, chị Loan nghẹn ngào.

 

  • Bài viết: Nguyễn Duẩn
  • Thiết kế: Ngok Lee
  • Theo Đời sống Plus 01/08/2019