Lời tòa soạn: Để Hà Nội "sạch lề đẹp lối", hàng nghìn công nhân môi trường đô thị đã âm thầm đổ mồ hôi công sức không quản ngày đêm, bất kể nắng mưa, bão bùng, "phơi" mặt ngoài đường.
Không những thế, bởi "sứ mệnh" giữ Thủ đô sạch đẹp mà nhiều công nhân môi trường đã phải trọn đời mang thương tật, thậm chí bỏ mạng. "Nghề rác" vốn ít được coi trọng nhưng lại chất chứa rất nhiều nỗi đau…
Bài 2: Bố mất, hai con nguy cơ phải bỏ học và nỗi đau ở ngôi nhà không có tiếng cười
Từ ngày chồng bị xe tông tử vong trong lúc đang quét dọn đường, cuộc sống gia đình chị Tân rơi vào cùng cực. Thậm chí đã có lúc chị tính đến nước cho 2 con nghỉ học.
Buổi đêm định mệnh với người công nhân môi trường
Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo vắng bóng cây xanh những ngày đầu tháng 7 nắng như đổ lửa đưa PV đến với thân nhân của một người công nhân vệ sinh môi trường vừa tử nạn trong lúc đang làm nhiệm vụ gìn giữ vệ sinh thủ đô.
Trong căn nhà số 4 thuộc tố 11, cụm 2 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) của gia đình chị Vũ Thị Tân (43 tuổi) vài tháng nay vắng hẳn tiếng nói cười. Cuộc sống của các thành viên trong gia đình trôi trong sự tĩnh lặng, chỉ còn thấy những tiếng thở dài. Tất thảy cũng bởi anh Nguyễn Trung Hiếu, chồng chị Tân, trụ cột gia đình không còn nữa.
Anh Hiếu là công nhân quét dọn, thu gom rác chi nhánh Ba Đình - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội). Anh mất sau một vụ tai nạn giao thông khi đang làm bổn phận "phu rác" nhọc nhằn
Đã quá trưa, bà Hồ Thị Phi (76 tuổi, mẹ anh Hiếu) vẫn đang chầm chậm đưa chiếc nạo từng đường trên thân quả mướp già chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Sâu phía bên trong nhà, chị Tân đang lúi húi bên chiếc máy may hoàn thành nốt một số bộ quần áo để kịp giao cho khách.
Rót chén nước chè mời khách, ông Nguyễn Văn Để (80 tuổi, bố anh Hiếu) không kìm nén được sự xúc động khi nhớ lại buổi tối định mệnh đã mang người con trai của ông đi mãi mãi.
Ông bảo, dù sự việc đã trôi qua được gần 4 tháng nhưng đến thời điểm hiện tại, nỗi đau mất con vẫn như giằng xé, vẹn nguyên trong tâm trí của từng thành viên trong gia đình, nhất là với 2 người cháu của ông.
Bà Hồ Thị Phi nhiều năm nay sức khoẻ yếu nên chỉ có thể giúp đỡ gia đình những việc nhẹ nhàng
Hôm ấy, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, chừng 17h30', như mọi ngày, sau khi đã phụ vợ dọn dẹp công việc nhà, con trai ông mang theo bộ quần áo lao động lên xe đi làm. Gần chục năm nay, công việc của con ông vẫn thế, đều đặn bắt đầu từ cuối chiều và kết thúc vào 2h sáng ngày hôm sau.
Khoảng 21h30’, trong khi đang trong quá trình dọn dẹp vệ sinh trên tuyến phố Yên Phụ (quận Ba Đình), con trai ông bị chiếc xe ô tô taxi tông trọng thương.
Sau khi xảy ra sự việc, anh Hiếu được tài xế chiếc taxi gây tai nạn và những người công nhân làm cùng đưa vào bệnh viện để cấp cứu trong tình trạng bị chấn thương nặng.
“Khoảng 21h45’, gia đình tôi đang ở nhà thì mấy chị em làm cùng đơn vị Hiếu gọi điện thông báo con tôi gặp nạn và đã được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu”, ông Để nhớ lại.
“Thời điểm có mặt tại viện, anh ấy vẫn còn tỉnh, nhìn qua trang phục và cơ thể, tôi thấy anh ấy vẫn bình thường. Sau khi hoàn thiện các thủ tục chụp chiếu, các bác sĩ cho gia đình biết chồng tôi bị tụ máu não nhiều và phải làm thủ tục mổ ngay”, chị Tân vợ anh Hiếu kể lại.Ông Để kể, hôm ấy, vừa nghe tin con gặp nạn, không kịp thay quần áo, ông cùng con dâu vội vã bắt xe vào viện.
Ông Để nhớ lại khoảnh khắc mất con
Bản thân chị Tân cũng không thể ngờ được rằng đó là lần cuối cùng ánh mắt vợ chồng chị có thể chạm nhau. Sau khi được đưa đi làm thủ tục mổ, anh Hiếu yếu dần và rơi vào tình trạng hôn mê.
Tối ngày 9/3, tiên lượng sức khoẻ anh Hiếu chuyển biến xấu nên các bác sĩ đã thông báo cho gia đình đưa về nhà. “Con tôi chuyển về nhà được 1 ngày, 1 đêm, thở hết 2 bình ô xi rồi ra đi. Thời điểm đó là khoảng 5h ngày 11/3”, ông Để đau đớn nhớ lại.
Bố mất rồi, con buồn lắm!
Anh Hiếu là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. Thủa còn nhỏ, do hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nên anh phải nghỉ học sớm, lăn lộn kiếm sống bằngđủ thứ nghề từ phụ hồ, công nhân để có tiền giúp đỡ bố mẹ và chăm lo cho các em.
Năm 2003, anh gặp và lên duyên cùng chị Vũ Thị Tân. Lập gia đình và sau đó có 2 cô con gái đáng yêu là cháu Nguyễn Thuý Hằng (15 tuổi) và cháu Nguyễn Hằng Nhi (13 tuổi). Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng gia đình anh chị lúc nào cũng ngập tiếng cười đùa.
Sức khoẻ yếu, chị Tân phải nhận quần áo về nhà làm để trang trải cuộc sống gia đình
Chị Tân do sức khoẻ yếu nên không thể làm được những việc nặng nhọc. Công việc chị có thể làm để phụ giúp kinh tế với chồng chỉ là nhận quần áo về làm may và làm công việc dọn dẹp vệ sinh thuê tại một chung cư ở Mỹ Đình (Hà Nội).
Thu nhập chính trong gia đình đều phụ thuộc vào công việc vệ sinh môi trường của anh Hiếu. Theo đánh giá của những người dân sinh sống tại tổ dân phố số 11, anh Hiếu là một người yêu thương vợ con.
Hàng ngày, ngoài công việc vào ban đêm, những lúc rảnh rỗi, anh Hiếu vẫn phụ đưa đón và hỗ trợ vợ trong công việc dọn dẹp vệ sinh chung cư. “Tôi và bà nhà đều đã già yếu hết cả nên chẳng giúp được việc gì. Hàng ngày sau khi đi làm, Hiếu vẫn về nhà dọn dẹp, cơm nước và phụ vợ chăm sóc con”, ông Để chia sẻ.
Ngày đưa anh Hiếu về nơi an nghỉ cuối cùng, người dân tổ dân phố số 11, cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội có mặt rất đông, ai cũng tiếc thương cho người đàn ông hiền lành, chăm chỉ nhưng vắn số.
Sau đám tang của anh, cuộc sống gia đình chị Tân trở lên khó khăn gấp bội phần. Hơn ai hết, chị biết bản thân mình bây giờ phải thay anh làm chỗ dựa cho bố mẹ già yếu và 2 người con vẫn đang thơ dại.
“Kể từ khi chồng tôi mất, cuộc sống khó khăn gấp bội. Ban đầu là về tinh thần những thành viên trong nhà. Ngày anh mất, không khí trong nhà trùng hẳn xuống, bố mẹ chồng thương nhớ con, 2 đứa trẻ kể từ khi mất bố cũng trở lên lặng lẽ, ít nói, ít cười và sống khép kín.
Ngày trước, cuộc sống vợ chồng tôi có khó khăn vất vả thật nhưng về nhà được nhìn thấy nhau, được cùng nhau gánh vác công việc nên cũng đỡ đi phần nào. Bây giờ anh ấy ra đi sớm quá, bữa cơm mọi người xuống nhìn nhau rồi ai lại làm việc ấy cho thời gian mau qua”, chị Tân chia sẻ.
Là người gắn bó nhất với anh Hiếu nên khi bố mất đi, cháu Nhi rất buồn và hụt hẫng
Cũng theo thông tin chị Tân cho biết, 2 đứa con chị là người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề nhất sau khi anh Hiếu qua đời. Lúc bố mất, cháu Hằng đang học lớp 9 và chuẩn bị thi lên cấp 3, sau khi biết chuyện của bố, sức học của cháu giảm hẳn.
Cô bé đang tuổi mới lớn gặp cú sốc gia đình bỗng trở thành người lầm lỳ, ngại trò chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh. Hàng ngày, nếu không có việc gì tối cần, cháu đều giam mình trong phòng.
Với cháu Nhi, việc người bố mãi mãi ra đi thật sự khiến tâm lý cháu bị ảnh hưởng. “Hàng ngày, bố đều chơi đùa với cháu, đưa cháu đi học, khi bố mất đi cháu thấy buồn lắm!”, Nhi xúc động nói.
Đau thương phu rác: Bố mất, hai con nguy cơ phải bỏ học và nỗi đau tột cùngVới cháu Hằng, việc bố đột ngột qua đời khiến cháu bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, việc học giảm sút.
Việc bố đột ngột qua đời khiến cháu Hằng ảnh hưởng tâm lý nặng nề, việc học giảm sút
Cô bé học lớp 8 hiểu rằng từ cái ngày định mệnh đó, sẽ chẳng còn bao giờ em được nghe thấy tiếng nói, tiếng cười, thậm chí là cả tiếng quát mắng của bố mỗi khi em làm sai nữa. “Gia đình tôi cũng nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ những lúc cháu ở trường để tâm lý cháu đỡ bị ảnh hưởng sau khi bố cháu mất”, chị Tân cho biết thêm.
"Chắc các cháu tôi phải nghỉ học thôi!"
Trong cuộc trò chuyện với PV, ông Để đã nhiều lần nhắc tới câu nói buồn bã trên. Theo ông Để và chị Tân, kinh tế gia đình hiện tại không thể lo nổi cho hai con ăn học.
“Con dâu tôi thì sức khoẻ yếu, nhận quần áo về làm cùng lắm cũng được 2-3 triệu tiền công xá. Cháu lớn sau sự việc của bố dẫn đến bị ảnh hưởng, thi không đỗ lớp 10, giờ học trường ngoài cũng mất gần 2 triệu 1 tháng, rồi lại còn cháu nhỏ, miệng ăn cho 5 người nữa.
Nhiều lần tôi cũng nói chuyện với con dâu về ý định cho các cháu nghỉ học. Nó cũng chỉ nghe nhưng không nói gì. Chúng tôi biết làm thế tội các cháu lắm nhưng không còn cách nào khác được”, ông Để buồn bã nói.
Tiếp lời chồng, bà Phi nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi thì đau ốm liên miên, chẳng giúp gì cho mẹ các cháu được. Vợ chồng tôi đến đây là cũng chẳng còn gì phải nuối tiếc, chỉ mong sao các cháu được học hành lên người”.
Gần 4 tháng từ ngày anh mãi mãi ra đi, căn nhà xưa vẫn thế nhưng cuộc sống của những thành viên trong gia đình từ khi vắng bóng anh đã ảm đạmđi rất nhiều.Căn nhà cũ của gia đình chị Tân vẫn thế, có điều, giờ đây ở một góc bức tường thỉnh thoảng xuất hiện những vết bong tróc xuất hiện thêm một chiếc bàn thờ nhỏ với lọ hoa cúc vàng và bát hương mới dựng kèm tấm di ảnh của anh Nguyễn Trung Hiếu.
Đại diện URENCO đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình chị Tân sau khi anh Hiếu qua đời
Sau khi anh Hiếu qua đời, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cùng Chi nhánh Ba Đình đã nhanh chóng chia sẻ, cùng gia đình chức lễ tang, trợ cấp kinh phí mai táng.
Sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hiếu, trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng về vụ tai nạn để hoàn thiện hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ theo quy định, ngày 14/ 5/ 2019 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình đã tạm ứng trước số tiền 100.000.000 đồng cho gia đình anh Hiếu. Đây là khoản kinh phí bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động theo quy định.
Tiếp đó, đại diện Công ty Bảo hiểm BSH Hà Nội và Chi nhánh Ba Đình đã trao 50.000.000 đồng cho chị Vũ Thị Tân (Vợ anh Hiếu) số tiền bảo hiểm thân thể do Bảo hiểm BSH Hà Nội chi trả theo hợp đồng đã ký kết hàng năm.
Công đoàn công ty Môi trường và đô thị Hà Nội trao sổ tiết kiệm 30.000.000 đồng và mua sách giáo khoa, vở, cặp sách tặng cho 2 cháu con anh Hiếu.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, Chi nhánh Ba Đình, nơi anh Hiếu công tác cũng đã tạo điều kiện để chị Tân vợ anh Hiếu vào làm công việc bảo vệ nhưng do sức khỏe yếu chị Tân đã từ chối.
"Chúng tôi mong muốn cơ quan điều tra Công an quận Ba Đình sớm có kết luận về vụ tai nạn để công ty giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định", đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội mong mỏi.
- Bài viết: Nguyễn Duẩn
- Thiết kế: Ngô Huệ + Ngok Lee
- Theo Đời sống Plus 26/07/2019