Công khai xin lỗi 3 người bị oan sai trong vụ án giết người 40 năm trước
Ngày 9/10, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với 3 người bị bắt oan sai từ những năm 1980.
Theo đó, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã công khai xin lỗi đối với các ông: Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám, cùng trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo tài liệu vụ án, ngày 28/1/1980, ông Chu Văn Quản, ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) lúc ấy là Bí thư Chi bộ thôn bị giết. Ngày 29/1/1980, Công an huyện và tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05 và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) để điều tra theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú thời điểm đó đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 người. Theo đó: Ông Trần Trung Thám bị khởi tố ngày 15/2/1980, đến ngày 3/3/1980 ông Thám bị bắt và giam giữ tại trại giam Phủ Đức, quá trình giam giữ đến ngày 24/5/1980, ông Trần Trung Thám bị chết. Ông Trần Ngọc Chinh bị khởi tố ngày 20/02/1980, ngày 13/3/1980 bị bắt và bị giam giữ tại trại giam Phủ Đức. Hai ông Khổng Văn Đệ và Nguyễn Đình Ký cùng bị khởi tố ngày 20/2/1980 và ít ngày sau bị giam giữ tại trại giam Phủ Đức.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, chỉ có ông Nguyễn Đình Ký thực hiện hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngày 20/10/1982, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) có cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đình Ký về tội “giết người”. Cáo trạng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) phê chuẩn. Ngày 15/6/1983, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử, tuyên phạt Nguyễn Đình Ký mức án tù chung thân về tội “Giết người”.
Năm 1982, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định đình chỉ, khẳng định các ông Trần Trung Thám và Trần Ngọc Chinh, Khổng Văn Đệ không phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Tuy nhiên, cũng từ đó tới nay, 3 cụ ông cùng gia đình không nhận được lời xin lỗi nào từ phía cơ quan tố tụng. Họ đã làm đơn gửi khắp nơi trong nhiều năm để khiếu nại và đòi quyền lợi.
Tại buổi xin lỗi, cụ Trinh thay mặt những người bị oan gửi lời cảm ơn vì cơ quan tố tụng đã nhận được cái sai của mình, tổ chức xin lỗi công khai người bị oan sau gần 40 năm. Dù thời gian chờ đợi quá lâu, nhưng dẫu sao nỗi hàm oan này cuối cùng đã được minh oan. Cụ Trinh cũng nhắc lại những ngày tháng tủi nhục do vụ án gây nên, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng phải làm rõ và quy trách nhiệm đối với những người gây ra oan sai.