Chuyện tình của cô gái Việt khiến Nhật hoàng và triệu trái tim xúc động: Hội ngộ trong nước mắt
Mối tình của bà Nguyễn Thị Xuân (Đông Anh, Hà Nội) với người lính Nhật từng khiến nhiều người dân Nhật rơi nước mắt, thậm chí, lay động cả tới Nhật Hoàng và Hoàng hậu.
LTS: Năm 1946, bà Xuân nên duyên với Shimizu, một người lính Nhật tham chiến ở Việt Nam và theo Việt Minh. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, bởi nhiệm vụ cách mạng nên Shimizu về nước, tạm xa vợ cùng 4 người con thơ dại.
Chiến tranh nối tiếp, hai vợ chồng chỉ tưởng là tạm xa nào ngờ đấy là cuộc chia ly đằng đẵng. Ngưu Lang- Chức Nữ mỗi năm một lần nước mắt lã chã gặp nhau một lần vào mùa ngâu nhưng bà Xuân thì cả nửa thế kỷ vẫn ôm con ngóng chồng.
Bàng hoàng khi biết tin chồng còn sống
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi và nỗi nhớ thì vẫn cồn cào, đằng đẵng. Năm 1996, bỗng có người quen đến mách có bà tên là Chung Lộc, người cũng lấy chồng Nhật nhưng theo chồng sang xứ sở hoa anh đào từ năm 1954 vừa về nước, hiện đang ở tại một khách sạn trên đường Thuỵ Khuê, Hà Nội.
Biết chẳng hi vọng gì, nhưng bà Xuân vẫn sai chị Phương, con cả sang tìm để hỏi thăm tin tức. Đi cỡ vài tiếng thì chị Phương hớt hải về, nức nở: “Bố con còn sống! Mỗi lần bà ấy về Việt Nam (bà Chung Lộc) bố con vẫn đến để hỏi tin tức mẹ con mình. Bà ấy bảo mẹ con mình chuyển về Đông Anh bố không biết lại cứ nhờ bà ấy xuống Hải Phòng, vào Thanh Hoá lần tìm!”.
Sau nửa thế kỷ, lần đầu tiên bà Xuân nhìn thấy chồng qua đĩa hình người quen gửi về
Sau lần gặp gỡ ấy, bà Chung Lộc về nước và tìm đến nhà một người bạn của Shimizu để thông báo tình hình. Ngay lập tức người bạn này viết thư sang nói với bà Xuân rằng, nếu muốn viết thư cho Shimizu thì cứ gửi qua ông, ông sẽ chuyển giúp.
Vậy là bao nhiêu nhớ thương, hờn giận cứ dồn vào những cánh thư nặng trĩu. Tuổi già, mắt kém, không nhìn rõ chữ nên bà cứ ngồi đọc cho mấy đứa cháu viết hộ. Ngày nào cũng vậy, viết mãi mà chẳng hết lời. Thế nhưng, bao cánh thư đi mà chẳng thấy thư về.
Xứ sở hoa anh đào rơi lệ khi biết "Chức Nữ- Ngưu Lang" vẫn đang có thật trên đời
Không thể kiên nhẫn thêm được nữa bà đã viết những lời oán hận: “…Hoà bình rồi, đồng đội người ta cũng còn đi tìm nhau dù không còn sống cũng tìm lấy nắm xương huống chi vợ chồng mình sống với nhau đã bốn mặt con…”.
Bà đâu biết rằng, Shimizu đang phải sống những ngày khó xử. Ông đã có gia đình mới ở Nhật và không biết phải ăn nói thế nào cho vẹn cả đôi đường. Tuy vậy, nhận được những lá thư đầy nước mắt giận hờn ấy của bà, ông cũng hồi âm, nhưng không phải bằng thư mà bằng những đồ vật hết sức lạ lùng.
Khi chia tay Shimizu còn trai tráng khi gặp lại thì đã là một ông lão ngồi xe lăn
Lần thì ông gửi sang hai đôi đũa, một đôi tất và 3 chiếc cùi dìa. Lần thì những chiếc khăn mặt có thêu tên ông cùng những dòng địa chỉ… Sau này bà mới biết, ông gửi cho bà đũa, cùi dìa, bít tất, ý nói rằng ông vẫn rất nhớ tình cảm vợ chồng, nhớ các con và dặn bà giữ gìn sức khoẻ. Gửi khăn mặt, nghĩa là ông khuyên bà hãy vơi bớt nước mắt nhớ thương.
Thờ gian cùng nỗi nhớ thương đong đầy vẫn lặng lẽ trôi. Rồi một ngày, đầu tháng 12/2004, một đoàn phóng viên của tuần báo Asahi Shimbun đã gõ cửa nhà bà và nói rằng họ muốn tìm hiểu cuộc sống của vợ con những người lính Nhật đã từng tham gia cách mạng tại Việt Nam.
Thế là, chỉ vài ngày sau, chuyện tình của bà với Shimizu được khắp nước Nhật biết đến qua số báo ngày 6/12/2004. Cũng trong buổi tiếp xúc đó, đoàn phóng viên đã thu hình tất cả những hình ảnh sinh hoạt của gia đình bà và nói rằng sẽ đem về Nhật trao tận tay cho Shimizu.
Tháng 6/2005, đoàn nhà báo ấy lại sang và lần này họ mang cho bà chiếc đĩa ghi cảnh chồng bà đang chăm chú xem đĩa mà họ chuyển qua lần trước. Hơn 50 năm chưa một lần thấy mặt chồng, hôm ấy, xem qua đĩa, bà đã khóc. Các con bà cũng khóc.
Ông Shimizu về Việt Nam thăm vợ con sau hơn nửa thế kỷ xa cách
Đoạn phim mô tả cận cảnh gian nhà truyền thống của một gia đình người Nhật ở ngoại ô Ykôhama. Trong nhà, một ông lão tay run run lần mở chiếc đĩa hình được chuyển đến từ đất nước Việt Nam xa xôi. Ông lão ấy chính là Shimizu, lần đầu được thấy hình ảnh của vợ con mình sau hơn nửa thế kỷ xa cách.
Mở được đĩa, ông lão ngồi tựa vào thành giường rồi chăm chú ngồi xem. Phim cận cảnh thấy ông lão khi thì nước mắt dòng dòng, lúc thì lại móm mém, tủm tỉm cười như là trẻ nhỏ.
Cuối đĩa, ông ngồi tâm sự cùng bà: "Xuân à, sức khoẻ anh yếu lắm nên không thể nói dài với em được… Anh cảm phục em nhiều lắm, mong em và các con hiểu và tha lỗi cho anh. Anh cố gắng phục hồi sức khoẻ, để khi nào có điều kiện sẽ về Việt Nam thăm em…”.
Shimizu hơn bà 4 tuổi nhưng trông yếu hơn bà nhiều lắm. Bà vẫn thư đi thư lại cho ông, và khi nào rảnh lại lần giở những kỷ vật ngày xưa ra xem để rồi lại nghẹn ngào nước mắt.
Bà Xuân bảo, mong ước lớn nhất của bà là được sang Nhật thăm chồng một lần, có thế thì mới yên lòng nhắm mắt. Các con bà cũng rất muốn được gặp cha, nhưng hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên chỉ biết gửi sự nhớ thương qua vô vàn những lá thư nặng trĩu.
Trở lại chốn xưa
Năm 2006, nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà báo người Nhật Bản, một cuộc gặp lịch sử của hai ông bà đã diễn ra.
"Tôi vẫn luôn nghĩ, mong hai vợ chồng sẽ gặp lại nhau và sự thật đã được như thế. Thời điểm đó, những nhà báo người Nhật đã giúp đỡ chúng tôi tìm thấy nhau và đưa ông ấy về Việt Nam để gia đình đoàn tụ.
Ông ấy đã tái hôn và trong chuyến trở về năm 2006, bà ấy cũng đã về cùng để thăm tôi. Bà ấy còn nghĩ tôi giận nên khi gặp ở sân bay, đã kéo tay tôi nắm vào tay ông ấy, rồi đi đâu cũng để chúng tôi đi sát vào.
Bà Xuân trong lần gặp gỡ với Nhật hoàng năm 2017
Nhưng thực sự, tôi đâu có giận gì đâu mà tôi thương ông ấy, bởi ai cũng vậy thôi, cần có bàn tay người phụ nữ chăm sóc chứ ở một mình sao được và chúng tôi cũng đã già rồi thì còn giận dỗi làm gì nữa", bà Xuân cười tươi.
Cũng theo bà Xuân, trong chuyến trở về kéo dài 5 ngày đó, cả gia đình đã quây quần với nhau, ăn những bữa cơm thấm đẫm nụ cười, nước mắt, đi thăm Lăng Bác cùng nhiều điểm di tích ở Hà Nội.
"Các con tôi và ông ấy đã khóc, ôm nhau rất lâu khi gặp lại nhau, mọi người đều nghẹn ngào. Đến khi ra sân bay về nước, hai chúng tôi đã nắm tay nhau và ông ấy nói với tôi là còn gì nữa đây, ý là, giờ đi rồi sẽ không còn gặp lại.
Tôi đáp lại là thôi không phải nghĩ gì nữa, tiếc cũng chả để làm gì và nhớ ông tôi sẽ gọi tên ông. Ông ấy không nói gì nữa và chúng tôi chia tay...", bà Xuân chia sẻ.
Đầu tháng 3/2017, trong chuyến thăm Việt Nam, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ cảm động với vợ và con của các cựu binh lính Nhật tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Xuân cũng được mời đến tham gia cuộc gặp gỡ xúc động ấy. Bà Xuân kể, trong buổi gặp, Nhật hoàng và Hoàng hậu vô cùng vui mừng và xúc động khi gặp lại thân nhân các cựu binh Nhật. Nhật hoàng đã chủ động bắt tay, hỏi han sức khỏe bà cũng như về gia đình con cháu. Nhật hoàng bày tỏ sự quan tâm lớn đến những người vợ lấy chồng Nhật như bà Xuân cũng như những người Nhật còn ở lại Việt Nam. |