Chuyện tình của cô gái Việt khiến Nhật hoàng và triệu trái tim xúc động: Đôi ngả chia lìa, nghìn trùng xa cách
Vì nhiệm vụ cách mạng, Shimizu phải trở về Nhật Bản. Chia xa vợ con, Shimizu thấy trái tim mình vụn vỡ. Bà Xuân cũng không ngờ đó là cuộc biệt ly kéo dài cả nửa thế kỷ.
LTS: Mối tình của bà Nguyễn Thị Xuân (Đông Anh, Hà Nội) với người lính Nhật từng khiến nhiều người dân Nhật rơi nước mắt, thậm chí, lay động cả tới Nhật Hoàng và Hoàng hậu.
Năm 1946, bà Xuân nên duyên với Shimizu, một người lính Nhật tham chiến ở Việt Nam và theo Việt Minh. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, bởi nhiệm vụ cách mạng nên Shimizu về nước, tạm xa vợ cùng 4 người con thơ dại.
Chiến tranh nối tiếp, hai vợ chồng chỉ tưởng là tạm xa nào ngờ đấy là cuộc chia ly đằng đẵng. Ngưu Lang- Chức Nữ mỗi năm một lần nước mắt lã chã gặp nhau một lần vào mùa ngâu nhưng bà Xuân thì cả nửa thế kỷ vẫn ôm con ngóng chồng.
Chia xa, tưởng chỉ ít lâu, nào ngờ mẹ con bà Xuân phải đợi chờ hơn nửa thế kỷ mới thấy tung tích chồng. Ảnh: Mai Lan
Niềm đau chôn kín
Theo giấy phép thì Shimizu được về thăm vợ con 2 tháng thế nhưng chỉ vui vẻ được có vài ngày thì bỗng dưng Shimizu trầm ngâm rất lạ. Shimizu hay nói đến chuyện số phận, chuyện biệt ly, dang dở. Lạ nữa là Shimizu hay kể về mối tình của Bạch Mao Nữ và Đại Xuân bên Trung Quốc.
Đại Xuân theo hồng quân, nhớ quá Mao Nữ đã băng rừng vượt suối đi tìm chồng. Trải qua rất nhiều ngày đường mà vẫn không thấy bóng chồng đâu, đến một miếu hoang Mao Nữ đã lả đi vì đói, vì mệt và đôi chân thì sưng tấy không thể bước thêm được nữa.
Vậy là Mao Nữ ở đành lại miếu hoang để ngóng tin chồng và sống qua ngày bằng những món đồ cúng của dân làng quanh đó. Đặt lên ban thờ cúng thứ gì là hôm sau mất ngay thứ đó, nên dân làng hoảng hốt tưởng rằng thần thánh hiển linh, ma quỷ hiện về nên bàn tán xôn xao.
Tin đó bay đến doanh trại của Đại Xuân và là người không tin vào thần thánh nên đêm đó, Đại Xuân đã bí mật đến miếu xem thực hư thế nào.
Như mọi lần, chờ người cúng tế đi khỏi, Mao Nữ lẻn ra bới tìm đồ ăn. Ngoài cửa, Đại Xuân lên đạn súng đánh “rộp”. Mao Nữ hoảng hốt định bỏ chạy nhưng không được, ngửa mặt van lạy thì nhận ra chồng.
Cứ sau mỗi lần kể chuyện tình đó, Shimizu lại khẽ thở dài và nói: “Người ta thì thế, mình thì sao khổ thế này!”.
Một lần, ôm vợ trong tay, Shimizu đã buột miệng: “Vợ tôi vẫn còn trẻ lắm!”. Chẳng để vợ nói câu gì, Shimizu đã vuốt tóc vợ rồi lần từng kẽ tóc. Sau này, bà Xuân mới biết, chồng bà làm vậy là muốn tìm xem trên đầu bà có chiếc sẹo nào không để còn nhận ra khi sau này còn duyên gặp lại.
Bà Xuân có người cô họ ở Đông Anh (Hà Nội). Về với vợ con được ít hôm, Shimizu bảo, Shimizu ra Đông Anh trước là thăm bà cô ấy, sau là tìm mảnh đất tốt để đưa vợ con về đó ổn định làm ăn.
Đi vài hôm, Shimizu về cứ nằng nặc giục vợ con chuyển nhà ra đó. Khi ấy, bà bảo, anh cứ yên tâm công tác, ở Thanh Hoá quen rồi, cô không muốn đi đâu nữa, nếu sau này có chuyện gì thì bà sẽ đưa các con về Hải Phòng, chứ ra Đông Anh làm ruộng không quen.
Vẫn như mấy ngày trước, Shimizu vẫn kể những chuyện tình buồn. Một lần, giặt áo cho chồng, tình cờ bà đọc được mẩu giấy có ghi: “Đề nghị lãnh đạo các địa phương hết sức giúp đỡ gia đình đồng chí Nguyễn Văn Đức. Đồng chí Nguyễn Văn Đức được nghỉ phép hai tháng rồi phải đi công tác khá lâu!”. Mảnh giấy này có chữ ký của một lãnh đạo ngoại giao khi đó.
Chồng theo cách mạng, đi công tác cũng là chuyện thường tình, vậy nên đọc tờ giấy đó, bà Xuân chỉ thầm trách yêu chồng là chỉ khéo lo xa.
Về với vợ con vừa tròn nửa phép thì một chiều có hai đồng chí cán bộ nói là người cùng đơn vị đến thông báo với gia đình rằng, sớm mai, Shimizu phải lên đường công tác sớm.\
Lời đau đêm cuối "gặp lại anh cũng già rồi"
Ảnh chồng bà Xuân phóng to treo trong phòng mình để mong nguôi ngoai nỗi nhớ
Thấy lại sắp phải xa chồng, cũng rất buồn, nhưng như mọi lần bà chỉ hỏi: “Em biết lần này anh đi công tác khá lâu, vậy bao giờ anh về?”. Có lẽ biết vợ đã đọc được mẩu giấy nọ nên Shimizu thoáng chút bối rối, nhưng cũng vội trả lời: “Sao biết trước được hả em! Tuỳ chiến tranh nhanh hay chậm!”.
Nói rồi như sực nhớ ra điều gì, Shimizu vội vàng gọi các con rồi giục bà chải đầu tóc để ra phố huyện chụp ảnh. Shimizu chụp ảnh từng người một, rồi chụp cả gia đình. Bà Xuân bảo, ngày đó bà đâu biết rằng Shimiyu muốn dùng những tấm hình đó lưu lại trong mình hình bóng của vợ, của con. Ngày ấy, bà còn trách chồng dạo này hay vẽ vời, nhiều chuyện.
Đêm ấy, Shimizu nằm úp mặt vào tường, im thin thít. Bà Xuân thấy hơi lạ, nhưng cảm giác lạ lùng đó không lớn bằng niềm hạnh phúc đang ngập tràn. Bà nghĩ, chắc tại quá yêu mình nên trước ngày đi công tác, Shimiyu buồn bởi sự ngăn cách mỗi đứa một nơi.
Suy nghĩ ấy đã đưa bà vào giấc ngủ êm đềm chứ bà biết đâu rằng, Shimizu đang cố ghìm nước mắt.
Sáng hôm sau, bà dậy sớm hơn thường lệ, nấu một bữa tươm để tiễn đưa chồng. Quá 7 giờ mà Shimizu vẫn nằm bẹp trên giường không chịu dậy, khiến bà phải lên giục mấy lần. Thấy chồng lặng lẽ xuống, bà bảo: “Anh Đức có mời ai đến ăn cơm cùng không?”. “Không! Nếu Xuân muốn mời ai thì để hôm khác nhé, hôm nay tôi muốn chỉ có mỗi nhà ta thôi”.
Bữa ấy, Shimizu hầu như không đụng đũa, hết nhìn vợ rồi lại tha thiết ngắm các con.
Đến giờ hẹn, thấy hai đồng chí cùng đơn vị vừa đến, Shimizu vội vã khoác ba lô đứng dậy. Trước khi lên xe, Shimizu đã nắm chặt tay bà bảo: “Xuân chịu thương chịu khó nuôi dạy các con thành người, dọn về Đông Anh đi, nông nghiệp là cơ bản, em ạ. Khi tôi về chắc các con đã lớn!”.
“Lúc đó thì em cũng già rồi!”, bà đáp bằng ánh mắt hoang mang, lo sợ. “Xuân già thì tôi cũng già mà! Thôi, tôi đi đây kẻo muộn”, nói chưa dứt lời thì Shimizu vội vàng lên xe để che đi hai hàng nước mắt. Năm ấy, bà mới vừa tròn 31 tuổi.
Đặt ảnh thờ cho người còn sống
Nhớ chồng, bà Xuân chỉ biết lần giở những kỷ vật ngày xưa
Gần một năm sau, không thấy tin tức gì của chồng, bà Xuân đâm sốt ruột. Lần hỏi thì mới té ngửa ra rằng, Shimizu đã về Nhật với nhiệm vụ gây dựng cơ sở cho cách mạng.
Biết tin đó, bà ôm con khóc thâm quầng mắt suốt mấy ngày trời. Nghĩ chẳng biết khi nào mới gặp lại chồng, thêm nữa nguy cơ thiếu ăn đang đến rất gần, nghe lời chồng, bà bồng bế các con về Đông Anh xin đất làm ăn.
Shimizu vẫn biệt vô âm tín và bà Xuân thì bắt đầu có những tháng ngày cơ cực. Không làm ruộng bao giờ nên bà phải học từng li, từng tí. Học mãi rồi cũng quen tay cày tay cuốc thế nhưng cái suy nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại chồng nữa thì cố mấy cô cũng chẳng thể nào quen.
Nước mắt cứ chảy suốt những canh dài và đã rất nhiều lần bật ra thành tiếng mỗi khi trước những việc khó, cần phụ giúp của người đàn ông. Thấy bà cô quạnh đã rất nhiều người đến ngỏ lời muốn cùng cô gánh vác việc gia đình. Người chưa lấy vợ có, người rổ rá cạp lại có… Bà từ chối hết, phần vì lo các con sẽ khổ, phần vì trái tim mình chỉ có mỗi hình bóng Shimizu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người vợ xinh đẹp thưở nào cũng già dần đi theo nỗi nhớ. Năm chị Phương (con gái thứ 2 của bà Xuân) tròn 20 về nhà chồng, quá xúc động bà đã chạy vào buồng khóc nấc lên. Bà gọi Shimizu, bà trách móc rằng, tại sao trước khi đi, anh bảo khi con lớn anh sẽ về mà bây giờ con đã lấy chồng mà anh vẫn còn mãi ở nơi đâu…
Thấy chẳng có tin gì của chồng, dù không muốn nhưng bà cũng phải nghĩ rằng Shimizu đã chết. Thế là, sau đám cưới của con, trong nhà cô có thêm chiếc ban thờ, trên đó treo ảnh Shimizu. Cứ đến ngày Shimizu xa vợ con, bà lại làm giỗ cho chồng.
(Còn nữa)