Chim trời 'lao đầu' vào máy bay, Vietjet phải điều chỉnh lịch bay nhiều chuyến
Ngày 29/4, hãng hàng không Vietjet cho biết, vào đêm 28/4, chuyến bay mang số hiệu VN A637 của hãng đã bị chim trời đâm vào cánh máy bay.
Sự cố xảy ra khi máy bay đang bay từ Cam Ranh (Khánh Hòa) xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Toàn bộ hành khách trên máy bay an toàn.
“Để đảm bảo an toàn, hãng đã dừng tàu bay để kiểm tra, sửa chữa, do vậy làm ảnh hưởng đến lịch khai thác của hãng trong ngày 29/4/2108. Bảy chuyến bay có thể bị huỷ bao gồm: VJ271 từ Hải Phòng đi TP. Hồ Chí Minh; VJ128 từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội ; VJ139 từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh; VJ214, VJ215 từ TP. Hồ Chí Minh đi TP.Vinh, và ngược lại VJ116 từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội và VJ163 từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh”, vị đại diện hãng hàng không Vietjet thông tin.
Theo vị này, việc chim trời va vào cánh máy bay cũng khiến 10 chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền và phải điều chỉnh lịch bay. Sau khi xảy ra vụ việc, Vietjet đã triển khai phương án điều chỉnh lịch bay, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới hành khách, thông tin cho hành khách tại các sân bay và qua nhiều kênh truyền thông, qua điện thoại, tin nhắn SMS.
“Tình huống chuyến bay bị ảnh hưởng do chim va vào máy bay và ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay kế tiếp thường xảy ra trong vận tải hàng không. Việc này gây thiệt hại không nhỏ cho hãng hàng không, tuy nhiên, để đảm bảo chúng tôi luôn đặt an toàn của hành khách lên hàng đầu”, vị đại diện hãng hàng không Vietjet thông tin thêm.
Hình ảnh một chiếc máy bay bị chim trời đâm móp. Ảnh minh hoạ
Chúng ta biết rằng, vỏ máy bay được làm từ những vật liệu siêu bền, dù có bị sét đánh trúng vẫn "bình yên vô sự". Vậy bằng cách nào những chú chim nhỏ bé lại có thể chiến thắng "chim sắt"?
Chúng ta thường cho rằng, cơ thể loài chim rất mềm và xốp nhờ vào lớp lông vũ của chúng. Tuy nhiên, giới chuyên gia vật lý cho biết đây thực chất là một quan niệm sai lầm. Bởi lẽ, xét cho cùng chim là một sinh vật "bằng xương và thịt", tức là chúng rất cứng - khi đâm vào một vật cứng ở tốc độ cao sẽ cho kết quả không hề tốt đẹp như ta vẫn tưởng.
Hãy thử xét đến ví dụ sau để thấy lực tác động do một con chim nặng 1kg gây ra cho máy bay Boeing 747 - một trong những máy bay dân dụng phổ biến nhất trên thế giới.
Đầu tiên ta xét đến vận tốc. Hầu hết những vụ máy bay đâm phải chim đều diễn ra trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Do đó, ta sẽ lấy vận tốc khi cất cánh để làm chuẩn - vận tốc của chiếc Boeing 747 trong giai đoạn này ở vào khoảng 92m/s.
Tiếp đến là động năng. Động năng trong trường hợp này được tính dựa trên vận tốc của máy bay với trọng lượng của chim là 1kg. Vậy ta có: Ek (động năng) = 0.5*m*v^2 = 4232 J với m là khối lượng, v là vận tốc. Giả sử chỗ chim va chạm với máy bay ở khoảng cách 5cm, vậy lực tác động có thể được tính:
F = Ek/s = 42,3 kN (kilo Newton), với F là lực, và s là khoảng cách. Toàn bộ lực va chạm lan truyền lên diện tích phần thân trước của chim, có diện tích ước tính là 0,05 mét vuông. Vậy ta có áp lực tại thời điểm này là: p= F/A = 42.300/0.05 = 0,85 MPa (Mega Pascal - đơn vị đo áp lực), với A là diện tích khu vực va chạm với chim.
Một chiếc Boeing 747 có thể chịu được áp lực trên cánh rơi vào khoảng 7.300 Pa, trong đó ngưỡng an toàn cho lớp vỏ cánh là gấp 3 lần áp lực cánh thông thường. Vỏ máy bay thường sẽ bị móp hoặc rách khi phải chịu áp lực gấp 6 lần, tức 43.800 Pa, tương đương 0,044 MPa.
Ta có thể thấy áp lực cho phép của vỏ máy bay thấp hơn gần 19 lần so với những gì gây ra khi va phải chim. Chính vì thế, một chú chim nhỏ bé có thể làm móp lớp vỏ máy bay một cách dễ dàng và thậm chí có thể gây thảm họa nếu như bay vào động cơ máy bay.