Cấm kinh doanh, quảng cáo nước ngọt có ga: Không chỉ trong trường học!
Theo nhiều phụ huynh việc cấm kinh doanh, quảng cáo sản phẩm nước ngọt có ga là chủ trương đúng của Chính phủ và cần thực hiện không chỉ ở trường học mà cả nơi vui chơi, hàng quán xung quanh các cơ sở giáo dục.
Cấm kinh doanh, quảng cáo nước ngọt có ga: Không chỉ trong trường học! Ảnh minh họa
Phải cấm ở khu vui chơi, công viên
Việt Nam đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng, một bên là suy dinh dưỡng và một bên là thừa cân béo phì. Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%. Bên cạnh suy dinh tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý ở trẻ em. Ở nhiều gia đình vì thói quen chiều con nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm đồ uống theo sở thích, nhất là sản phẩm nước ngọt có ga.
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 46/CT-TTg với nội dung nhấn mạnh cấm quảng cáo, kinh doanh sản phẩm đồ uống có cồn, nước ngọt có ga trong trường học.
Quy định mới tại chỉ thị 46 ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh.
Chia sẻ với PV chị Minh Ngọc có con gái đang học tại trường tiểu học Bill Gates (Linh Đàm) cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương chăm sóc dinh dưỡng trong tình hình mới của Chính phủ, đặc biệt là các ưu tiên chăm sóc phát triển sức khỏe trẻ em với những nội dung cụ thể như cấm quảng cáo, bán nước ngọt có ga trong trường học.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, để việc hạn chế này được hiệu quả, nên cấm bán cả ở các nơi trẻ có thể lui tới như khu vui chơi, nhà thi đấu thể thao cho trẻ, các khu vực giới hạn quanh trường học…bằng việc quy định độ tuổi được sử dụng hoặc tăng thuế đối với sản phẩm nước ngọt có ga".
Cũng đồng tình với vấn đề này, nhiều phụ huynh còn giật mình vì lâu nay vẫn yêu thương, nuông chiều con không đúng cách.
Chị Huyền Thanh (Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy) có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận cho biết, trước đây chị vẫn thường cho con uống nước ngọt có ga khác vì trong bữa ăn, cha mẹ có đồ uống nên bé cứ đòi.
Tuy nhiên, bé bị sâu răng khá nhiều, răng cũng vàng, ố, chị đưa đi khám thì được các bác sĩ cho biết bé bị hỏng men răng mà nguyên nhân có thể vì sử dụng nhiều nước ngọt có ga.
Chị Thanh chia sẻ: "Mình thực sự cảm thấy hối hận vì đã vô tình làm hỏng mất bộ răng của con quá sớm. Trẻ dùng nước ngọt có ga hàm lượng đường nhiều, lại chưa biết cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ nên hỏng hết men răng.
Lúc trước khi cho con uống mình cũng cẩn thận mua đồ của Nhật nhập về nhưng chỉ nghĩ đến chất bảo quản hay nguyên liệu này nọ, hoàn toàn không nghĩ tới các tác dụng phụ nó mang lại. Giá mà lệnh cấm này của Nhà nước có sớm, thì có phải mình đã giật mình xem lại và biết đâu con gái mình không bị hỏng mất "một góc con người" như vậy không?".
Giống như chị Thanh, anh Thành (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) có hai con đang học tại trường tiểu học Kim Đồng cho rằng, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 46 khiến anh như người chết đuối vớ được cọc.
Hai cậu con trai của anh đều ở trạng thái béo phì nhưng dù anh có giải thích thế nào ông bà nội vẫn cứ cho cháu uống sản phẩm nước ngọt có ga khi cháu đòi.
Theo anh Thành, việc Chính phủ cấm hẳn trong trường học thì ắt hẳn nó phải có tác hại đối với trẻ nhỏ và các tác hại này hẳn phải được nghiên cứu chứng minh rõ ràng rồi.
Anh Thành cho rằng, khi có những nghiên cứu rõ ràng anh sẽ có cách để nói với ông bà và chắc chắn vì lo cho sức khỏe của các cháu nội, ông bà sẽ không chiều theo những đòi hỏi này nữa.
Anh Thành cũng đề nghị , ngoài việc tuyên truyền phổ biến trong nhà trường, có lẽ cần nghiên cứu việc cấm cả quảng cáo trên truyền hình, báo chí, phát thanh, ít nhất là ở những kênh dành cho trẻ em.
Chỉ thị đưa ra rất tốt nhưng theo PGS Bùi Thị An cần phải giám sát và thường xuyên kiểm tra. Ảnh: Người đưa tin
Giám sát kiểm tra thường xuyên
Trước việc Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về việc không quảng cáo và kinh doanh các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga trong trường học.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định: "Đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ liên quan đến chất lượng nguồn lực đất nước sau này".
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, hiện nay các căng tin trong các trường học bày bán sản phẩm như bách hóa tổng hợp ở đó có cả bia, rượu, thuốc lá…Việc bán và kiểm soát người mua, sử dụng sản phẩm này rất khó.
"Thực tế này đòi hỏi phải có sự quản lý vì vậy tôi cho rằng Chỉ thị nêu ra vấn đề không được quảng cáo, kinh doanh đồ uống có còn, nước ngọt có ga trong trường học là rất đúng đắn", PGS Bùi Thị An nhấn mạnh.
PGS Bùi Thị An chỉ rõ, trong môi trường giáo dục việc cấm đồ uống có cồn, nước ngọt có ga sẽ ngăn chặn hậu họa cho thế hệ trẻ bởi nếu để trẻ sử dụng đồ uống có cồn, đồ uống kích thích, đồ uống có ga sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.
Những đồ uống này không có chất dinh dưỡng ngược lại ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt đồ uống có cồn gây kích thích ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
"Chất lượng nguồn lao động trẻ phụ thuộc rất nhiều vào thực phẩm, việc sử dụng thực phẩm không tốt, thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia là rất tổn hại thần kinh, sử dụng nhiều nước ngọt có ga gây ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ", PGS An nói.
Chỉ thị đưa ra rất tốt nhưng theo PGS Bùi Thị An cần phải giám sát và thường xuyên kiểm tra. Muốn thực hiện điều này đòi hỏi vai trò lớn của ngành giáo dục và đào tạo.
"Phải thường xuyên thanh kiểm tra bất ngờ nếu phát hiện xử lý nghiêm minh những người vi phạm nếu phát hiện ra phải bị xử phạt thật nghiêm chấm dứt không cho kinh doanh, bán các sản phẩm trong trường học", PGS An đề nghị.