Cạm bẫy trên sàn Forex
Forex không hề mới nhưng việc nhà đầu tư vẫn liên tục sập bẫy cho thấy sức hút của mô hình này là rất lớn, bất chấp cảnh báo.
Trong đó 2 yếu tố rất rõ ràng là lợi nhuận cực “khủng” và trả lãi việc phát triển mạng lưới theo mô hình đa cấp.
Những quảng cáo đầy hấp dẫn đã cuốn nhiều người đầu tư vào forex. Ảnh: Nguyễn Bằng.
Anh Nguyễn Tiến Cương (Bắc Ninh) đã viết đơn tố cáo sàn Gkfx cùng với việc chỉ tên đích danh một số cá nhân hoạt động trên sàn đã có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, tháng 10/2020, Huỳnh Thị Hồng Phương (số điện thoại 0938760xxx) và Minh Quân (số điện thoại 0932463xxx) săn đón, mời chào anh Nguyễn Tiến Cương mở tài khoản trên sàn Gkfx và cam kết, nếu giao dịch theo lệnh chuyên gia sàn, sẽ có tỷ suất lợi nhuận 10-15%/tháng (120-180%/năm).
Nhà đầu tư tố cáo
Theo giới thiệu của Quân, Gkfx là sàn giao dịch đặt tại Vương quốc Anh, văn phòng đại diện đặt tại tầng 22, 24, Tòa nhà MD Complex (68 - Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội). Sau khi anh Cương đồng ý tham gia, Quân hướng dẫn anh Cương nạp tiền vào tài khoản Ngân Lượng để giao dịch, sau đó sàn Gkfx cử một “chuyên gia” tên Nhiên (số điện thoại 0903338xxx) hướng dẫn giao dịch. Thế nhưng, trái với cam kết lợi nhuận 15%/tháng, làm theo hướng dẫn của Nhiên, anh Cương liên tục cháy tài khoản và nhiên liên tục dồn ép nạp thêm tiền để gỡ.
Sau khi bị âm tài khoản quá nhiều tính ra 1,7 tỷ đồng, anh Cương mới nhận ra mình bị môi giới và nhiều cá nhân trên sàn Gkfx cấu kết lừa đảo. Chính vì vậy, cuối tháng 11/2020, anh gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Bắc Ninh.
Đến ngày 1/12/2020, một người tự xưng nhân viên của sàn Gkfx gọi điện cho anh Cương, đề nghị giúp anh giao dịch để gỡ cháy tài khoản nếu anh chịu rút đơn tố cáo. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm vì những lần hứa hẹn trước, anh Cương kiên quyết không giao dịch.
Tiếp đó, ngày 2/12/2020, một người tên Triết, tự xưng là quản lý cấp cao của sàn Gkfx (điện thoại 0911420xxx) gọi điện, nhắn tin và gửi thư điện tử cho anh Cương, đề nghị sẽ gửi vào tài khoản của anh 3.000 USD để giúp anh gỡ dần tài khoản với điều kiện phải viết cam kết thực hiện 100% theo lệnh của anh ta, đồng thời rút đơn tố cáo, không truy vấn nguồn tiền chuyển qua Công ty Ngân Lượng. Khi anh Cương từ chối, người này đe dọa sẽ cho cháy tài khoản của anh.
Anh Nguyễn Tiến Cương chỉ là một trong rất nhiều con mồi ngon dính bẫy trên sàn Forex. Trước anh Cương, nhiều cá nhân khác tố cáo sàn Liber Forex. Liber Forex mời gọi nhà đầu tư tham gia bằng các bước, nhà đầu tư bỏ tiền mua một đồng tiền ảo được sàn Liber Forex phát hành gọi là LIBFFX Coin. Liber Forex cũng đưa ra các gói tiền, mỗi 1 LIBFX Coin tương đương 50 USD.
Hàng tháng, nhà đầu tư sẽ nhận mức lãi suất do sàn Liber Forex trả từ khoảng 8% đến 16% tùy vào từng gói đầu tư. Tính ra mức lãi suất lên đến hơn 190%/năm.
Những quảng cáo đầy ma lực hút người ta đầu tư vào Forex mà không nghĩ đến rủi ro.
Nhận diện lừa đảo
Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều sàn Forex với những mô hình lừa đảo khác nhau. Các sàn Forex này được quảng cáo đến từ Anh, Đức… và hứa hẹn nhà đầu tư nộp tiền thật và chơi . Nếu có uỷ thác, mức lãi mà các chủ sàn chi trả rất lớn.
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh chỉ ra, điểm nhận diện các sàn Forex lừa đảo là hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt. Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy.
Cũng có trường hợp, chủ sàn trả tiền lời bằng tiền thật theo như cam kết. Tuy nhiên, số tiền được trả lại luôn luôn dưới mức tổng tiền nộp vào trước khi sàn… biến mất. Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, sau đó chủ sàn sẽ trả lãi đều đặn 6-7 tháng trước khi biến mất. Trong thời gian này, nhà đầu tư sau khi nhận tiền tươi sẽ có niềm tin để quảng cáo, chiêu dụ thêm bạn bè, người thân vào hệ thống của họ một cách vô thức.
Một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư bằng cách giúp nhà đầu tư có lợi nhuận - có thể là tiền thật, tiền ảo hoặc cổ phiếu - song nhà đầu tư muốn rút tiền thì phải đóng thêm tiền, đóng phí chuyển đổi; muốn rút tiền lời ra thì phải đóng hàng loạt phí, như: Phí thuê ví của sàn, phí chuyển đổi tiền, phí rút tiền, phí giao dịch… Nghĩa là tiền của mình bị chiếm đoạt, thậm chí còn phải đóng phí… cho người chiếm đoạt nữa.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, một số sàn lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống. Theo đó, khi nhà đầu tư tham gia thì lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống, nhà đầu tư cứ tưởng đánh theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua. Hoặc có sàn không sửa lệnh, song đợi đến khi số người nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất. Thậm chí, có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị công an bắt để nạn nhân sợ không đi kiện, vì bản thân các nhà đầu tư cũng biết là đầu tư vào các sàn này không được pháp luật cho phép.
Đầu tư là tiếp tay cho sai phạm
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ sàn forex nào nên tất cả các sàn forex đang hoạt động là vi phạm pháp luật, không được công nhận kinh doanh nên nếu người dân tham gia vào sàn giao dịch này, phát sinh rủi ro thì sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN, người dân, cá nhân đầu tư vào những sàn này là tiếp tay cho sai phạm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, để có được lợi nhuận kinh doanh vài chục % đã là khó khăn với nhiều doanh nghiệp, thì việc sàn Liber Forex đưa ra lợi nhuận, lãi suất tới gần 200% thì đã thấy dấu hiệu của lừa đảo.
“Người dân cần phải quan tâm đến các lời chào mời đầu tư có phù hợp với thực tiễn hay không, có phù hợp với quy định pháp luật hay không” - giới chuyên gia khuyến cáo