Các nghệ sĩ nói gì về sự trở lại bất ngờ của dòng nhạc bolero
Nhạc bolero đang nở rộ với nhiều chương trình thi ca hát trên truyền hình hay các album được ra mắt thường xuyên, khiến các ca sĩ và nhạc sĩ Việt nổ ra tranh cãi.
Trong thời gian qua, rất nhiều chương trình về nhạc bolero đã được lên sóng như: Solo cùng bolero, Người hát tình ca, Kịch cùng bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng bolero... Điều này cho thấy sự "hồi sinh" mạnh mẽ của bolero khi được công chúng đón nhận và yêu thích hơn.
Dàn giám khảo Quang Linh, Đan Trường, Cẩm Ly, Quang Dũng trong một cuộc thi hát nhạc bolero. Ảnh: VTV
Bolero là dòng nhạc dễ nghe, dễ thuộc nên đối tượng phần lớn là khán giả đại chúng. Già, trẻ, lớn, bé đều có thể nghe được nếu đã lỡ trót yêu dòng nhạc này. Cũng chính vì đang nở rộ nên việc phát hành album bolero cứ dài ra từng ngày, từ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Thanh Thảo cho đến Quang Dũng, Hồ Quỳnh Hương hay cả các ca sĩ trẻ như Hoài Lâm, Jang Mi cũng thử sức với thể loại nhạc này.
Trước sự trở lại mạnh mẽ, phủ sóng rộng khắp và có phần lạm dụng thái quá trong các chương trình truyền hình, rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã lên tiếng với những ý kiến khác nhau. Từ đả kích công khai cho đến những người gay gắt bênh vực dòng nhạc này.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng bolero chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nhạc bolero nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Ảnh: VTV
Vị nhạc sĩ nổi tiếng khẳng định bolero là "biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”, và không khỏi thắc về những thanh niên, trí thức trẻ thông thạo công nghê nhưng lại đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm có gọi là bình thường hay không?
Cùng quan điểm với "đàn anh", nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ về hiện tượng hát bolero: “Tôi nghĩ đây là một việc làm hoàn toàn nghiệp dư và thiếu nhận thức về con đường đi của mình, đá nhầm sân chỉ là sự a dua mà thôi!”.
Một nhạc sĩ khác là Lê Minh Sơn cũng gay gắt nói về những đêm nhạc bolero nở rộ: "Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ".
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng đêm nhạc bolero với người sáng tạo là sự trì trệ và đau khổ. Ảnh: Internet
Nặng nề hơn, ca sĩ Tùng Dương mới đây trong một bài phỏng vấn đã khẳng định: "Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi".
Các nhạc sĩ, ca sĩ trên hầu hết là những người đi tiên phong trong âm nhạc và luôn tìm tòi điều mới mẻ trong âm nhạc, nên có lẽ sẽ rất khó chấp nhận sự trở lại mạnh mẽ, ít sáng tạo như nhạc bolero.
Trái lại, các ca sĩ - nhạc sĩ từng hát hay sáng tác nhạc bolero lại tỏ ra gay gắt với những ý kiến chỉ trích dòng nhạc bolero.
Ca sĩ Bảo Yến cho rằng nhạc sĩ Quốc Trung cố tình "hạ bệ" bolero khi gọi dòng nhạc này là "sến", hay chỉ trích nhạc sĩ Huy Tuấn "chỉ thích một phía và đó là phần khiếm khuyết của anh ấy. Làm sao có thể không mê dòng nhạc nổi tiếng từ bấy lâu nay của Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương… vốn là những tay “phù thủy” của ngôn từ và giai điệu?”.
Ca sĩ Bảo Yến thẳng thừng phản bác nhạc sĩ Quốc Trung. Ảnh: Internet
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc thậm chí còn gay gắt hơn khi phản pháo: “Nhạc của Huy Tuấn, Quốc Trung cũng không hơn gì những dòng nhạc kia, nhạc của họ sáng tác cũng hay hơn gì nhạc sến đâu, cũng là nhạc showbiz".
Ca sĩ Lệ Quyên cho rằng nhạc bolero không thể làm trì trệ nền âm nhạc. "Âm nhạc chỉ là âm nhạc và nhiệm vụ của nó là đem lại cảm xúc và chạm đến trái tim của người nghe. Một vườn hoa âm nhạc thì phải đủ các dòng nhạc, các thể loại để tạo nên sự đa dạng cho người thưởng thức", nữ ca sĩ cho biết.
Lệ Quyên cho rằng bolero không thể làm trì trệ nền âm nhạc. Ảnh: Internet
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nghĩ rằng đây chỉ là trào lưu, không phải điều gì ghê gớm để thay đổi diện mạo âm nhạc Việt Nam, tuy nhiên anh cũng hùng hồn tuyên bố: "Những người thường lên án bolero phải tự hỏi lại mình đã làm được gì để người nghe không bị bolero mê hoặc".
Cuộc tranh cãi về nhạc bolero vẫn chưa có điểm dừng, liệu nhạc bolero sẽ sớm đánh mất vị thế hay "hưng thịnh"? Thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này.