BOT Cai Lậy xả trạm vì tiền lẻ: Chuyển gấp tiền 100 đồng vào Tiền Giang

01-12-2017 20:26:07

Liên quan đến việc BOT Cai Lậy phải trả tài xế trả tiền lẻ phản đối thu phí, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết đã xin lệnh chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về.


BOT Cai Lậy xả trạm vì tiền lẻ: Chuyển gấp tiền 100 đồng vào Tiền Giang. Ảnh Tri thức trực tuyến

Vừa qua, các tài xế đã đồng loạt phản đối việc trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) được đặt trên Quốc lộ 1 thay vì đường tránh. Cụ thể, các tài xế đã dùng số tiền 25.100 đồng để mua vé có mệnh giá 25.000 đồng. Trong khi các nhân viên tại trạm thu phí không thể tìm được 100 đồng để thối cho các tài xế, thì các tài xế lại không muốn nhận nhiều hơn số tiền thừa.

Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV báo Dân việt chiều 1/12, bà Nguyễn Thị Đậm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, thực tế đã một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng tiền 100 đồng. Tuy nhiên, khi phát sinh vụ việc liên quan tới tiền 100 đồng như tại BOT Tiền Giang thì chi nhánh này đã xin lệnh để chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về.

“Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn cung ứng đủ tiền cho nền kinh tế. Riêng tiền 100 đồng, trong một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng nên chi nhánh để ở kho tiền trung ương tại TP.HCM. Khi phát sinh việc này, chúng tôi đã xin lệnh điều gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang”, bà Đậm nói.

Bà Đậm khẳng định lại một lần nữa là tiền đã có sẵn và đang chuyển về Tiền Giang. “Bây giờ đã hết giờ làm việc nên không rõ tiền có về kịp trong chiều nay (1/12) hay không. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định là sẽ có tiền cung ứng”, bà Đậm nhấn mạnh thêm.

Trong một diễn biến khác, chiều 1/12, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, theo Vnexpress.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này; Bộ sẽ tổng hợp toàn diện mặt được, chưa được để trình lên Thủ tướng.

Trước diễn biến ở BOT Cai Lậy từ ngày 30/11 đến nay, ông Nhật cho biết, theo quy định hiện hành thì các trạm ách tắc quá 500 m sẽ phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước không để thời gian ùn tắc kéo dài ở các trạm thu phí BOT nói chung.

Tuy nhiên, theo ông, vừa qua tại trạm BOT Cai Lậy có một số tài xế quá khích, đánh xe tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại... Ông Nhật cũng cho biết, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.

Trước đó, sáng 1/12, cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp về BOT trình Thường trực Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh "đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, Tiền Giang" để có đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //