Bị khởi tố thêm tội danh, ông Phan Văn Vĩnh đối diện với mức án nào?
VKSND Tối cao đã ký quyết định phê chuẩn khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh (SN 1955, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an) về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.
Đang thụ án, ông Phan Văn Vĩnh tiếp tục bị khởi tố bị can trong một vụ án “Ra quyết định trái pháp luật” do Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khởi tố hôm 31.5. Vụ án trên từng được gọi là "kỳ án buôn lậu gỗ trắc" xảy ra tại C44 Bộ Công an dưới thời ông Phan Văn Vĩnh làm Thủ trưởng cơ quan này.
Dư luận đặt câu hỏi, thêm tội mới, ông Phan Văn Vĩnh sẽ phải đối mặt với mức án mới nào, tổng án phạt tù sẽ như thế nào? Luật sư Diệp Năng Bình cho Kiến Thức biết, trong vụ án này, nếu sau này ông Vĩnh bị truy tố theo khoản 2 Điều 371 thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Luật sư Bình nói thêm, căn cứ khoản 1 Điều 56 Bộ luật Hình sự trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
Khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định đối với hình phạt chính: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
Như vậy, nếu ông Vĩnh bị truy tố theo khoản 2 Điều 371 bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và giả sử nếu ông ta bị tuyên cao nhất là 7 năm thì tổng hợp hình phạt của ông ta sẽ là 16 năm do cộng 9 năm của bản án trước mà ông Vĩnh đang thụ án.
Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Internet
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với tội ra quyết định trái pháp luật thì mức hình phạt cao nhất theo quy định tại Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thiệt hại do việc “bán vội” lô gỗ trắc trên là bao nhiêu so với giá thị trường? Có ai được hưởng lợi hay không? nếu được hưởng lợi sẽ khởi tố thêm tội danh tội phạm về chức vụ tương ứng với hành vi vi phạm. Mức chênh lệch giá cũng là cơ sở để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, nếu thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì ông Vĩnh có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 3, Điều 371 BLHS là đến 12 năm tù.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp bị kết tội ra quyết định trái pháp luật thì tòa án sẽ căn cứ vào điều 371 BLHS để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với ông Vĩnh đồng thời tổng hợp với hình phạt theo bản án trước đây mà ông Vĩnh đang chấp hành (9 năm) theo nguyên tắc hình phạt chung sẽ là tổng số hình phạt của hai tội danh nhưng không quá 30 năm tù.
Diễn biến vụ bán gỗ trắc tang vật xảy ra tại C44 Bộ Công an như sau: Ngày 12/7/2013, bà Khương Thị Minh Hằng, Phó vụ trưởng, V1 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ký văn bản số 25/VKSTC-V1 “Yêu cầu điều tra theo Điều 37 BLTTHS vụ án Buôn lậu gỗ” gửi C44, trong đó có yêu cầu: “Tiến hành đấu giá lô hàng thu giữ của Công ty Ngọc Hưng”. Ngày 31/7/2013, ông Lê Đình Nhường, Đại tá, Chánh văn phòng C44, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ký “Quyết định xử lý vật chứng” số 21/C44-P4, quyết định: “Xử lý vật chứng gồm Toàn bộ số gỗ của lô hàng xuất khẩu thuộc tờ khai 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (từ đây viết là Công ty Ngọc Hưng), bằng hình thức tổ chức bán đấu giá”.
Cùng trong ngày 31/7 đó, Đại tá Nhường ra Quyết định số 22/C44-P4 xác định giá khởi điểm để bán đấu giá toàn bộ lô gỗ tang vật của vụ án là 63.619.706.500 đồng. Ngày 1/8/2013, Đại tá Lê Đình Nhường ký Công văn số 431/C44-P4 gửi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; và sau đó, ngày 2/8/2013 đã ký hợp đồng số 43/2013/HĐĐG với Trung tâm này “về việc bán đấu giá lô gỗ vật chứng” (công văn số 905/C44-P4 ngày 31/12/2013 của C44).
Vì phát sinh 1 số vấn đề liên quan đến lô gỗ nên ngày 12/8/2013, Đại tá Nhường lại ký công văn số 468/C44-P4 đề nghị tạm dừng tổ chức bán đấu giá tài sản. Ngày 24/9/2013, lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức họp tại Bộ Công an. Cuộc họp kết luận: “C44 phải chuyển toàn bộ lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền” (Kết luận điều tra số 13/KLĐT-C44(P4) ngày 15/10/2013 của C44).
Ngày 15/10/2013, Đại tá Lê Đình Nhường ký Kết luận điều tra vụ án “Buôn lậu”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng số 13/KLĐT-C44(P4), quyết định: “Chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ án đến V1 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao”.
Ngày 11/12/2013, ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng V1 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ký “Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung” số 01/QĐ-VKSTC-V1, trả hồ sơ cùng tang vật lại cho C44 “để điều tra bổ sung”, trong đó có yêu cầu: “Xử lý vật chứng thu giữ trong quá trình điều tra vụ án, gồm 614,672m3 gỗ thu giữ của Công ty Ngọc Hưng, đảm bảo có căn cứ theo quy định tại Điều 76 BLTTHS, Điều 41 BLHS và đáp ứng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành TW tại cuộc họp ngày 24/9/2013. Ngày 13/12/2013 ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an ký nháy vào Quyết định trên của ông Hiền gửi Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Ngày 23/12/2013, Đại tá Nhường ký công văn số 3599/C44-P4 gửi tướng Phan Văn Vĩnh “V/v Xử lý vật chứng vụ án Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nội dung: “C44 đề xuất: Cơ quan CSĐT Bộ Công an có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng theo hướng làm thủ tục bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án”.
Ngày 27/12/2013, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn số 900/C41-C44 “V/v Xử lý vật chứng vụ án Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nội dung: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề xuất đồng chí Bộ trưởng cho xử lý lô gỗ là vật chứng vụ án theo hướng bán lô gỗ vật chứng của vụ án”.
Cùng trong ngày 27/12, ông Trần Đại Quang bút phê vào công văn số 900/C41- C44: “Đồng ý xử lý theo quy định của pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”.
Bất chấp kết luận của cuộc họp liên ngành là “Chuyển toàn bộ lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền” lô gỗ trắc có trị giá thị trường tại thời điểm đó khoảng 300 tỷ đồng đã được đem bán tháo với giá 63 tỷ đồng.