Băng cướp "không tình thương" và những vụ "ăn hàng" trên sông Cấm khiến nhiều người khiếp vía

08-06-2017 07:00:00

Dân anh chị ở Hải Phòng thời bấy giờ khi nhắc tới cái tên Ruổng và Trai đều phải nể phục phần nào, vì đây là băng cướp đất Cảng giam manh, quỷ quyệt và tàn bạo đến cùng.

LTS: “Kình ngư” Vũ Văn Thơ sa lưới pháp luật, sông Bạch Đằng vừa trở lại yên tĩnh thì ngay lập tức trên dòng sông Cấm, một băng cướp đất Cảng khác lại bùng lên nhức nhối. Một toán cướp gồm 9 tên do hai “đầu lĩnh” có máu mặt là Ruổng và Trai cầm đầu.

Trang bị đầy đủ súng, lựu đạn, lê, kiếm, chúng tự tuyên bố, chúng là băng cướp không có tình thương, “con mồi” nào chống cự thì chúng sẵn sàng tiễn đưa về chầu hà bá. Có lẽ, trong giới “thuỷ tặc” đất Cảng từ trước đến nay, toán cướp này là đại diện hoàn hảo nhất bởi chúng gian manh, quỷ quyệt và sự bạo tàn cũng tột đỉnh kinh hoàng.

Bang giao tội ác của hai "đầu lĩnh" băng cướp đất Cảng

Trai là người An Hải. Mãn hạn tù, về quê, nhờ mai mối, gia đình Trai đã sang tận Hoàng Động, Thuỷ Nguyên hỏi vợ cho y những mong từ đây y chí thú làm ăn, giã từ con đường dao búa. Thế nhưng, mọi sự hy vọng của gia đình đã sớm tan như bong bóng xà phòng bởi “ở yên” chẳng được bao lâu, hắn lại chứng nào tật ấy.

Ông trùm cầm đầu băng cướp đất Cảng cũng phải tra tay vào còng. Ảnh minh họa

Máu giang hồ trong người hắn lại bùng lên mỗi khi bế tắc trên “con đường lương thiện”. Để tránh xa lũ bạn xấu ở quê nhà, gia đình Trai đã quyết định cho hắn đi ở rể, thế nhưng đó lại là quyết định sai lầm. Tâm không thiện thì chỗ nào cũng vô vàn kẻ xấu, chỗ nào cũng “có đất” để kết bè kết đảng làm điều phi pháp, đó là điều mà những người đã một mực hy vọng Trai cải tà quy chính chẳng thể nhận ra.

Bởi thế, chẳng có gì là lạ khi chỉ mấy tháng trời về quê vợ, Trai đã giao du và thâu nạp dưới trướng của mình rất nhiều tên anh chị cộm cán, cũng đã từng vào tù ra tội như mình. Trong số đám đàn em mới thâu nạp, Trai cực kỳ ấn tượng với “tứ đại cao thủ” là Hùng, Hiệp, Nướng, Đại. Trai đã từng tuyên bố, với “tài năng” của 4 tên này, hắn hoàn toàn có thể “xưng hùng xưng bá” trong giới "thảo khấu lục lâm" ở Hải Phòng, chí ít là ở trên sông nước.

Tên Nướng từng qua trung cấp đặc công, có tài bơi lội và luôn vạch ra những cách tấn công đối thủ bất ngờ. Tên Đại cũng đã qua quân đội, súng bắn hai tay như một, bách phát bách trúng. Tên Hùng cũng đã có 2 tiền án, 2 tiền sự ở Thuỷ Nguyên cũng đã ngang dọc một thời khiến nhiều người khiếp sợ. Đặc biệt, một tên mà Trai “cưng” nhất, phong y làm phó tướng ấy là tên Hiệp, bơi lội như rái cá và rất giỏi sử dụng dao găm.

Giang hồ Hải Phòng bây giờ vẫn còn kể cho nhau nghe chuyện hôm Trai mời cả bọn đến nhà kết nghĩa anh em, để “cùng mưu việc lớn”. Rượu đã ngấy ngưởng, Trai với lôi trong bao ra 5 khẩu súng (1 Col, 1 AK, 1 K44, 1 k54, 1 vonte) và 1 quả lựu đạn bày ra chiếu để ai thạo sử dụng loại gì thì tự nhận. Thế nhưng, khi tất cả đều vồ lấy những “con chó lửa” ư thích của mình trầm trồ ngắm nghía thì Hiệp vẫn cứ dửng dưng.

Thấy lạ, Trai hỏi thì Hiệp lắc đầu nói, hắn không thích chơi hàng nóng bởi những thứ đó là trò con nít. Nói rồi hắn lảo đảo đứng dậy, lôi từ trong bụng ra một vỉ dao găm, bó gọn như bộ nghề sửa chữa xe đạp. Rút ra liền 3 con nhỏ như ngón tay, dài chưa đầy gang, đưa lên ngang mặt, vằn vện săm soi.

Khi cả bọn chưa kịp hiểu hắn định giở trò gì thì bỗng “vèo” một tiếng, cả ba con dao đã cắm phập vào chiếc cột ở cuối nhà, thẳng hàng như kẻ chỉ. Phi xong, hắn lại ngồi bệt xuống chiếu uống rượu tiếp, mặc cả bọn vô tay tán thưởng.

Ruổng là người Kim Môn (Hải Dương). Khi chưa dạt về Hải Phòng làm ăn, y đã khét tiếng ở khu vực ngã ba Nổng. Là kẻ quỷ quyệt nên dù có “lưu tâm” mấy, công an Kinh Môn cũng chưa thể có những bằng chứng xác đáng để đưa y vào nhà đá. Biết khó sống tại quê nhà, y đã kéo bọn đàn em tụ về đất Cảng.

Sông Bạch Đằng, sau vụ “kình ngư” Vũ Văn Thơ, công an đang truy lùng ráo riết những tên can phạm còn lại, nên Trai cùng đồng bọn đã thống nhất chọn sông Cấm làm “lãnh địa” để gây dựng tiếng vang. Thế nhưng, làm ăn được vài vụ, Trai đã tức nổ mắt khi phát hiện ra có kẻ dám cả gan “cản mũi kỳ đà” ở ngay chính trên “lãnh thổ” của mình.

Kẻ to gan lớn mật đó không ai khác chính là băng nhóm do Ruổng cầm đầu. Không thể để cảnh “quýt làm cam chịu” mãi được, Trai đã cùng đồng bọn phục kích. Và, một đêm y cùng bọn đàn em đã tận mục sở thị cảnh Ruổng cùng đồng bọn đang dùng súng "ăn hàng" trên một con tàu mắc cạn. Định xua quân cướp lại nhưng thấy đám lâu la của Ruổng đông không kém gì mình, “hoả lực” cũng kẻ tám lạng người nửa cân, nên Trai đã lưỡng lự rồi kéo quân về.

Nhập nhoạng hôm sau, súng đạn sẵn sàng, thuyền Trai và đám đàn em lại đi tìm Ruổng. Khi cuộc đấu khẩu giữa hai “đại ca” đang đến hồi gay cấn thì chiếc sào cắm trên thuyền của Ruổng, ngay gần chỗ y đứng không biết từ đâu một mũi dao găm vèo tới, cắm xuyên. Nhát dao ấy đã khiến Ruổng sởn da gà, vã mồ hôi hột nhưng vì sĩ diện với đám đàn em nên y vẫn… cố hiên ngang nói cứng.

Một giang hồ đất Cảng bị trinh sát bắt giữ cùng với tang vật. Ảnh minh họa

Thấy đại ca bị tấn công, đám lâu la của Ruổng trong thuyền ngay lập tức nhô lên nào lê, súng sẵn sàng. Bọn đàn em của Trai cũng nhăm nhe rút súng. Khi cuộc tàn sát sắp bùng ra thì bỗng nhiên Trai xuống nước: “Đầu gấu gặp cao bồi, huynh đệ tương tàn làm gì cho mệt, chi bằng chúng ta hợp sức “làm ăn” có tốt hơn không?”. Nghe Trai nói vậy, tuy mừng như mở cờ trong bụng nhưng Ruổng vẫn làm vẻ kênh kiệu: “Ông nói vậy nghe được lắm, nhưng chỉ sợ bọn đàn em tôi không chịu!”.

Bực mình, Trai gằn giọng: “Thằng nào không chịu đứng ra! Tao bắn rục xác!”. Khi thấy không tên nào dám ho he cả, Trai mới cười khẩy vẫy Ruổng sang thuyền. Sau này, dân giang hồ Hải Phòng vẫn còn “ca ngợi” hành động khôn ngoan đó của Trai bởi chỉ chậm trễ thì sẽ diễn ra cuộc chiến một mất một còn. Thêm nữa, chẳng tốt đẹp gì khi “gom” sự chú ý, truy lùng của công an về cả phía mình.

Sau cái bắt tay hợp tác của Trai và Ruổng, những “miếng mồi ngon” trên dòng sông Cấm được phân chia. Tuy vậy, đó cũng chỉ là trên “giấy tờ” bởi thực chất, mỗi phi vụ làm ăn, Trai và Ruổng đã bàn nhau kỹ lưỡng cho dù trong nhóm bọn đàn em của hai băng vẫn gằm gè nhau, chưa phục.

Cứ định gây án ở đâu là chúng lại thống nhất ngày và gặp nhau ở cửa sông Nam Triệu. Từ Hoàng Động, Thuỷ Nguyên, Trai cùng đồng bọn theo thuyền đáy của tên Nguyễn Duy Thơ kéo ra và từ Kim Môn, băng nhóm của Ruổng theo thuyền đáy của Vũ Văn Tuế (bố vợ Ruổng) kéo về.

Để tránh sự truy xét của công an, chúng cho hung khí vào bao nilon nối với thuyền bằng sợi cước nhỏ rồi thả xuống nước. Thấy có nguy cơ bị phát hiện là ngay lập tức chúng cắt dây cước, phi tang. (Khi triệt phá toán cướp này, công an đã phát hiện ra tên T. (Tú), một đồng bọn của Trai, có khả năng… tự gia công súng, đặc biệt là súng Col, đạt đến độ chuẩn như súng nhập khẩu, vậy nên đã nhiều lần phi tang vũ khí mà băng nhóm của Trai vẫn có súng để dùng).

Đúng như lời tuyên bố “chúng tao là cướp không có tình thương”, Ruổng và Trai đã chỉ huy đàn em ra tay tàn bạo. Ai chưa kịp làm theo “lệnh” của chúng là chúng dùng lê, kiếm chém ngay. Một số vụ, sau khi gây án để bịt đầu mối, chúng đã bắt nạn nhân rồi ném ra chân đèn hộp (đèn dẫn luồng ở cửa Nam Triệu). Nếu không được cứu vớt kịp thời thì những nạn nhân này sẽ làm mồi cho hà bá khi thuỷ triều dâng.

Manh mối cuối cùng bủa lưới vây bắt gã giang hồ đất Cảng

Những ông trùm đứng đầu các băng cướp cũng phải tra tay vào còng. Ảnh minh họa

Trước những vụ cướp táo tợn trên, chuyên án 89S ra đời nhưng trước mắt các trinh sát, mọi manh mối vẫn mịt mùng. Khi gây án, toán cướp trên đều bịt mặt, hơn nữa, chúng chỉ “làm việc” vào ban đêm nên khả năng nhận diện đối tượng của người bị hại và nhân chứng không chuẩn xác. Không nản, sau nhiều ngày bám trụ hiện trường, công lao của các trinh sát đã được đáp đền xứng đáng.

Có nhân chứng đã khẳng định, giọng nói của bọn cướp không phải là giọng của dân ở vùng Nam Triệu. Và quan trọng hơn, cứ khi cửa Nam Triệu xuất hiện những chiếc thuyền đáy là lại có người nghe thấy giọng nói lạ lùng đó. Ngay lập tức, những đối tượng cộm cán ở các làng đánh cá quanh vùng Nam Triệu được các trinh sát đặc biệt... lưu tâm. Và, đến những làng chài cùng nhân chứng, các trinh sát đã có được những tin tức giá trị. Kết hợp với chính quyền địa phương và bằng những biện pháo nghiệp vụ, bóng dáng toán cướp do Trai và Ruổng cầm đầu đã lộ dần chân tướng.

Cùng lúc đó, nhiều tang vật của những vụ cướp cũng được các trinh sát thu hồi. Thế nhưng, bắt chúng thế nào, và quan trọng hơn là để chúng tâm phục khẩu phục mà cúi đấu nhận tội, lại là một cái khó nữa với các trinh sát. Truy xét theo tang vật là không triệt để, không thể bắt hết được đối tượng và rất khó thu hồi vũ khí.

Thế nên, phương án bắt sống đối tượng khi chúng đang gây án, hoặc vừa gây án xong, tang chứng vật chứng rành rành là phương án được các trinh sát tán đồng.

Theo nguồn tin của cơ sở, một ngày cuối tháng 12/1989, bọn chúng lại lên thuyền đáy kéo nhau đi “ăn hàng”. Đón lõng ở bến Nở (Hoàng Động - Thuỷ Nguyên), các trinh sát đã tóm được tên Hùng (một trong “tứ đại cao thủ” của Trai) khi y vẫn mang trên người súng và cả bao hàng vừa cướp được. Đấu tranh khai thác, Hùng đã cúi đầu nhận tội và thành khẩn khai báo đồng bọn của mình.

Trinh sát tham gia vụ bắt giữ tên Hùng kể lại, nhận được tin báo trên anh đã cùng một đồng đội đến ngay bến Nở. Biết tên Hùng luôn kè kè khẩu K54 bên người nhưng lúc đó quá gấp nên anh không thể chần chừ chờ tiếp viện. Trinh sát thấy tên Hùng đang ở trên thuyền của một lão ngư dân, anh đã quyết định hoá trang thành người quen của ngư dân đó rồi tìm cách tiếp cận thuyền.

Khi thuyền của trinh sát còn cách thuyền của lão ngư dân đó khoảng 20 chục mét, anh đã í ới gọi: “Ông H. ơi, có bi thuốc lào nào không cho thằng em một khói. Lạnh quá đi mất! Cả ngày dầm nước, đến chết cóng mất thôi!”. Trời nhập nhoạng, lão ngư dân trên cũng chẳng rõ mặt người gọi mình (hơn nữa cảnh sống sông nước gặp mặt nhiều người ở khắp mọi nơi do vậy cũng chẳng có thể nhớ hết mặt nhau) nên ông vui vẻ đáp lời : “Có đấy. Mấy hôm nay lạnh, anh sang làm hớp nước cho ấm bụng!”.

Lên thuyền, quan sát, thấy tên Hùng đang ru rú ngồi ở ngay sát sau lưng ông lão, tay thủ sẵn trong chiếc áo khoác loà xoà. Nhìn điệu bộ ấy, kinh nghiệm bắt tội phạm nguy hiểm đã mách bảo anh rằng, Hùng đang nhăm nhe rút súng và nếu hắn thấy nghi ngay lập tức hắn sẽ khống chế ông lão ngư dân để tìm cách thoát thân. Phải ra tay ngay bởi để lâu sẽ là vô cùng nguy hiểm.

Nghĩ vậy nhưng anh vẫn chưa thể hành động ngay bởi thuyền chật, thêm nữa lão ngư dân ngồi án ngay ở giữa hai người, rất khó để dùng võ thuật khống chế tên đại ác. Điệu ông lão ra chỗ khác, đó là cách duy nhất có thể để tiếo cận Hùng một cách dễ dàng. “À, bác ơi, cái chân vịt thuyền em không biết cong vênh thế nào mà từ sáng đến giờ thuyền chạy lắc ghê quá. Bác ngắm hộ em một chút để tối về còn đem ra thợ. Mai đi sớm mà thuyền bè cứ thế này thì không ổn chút nào”. Nghe anh nói vậy, ông lão đánh cá vui vẻ nhận lời, đứng dậy để đi ra ngoài ngó nghiêng chiếc chân vịt theo yêu cầu của “người quen”.

Và chỉ chờ có vậy, khi ông lão vừa đứng dậy bước ra khỏi vị trí đó thì như "cọp vồ mồi", anh bay người đến đè nghiến Hùng xuống mạn thuyền. Giãy giụa nhưng không xong, chiếc khoá số 8 đã tìm đến tay Hùng xiết chặt.

Cuộc vây bắt không tiếng súng, băng cướp chịu tra tay vào còng

Ruổng là tên liều lĩnh, cứng đầu và với những tội ác đã gây ra, y sẽ sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt. Có 2 phương án bắt Ruổng được cách trinh sát vạch ra, cách thứ nhất là bắt khi y đang ở trên sông. Cách này thật sự hiệu quả không cao bởi Ruổng rất thạo nghề sông nước. Cách thứ hai là “chờ cá mắc cạn trên bờ” nhưng cách này cũng có trở ngại ấy là anh em Ruổng đều là những tên lưu manh cộm cán, có tiền án, tiền sự và đặc biệt, có truyền thống đánh tháo can phạm khi cần.

Tuy vậy, các trinh sát vẫn chọn cách bắt thứ hai. Hôm ấy trời mưa tầm tã, biết Ruổng không thể đi gây án, các trinh sát đã bí mật ập đến xã Kim Hoà, Kim Môn nơi hắn ở. Không biết tại bản tính côn đồ hay đã đến ngày phải đền tội ác mà hôm đó Ruổng lại giở chứng gây gổ đánh nhau với hàng xóm ở ngay cạnh nhà. Không bỏ qua cơ hội hiếm có đó, các trinh sát đã đánh giấy xuống nhà triệu tập y lên UB xã với nội dung hỏi về chuyện đánh nhau.

Coi thường mấy “ông xã”, hơn nữa nghĩ đánh nhau thì chẳng vấn đề gì, Ruổng đã hùng hổ lên. Và, ngay lập tức chiếc còng số 8 đã bập vào đôi tay nhớp nhơ tội ác của hắn.

Bắt tên Hiệp, sát thủ dao găm, các trinh sát cũng dùng một kế hoạch tương tự nhưng lần này, chiều hồm trước, các trinh sát công khai về Hoàng Động, rồi xẩm tối lại kéo nhau đi, sau khi đã ém vài “tinh binh” ở lại. Tưởng đoàn về làm việc với xã về một việc gì đó không liên quan gì đến mình nên tối đó thấy đoàn đã đi, Hiệp yên tâm ngủ trong nhà. Thế nhưng, nửa đêm, hắn giật mình choàng tỉnh thì đã quá muộn, tay hắn đã nằm chặt trong còng.

Dương đông kích tây, lần lượt Trai, Đại, Nướng và đàn em của Ruổng là Chi và Tân đều sa lưới pháp luật. Sợ hãi, một số tên đồng bọn khác cũng góm gém vũ khí đến tự thú trước cơ quan pháp luật. Chuyên án 89S khép lại và dòng sông Cấm lại yên ả như ngày nào.

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus //