Ba Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tiếp vướng lao lý
Ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh cùng bị bắt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tính đến ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt ba người từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra về các hành vi cốý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Hai trong số này từng là Đại biểu Quốc hội.
Ông Đinh La Thăng trong giai đoạn năm 2006-2011 đã giữ vị trí "số một" tại PVN như Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ngày 8/12 sau nhiều năm chuyển sang làm Bộ trưởng Giao thông, Bí thư Thành uỷ TP HCM và Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, ông bị bắt với cáo buộc liên quan các sai phạm khi làm việc tại PVN.
Theo thông báo của Cơ quan điều tra, ông Thăng liên quan trách nhiệm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Bộ Công an
Theo đó, vào tháng 9/2008, lãnh đạo PVN đã ký thỏa thuận với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về tham gia góp 20% vốn điều lệ vào nhà băng này, chia làm ba đợt. Nhà chức trách xác định số tiền góp vốn 800 tỷ đồng có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN. OceanBank sau đó có nhiều sai phạm đã bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng và hàng loạt lãnh đạo hầu tòa. PVN lúc này phải chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tại OceanBank nên lỗ 800 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng việc góp vốn đợt ba vào thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do vậy, việc này là trái luật.
Ông Thăng cũng bị cáo buộc liên quan đến sai phạm của công ty con (PVC) tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). Tại dự án này, ông Thăng do chỉ định gói thầu EPC nên vi phạm các quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi), nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên năm 2016-2017. 9 tháng trước, ông về nhận công việc mới tại Bộ Công thương, theo quyết định của Thủ tướng.
Ông Khánh bị bắt và khởi tố cùng ngày và cùng tội danh với ông Đinh La Thăng. Ngoài liên quan hai vụ án đang bị điều tra cùng ông Đinh La Thăng, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Khánh phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2010 -2015.
Ông Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh VnExpress
Ông Khánh cũng được cho là phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.
Ông Nguyễn Xuân Sơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN vào tháng 7/2014. Một năm sau ông bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay sau khi bị cho thôi chức vụ, ông Sơn bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Cuối tháng 9 vừa qua, trong vụ án xét xử 51 người liên quan hàng loạt sai phạm tại OceanBank, ông Sơn bị tuyên án tử hình cho ba tội danh - mức án cao nhất. Tháng 10/2017, ông Sơn kháng cáo, không thừa nhận việc bị kết tội.
Ông Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: VnEpress
Bản án xác định, do PVN là cổ đông góp 20% vốn tại OceanBank, năm 2008, ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN cử sang OceanBank giữ chức Tổng giám đốc. Trong thời gian này, lợi dụng vị thế PVN là đối tác chiến lược, ông Sơn đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN, giao tiền cho mình toàn quyền quyết định... Ông bị toà tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 266 tỷ đồng, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế làm thất thoát 297 tỷ đồng và tham ô 49 tỷ đồng.
Hiện, ông Sơn tiếp tục là bị can trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank.
Cũng liên quan các sai phạm tại PVN, ngoài ba cựu chủ tịch thành viên tập đoàn này, nhà chức trách đã truy cứu trách nhiệm hình sự với hàng loạt cán bộ của PVN như ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.