Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:19
RSS

Giám đốc BV Xanh Pôn: Cắt đôi test nhanh HIV chỉ là... 'thử nghiệm'

Thứ ba, 10/12/2019, 09:40 (GMT+7)

Lãnh đạo BV Đa khoa Xanh Pôn đã lên tiếng trước việc xảy ra tình trạng làm ăn gian dối, bớt xén trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Như Đời sống Plus đưa tin, ngày 9/12, thông tin về việc gian lận, cắt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B,  đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho, đã tạm đình chỉ công tác nhân viên liên quan.

Lãnh đạo BV Đa khoa Xanh Pôn nói gì trước hàng nghìn que thử HIV bị cắt đôi?
Lãnh đạo BV Đa khoa Xanh Pôn lên tiếng trước việc hàng nghìn que thử HIV bị cắt đôi. Ảnh VTV 24.

Các bác sĩ, nhân viên y tế bị tạm đình chỉ gồm: Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Loan - Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam – cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh, cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh.

“Bệnh viện cũng đang phối hợp, tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc trên quan điểm xử lý nghiêm, đúng người, đúng lỗi vi phạm, không bao che”, đại diện bệnh viện nói.

Theo điều tra của VTV24, tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul xảy ra tình trạng làm ăn gian dối, bớt xét trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Cụ thể, mỗi bệnh nhân đến đây xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích. Quá trình test nhanh với mỗi que thử không được thực hiện đúng quy trình mà được những nhân viên tại khoa Vi sinh dùng kéo cắt làm 2 với vệt kéo đúng vào vị trí giữa của vạch hóa chất xét nghiệm. Chỉ với thao tác như trên, 1 que thử đáng lẽ chỉ được sử dụng cho một người nay “chẻ đôi” dùng cho 2 người nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ.

Bên cạnh đó, tại phòng Xét nghiệm của khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ngày nào cũng diễn ra tình trạng “cắt đôi que thử”. Không chỉ có thế, theo lời nhân viên tại đây, quá trình phân tích, 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân khác nhau sẽ được trộn chung vào một ống nghiệm thủy tinh, đưa vào cùng giếng hóa chất sau đó được ủ trong máu rồi cho ra kết quả âm hoặc dương tính.

Nếu kết quả là âm tính thì cả 4 đều có chung “âm tính”, còn nếu dương tính, 4 bệnh nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm lại.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, test xét nghiệm chuẩn là xét nghiệm theo hình thức đấu thầu của bệnh viện. Còn test thử nghiệm là do Công ty Lục Tỉnh cung cấp.

“Sau khi làm xét nghiệm theo test chuẩn cho bệnh nhân, nếu huyết thanh dư thì mới làm thử nghiệm với que test cắt đôi. Điều này không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bệnh nhân”, ông Hưng lý giải.

"Theo báo cáo của khoa Vi sinh họ mới làm test thử nghiệm này 3 tháng nay, với tổng số 40 test thử, cắt làm đôi được 80 thanh. Phía công ty cũng chỉ cung cấp hai hộp bộ test kit này để thử nghiệm. Tuy nhiên dù là thử nghiệm thì cũng không được phép", ông Hưng nói.

“Sai sót của khoa Vi sinh ở đây là làm test thử mà không báo cáo với Bệnh viện. Bệnh viện đã tạm đình chỉ 3 cá nhân liên quan để xem xét làm rõ tiếp sự việc”, Ông Hưng nói.

Vị giám đốc này cũng phủ nhận việc trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân làm một trước khi xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA). Theo ông “việc trộn như vậy cũng không tiết kiệm được hóa chất đó, hóa chất đó nếu bán ra ngoài cũng không ai mua”.

Bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng “việc cắt đôi que thử là hành vi sai phạm, sai quy định của quy trình khám chữa bệnh và quy trình xét nghiệm”.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các phòng ban của Sở phối hợp với Bệnh viện rà soát chấn chỉnh quy trình xét nghiệm tại Bệnh viện Xanh Pôn. Đồng thời xử nghiêm nếu có sai phạm.

Sở Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện làm giải trình và báo cáo với Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế trong ngày 10/12.

Ở góc độ là chuyên gia chuyên về hóa sinh, PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: "Kết quả xét nghiệm có chính xác hay không thì phải tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất. Nhà sản xuất quy định 1 mẫu xét nghiệm sẽ dùng 1 que thử thì nên làm đúng như vậy

Trong cuộc đời mấy chục năm làm nghề, tôi chưa thấy ở đâu cắt đôi que thử test nhanh HIV, viêm gan B ra làm 2 để thực hiện. Khi 1 que thử được cắt 2, thì kết quả đúng sai không thể biết được".

Theo PGS Luật mọi sự cải tiến thì đều phải có cơ sở khoa học và kết quả. Nếu muốn cắt đôi que thử trong xét nghiệm thì trước đó phải có nghiên cứu và thực chứng bằng kết quả, để tránh việc chẩn đoán sai cho người bệnh.

Đối với xét nghiệm HIV phải thực hiện xét nghiệm tại 3 nơi mới có thể kết luận bệnh nhân nhiễm virus. Viêm gan B thì phải có hàng chục xét nghiệm mới đánh giá được.

Diệu Tâm (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN